Tây nguyên hút bóng… nhà dài

Tôi được cánh bạn coi là người vừa may mắn và cũng… kém may mắn khi lần đầu đặt chân lên vùng đất huyền bí Tây Nguyên vào mùa mưa. Cả tuần tôi ở lại, mùa mưa nhưng đất Tây Nguyên kiệm mưa lắm. Không xối xả, không ồ ạt, không còn cái cảnh mưa “giã” liên tục đến cả nửa tháng trời để tạo ra cái tâm trạng thèm muốn một ngày nắng ráo đi thăm bạn, rảo chân ra chợ hay vào rừng thăm rẫy… Nhiều người bạn bảo tôi đất trời Tây Nguyên giờ đây là vậy huống hồ những thứ khác.

TayNguyen1

Nhà dài truyền thống theo mô típ này nay đã ngày một “khan hiếm” ở Tây Nguyên

Không cần đặt chân đến, chỉ cần nói tới Tây Nguyên thì trong sự hình dung của con người ta sẽ là cồng chiêng, nhà dài và những chú voi rừng đã được thuần dưỡng. Cồng chiêng Tây Nguyên đã có vận may vì cách đây 7 năm về trước, chính thức được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Có vận may này nên tình trạng “chảy máu cồng chiêng” mà các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa những năm trước được ngăn chặn. Thêm nữa, cũng dựa vào “căn cứ pháp lý” này mà các đội cồng chiêng ở các buôn, bon đã được phục hồi. Người dân đã ý thức thêm về giá trị cồng chiêng, lại có thêm kinh phí để đầu tư nữa nên đến Tây Nguyên ngày này cồng chiêng đã không còn phải… mỏi mắt mà tìm.

 

Hiện nay việc khó kiếm tìm nhất trên mảnh đất Tây Nguyên này có lẽ là nhà dài và những chú voi rừng thuần dưỡng. Tây Nguyên là nơi có tới trên 40 dân tộc anh em sinh sống, đông nhất trong các dân tộc này là người Ê Đê và người M’nông. Vậy nên cũng có lý do khi nhắc đến miền đất có cái tên chung là Tây Nguyên bao gồm địa bàn 5 tỉnh là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắc, Đắk Nông, Lâm Đồng người ta đã lấy văn hóa của hai dân tộc này để khái quát về Tây Nguyên.

 

Là miền đất của nhà dài nhưng tiếc thay tất cả các khách sạn nhà nghỉ trong địa bàn và có thể rộng ra nữa của thành phố Buôn Ma Thuột lại không tạo và không đánh thức cho khách lạ cũng như khách quen về hình thức văn hóa này. Bê tông và bê tông. Vuông thành, sắc cạnh và cầu kỳ về những màu sơn. Chỉ cần bỏ những biển hiệu như Sài Gòn Ban Mê, Dakruco Hotel hay Cao Nguyên Hotel… thì người ta có thể dễ mường tượng như mình đang ở… vùng đất khác.

 

Đêm Tây Nguyên không mưa, nóng và có cảm giác dài hơn thường lệ. Tôi bồng bềnh trong sự “khám phá” của mình với anh bạn già đã có thâm niên sống đến 2 đời ở đây kể về một Tây Nguyên của trước đó. Trước đây, cũng chả xa đâu, thời gian chỉ bằng tuổi thọ của một người Ê Đê ngày còn gần gũi với rừng thôi, Thành phố Buôn Ma Thuột chỉ là một buôn nhỏ bé. Buôn Ma Thuột – Buôn của cha Thuột ngày ấy chỉ có 50 ngôi nhà dài nhưng đã nổi tiếng khắp vùng. Cha Thuột – Ama Thuột theo cách gọi tên con thay cha của người Ê Đê là một tù trưởng quyền uy và giàu có.

 

Buôn của Cha Thuột ngày ấy năm làm một vụ nương và địa bàn canh tác của người dân trong 50 ngôi nhà dài này chỉ chiếm một phần nhỏ trong diện tích hiện có ngày nay của Thành phố Buôn Ma Thuột. Rừng đa tầng ngút ngàn, những tán kơ nia cả chục người ôm – biểu tượng của núi rừng Tây Nguyên, của người Ê Đê tỏa bóng che chở cho dân làng. Voi rừng ngày ấy cũng lấy địa bàn Thành phố này làm nơi cư trú. Lừng lững, ngạo nghễ, thân thiện với voi nhà và con người…

 

Ấy thế mà nhanh, nay toàn vùng đất đã hết những bóng cây nguyên sinh. Gạch cát, vôi vữa và sắt thép đã ngần ngật “tấn công” đuổi rừng ra khỏi thành phố và còn xa hơn nữa. Biểu tượng rừng Tây Nguyên, niềm tự hào về rừng của người Ê Đê là những cây kơ nia giờ chỉ còn lại mươi thân nhỏ nhoi khắp địa bàn thành phố. Sự may mắn để cây kơ nia còn ở lại được với thành phố này vì những cây ấy vốn bị sâu sia và nằm ở những chỗ đất mà người ta không thể và chưa thể dựng nhà hay kiến thiết cơ sở hạ tầng gì đó.

 

Theo anh bạn tôi kể, cách đây chỉ 20 năm, khoảng năm 91 – 92 của Thập kỷ 20 mà chân trần đi bộ tới 5 buôn do Tù trưởng Ama Thuột quản lý như Ako Tam, Kmrong Prong, Păn Lăm, Ako sier, Ale, Cư dlue là đã thấy nhà dài của miền đất Bazan này rồi. Nhưng nay, muốn được chiêm ngưỡng và tận hưởng 1/3 không gian văn hóa cơ bản của người Ê Đê, của Tây Nguyên này thì phải… đi tìm. Không đi bộ được nữa, không taxi thì cũng phải xe thồ mới đến được.

 

Tôi đi tìm nhà dài. Lại phải mất nửa ngày để đặt vấn đề với những người bạn, và sau đến gần 20 giờ chờ đợi thông tin thì một trong số những người bạn đã được nhờ vả bảo: Nếu ông muốn tìm đến không gian “đặc quánh” về nhà dài của người Ê Đê thì phải tìm vào huyện Cư M’gar mà cụ thể hơn là vào với xã Ea Tul. Để ngắm nhà dài và “thỏa trí tò mò” với một trong 3 phần chính để làm nên văn hóa người Ê Đê ở Tây Nguyên tôi quyết định lên đường.

 

Từ Thành phố Buôn Ma Thuột lên huyện Cư M’gar rồi từ huyện này vào Ea Tul mất gần 40km đường. Nhiều chỗ đường khó đi lắm nhưng vì cái “giá của sự khám phá” nên cũng chả ngại. Xã Ea Tul với 2.018 hộ dân sinh sống tại 13 thôn buôn, trên 90% là người Ê Đê nhưng khi được hỏi, anh cán bộ văn phòng xã tên Toàn cứ rờ rẫm từng đốt ngón tay để đếm nhà dài. Mười bảy. Không, 12 cái… Và cuối cùng thì anh đành phải cười hiền mà bảo: Mình cũng không nắm được đâu. Giờ người dân ít ở nhà dài lắm. Mình không chắc toàn xã có bao nhiêu nhà dài nhưng chắc ở buôn Phơng – trung tâm hành chính xã chỉ còn khoảng 4 cái nhà dài.

 

Nhà dài được coi là bề thế nhất ở thôn này mà tôi được giới thiệu đến là nhà của bà H’sơi Niê. Ngôi nhà dài này được làm từ trước giải phóng nhưng hiện chỉ còn mỗi bà H’sơi ở vì các con của bà đều đã bắt chồng và ra xây nhà theo kiểu hiện đại để ở. Ê Đê là một dân tộc hình thành theo chế độ mẫu hệ. Người ta bảo nhà dài là một cộng đồng gia đình mà thông thường có tới 4 thế hệ sinh sống. Điều hành và quản lý công việc là người phụ nữ lớn tuổi nhất. Văn hóa nhà dài ngoài việc thể hiện sự quần cư, tính cộng đồng của dòng họ, buôn thôn thì chỉ cần nhìn cửa sổ là người ta có thể biết trong nhà dài ấy có bao nhiêu hộ gia đình sinh sống.

TayNguyen2

Ngôi nhà dài được coi là cổ nhất ở Ea Tul này thực ra cũng không còn cổ nữa vì mái đã lợp bằng tôn và chỉ còn 1 thế hệ sinh sống.

Nhà dài Tây Nguyên, nhà dài của người Ê Đê tại sao lại ngày một vắng bóng và vắng đến quạnh quẽ. Đây là cả một câu hỏi khó, ngay cả với những người sống nhiều nhất với Tây Nguyên. Gặp để hỏi, ai cũng đưa ra cái ý, cái lý của mình. Người bảo ấy là do không còn rừng và không còn vật liệu để làm nhà. Người thì bảo đấy là do cuộc sống phát triển, với sự giao lưu các luồng văn hóa của các dân tộc nên người ta không còn “mặn mà” với nhà dài nữa.

 

Có người lại bảo cuộc sống hiện đại ngày nay đã đem cho nhà dài những cái “chết lâm sàng”. Ngày xưa, cuộc sống chưa hiện đại, nhu cầu về vật chất chưa có, người ta chỉ sống với nương rẫy và một cuộc sống đơn giản. Vì đơn giản trong cuộc sống nên sự so sánh, suy bì và mâu thuẫn giữa các cá nhân trong một gia đình không cao nên họ còn ở chung với nhau. Ngày nay cuộc sống hiện đại đã đem đến mâu thuẫn và sự riêng rẽ đã làm cho người ta không thể ở chung được với nhau nữa. Và thế là văn hóa nhà dài cũng bị mai một.

 

Và không chỉ tôi mà còn nhiều người khác nữa, ngày nay đến đất Tây Nguyên, nếu muốn chiêm ngưỡng nhà dài thì hãy rảo chân nếu không… sẽ muộn!

Nguồn Báo Đại Đoàn Kết