Dù mới đến đợt tưới lần thứ hai trong vụ cà phê 2013 (mỗi năm có từ 3-5 đợt tưới) nhưng tại các huyện Ea H’Leo, Krông Năng, Ea Kar, Krông Bông, Krông Pắk (Đắk Lắk), Cư Jut, Krông Nô (Đắk Nông)… các ao hồ, sông suối đã cạn kiệt, trơ đáy.
Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Lắk, lượng mưa trong năm 2012 diễn biến thất thường và chỉ đạt khoảng 70% các năm trước. Mới bước vào đầu năm 2013 nhưng lượng nước ở nhiều sông hồ thủy lợi tại tỉnh đã thiếu hụt đáng kể, chỉ còn khoảng 50-70% dung tích thiết kế, cá biệt hồ Ea Kar chỉ đạt 30%. Dự báo tình trạng hụt nước sẽ còn diễn biến phức tạp.
Không còn nước để hút
* Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, vụ đông xuân, huyện Krông Ana có gần 1.600ha lúa bị hạn hán, trong đó mới đầu vụ đã có 30ha bị mất trắng. Huyện Krông Bông có 90ha lúa mất trắng, do nắng nóng có 850 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt…
* Tình hình khô hạn tại Đắk Nông xảy ra gay gắt nhất ở ba huyện Krông Nô, Cư Jút và Đắk G’Long. Nông dân trong vùng cho biết với tình trạng này, đến hết tháng 2-2013 tất cả sông suối, ao hồ sẽ cạn kiệt.
* Hạn hán ở tỉnh Kon Tum đang diễn biến nghiêm trọng, đặc biệt khu vực huyện Đắk Hà các trạm bơm bị tê liệt và phải tổ chức khắc phục từ trong và sau Tết Quý Tỵ 2013.
* Tại Gia Lai, nhiều huyện phía nam như Kôn Chro, Mang Yang…, tình trạng thiếu hụt nước đã trầm trọng và phải tổ chức chống hạn từ trong tết.
Ngày 19-2, tại đập nước 18 xã Hòa Đông, Krông Pắk (Đắk Lắk) có ba máy bơm nước phải đưa ra giữa hồ để chắt chiu nước tưới cho các lô cà phê cách đó hơn 5 cây số. Lòng hồ trơ ra nhiều gốc cây khô và các vết nứt của đất bùn phơi nắng… Trong ba máy còn “bám trụ” tại hồ này thì chỉ hai máy nổ còn hoạt động vì đưa sát xuống giữa hồ, một máy không còn hoạt động do không đủ nước để máy hút vào…
Ông Nguyễn Văn Hòa, một nông dân có rẫy cà phê gần đập nước, cho biết đập nước nhỏ này cung cấp nước tưới cho hơn 100 hộ dân quanh vùng và thường không thiếu nước đến lần tưới cuối cùng, nhưng năm nay chưa tưới xong đợt tưới thứ hai hồ đã trơ đáy. Mấy hôm trước có hàng chục máy cày (có gắn máy bơm nước) được đưa ra giữa hồ để lấy nước tưới nhưng vì hồ quá cạn, hút phải bùn, rác nhiều quá nên các máy phải rút về. Riêng chiếc môtơ tưới (bằng điện 3 pha) công suất lớn thì đã nằm im cả tuần vì không đủ nước để máy hút.
Còn tại cánh đồng xã Yang Ré (Krông Bông), nhiều người dân làm lúa tại đây cũng đứng ngồi không yên vì chưa biết sẽ lấy nước ở đâu tưới cho ruộng lúa vụ đông xuân vừa gieo sạ. Bà Tạ Thị Hiền (thôn 14, xã Yang Ré) cho biết cánh đồng này lấy nước từ trạm bơm Yang Ré cách đó hơn 5 cây số và chỉ duy năm nay nước tưới thiếu hụt trầm trọng. Nhìn vào những đường nứt nẻ ngang dọc dưới ruộng lúa, bà Hiền lo lắng: “Hai chị em tôi vừa gieo sạ 1,7 sào lúa đông xuân nhưng với tình trạng này chắc lúa rồi cũng chết”.
Chưa năm nào như năm nay
Ông Hoàng Trung Thơ – giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông – cho biết nhiều tháng qua toàn bộ cán bộ, công nhân của công ty tại các chi nhánh đặt ở các huyện đang phải hoạt động tối đa để triển khai các biện pháp chống hạn. Do lượng nước ngầm thiếu hụt, nước dự trữ tại các sông suối và hồ đập cạn kiệt nên nhiều trạm bơm thủy lợi đang trong cảnh đắp chiếu. Tại trạm bơm của công ty này đặt ở xã Buôn Choáh (huyện Krông Nô, Đắk Nông), lượng máy bơm và công nhân luôn túc trực sẵn sàng để bơm nước nhưng nước về sông Krông Nô thiếu hụt nên lượng nước bơm lên không đạt công suất. Theo ông Thơ, chưa năm nào việc thiếu nước diễn ra gay gắt như năm nay. Để cứu lúa và hoa màu cho dân, công ty phải nạo vét lòng sông, nối đường ống bơm ra tận giữa lòng sông.
Ông Đinh Tiến Hiển – quyền giám đốc chi nhánh tại Krông Nô Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông – cho biết mực nước tại các hồ đập lớn ở huyện này đã xuống dưới mực nước chết. Hồ chứa Đắk Mâm (xã Nam Đà, Krông Nô) có dung tích chứa gần 1 triệu m3 nhưng hiện nước đã xuống cạn đáy. Các cán bộ thủy lợi của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông cho biết do thiếu nước tưới hoa màu nên tại nhiều địa phương đã xảy ra cảnh tranh giành nước, nhiều người dân bức xúc trước việc thiếu nước tưới đã đập phá nhiều cơ sở vật chất, máy móc tưới tiêu và hệ thống kênh mương của công ty.