Tây Nguyên-Đăk Lăk:Tiếng kêu cứu của đàn voi

Phòng khách sang trọng trưng cặp ngà voi, phụ nữ hãnh diện đeo vòng ngà voi, đây đó người ta tặng nhau bằng những chiếc nhẫn lồng lông đuôi voi làm quà tặng cầu may. Xương voi chế thành vỏ bút, ống điếu, hộp card visit hoặc nấu cao… Nhiều người lùng mua các bộ phận của voi như những kẻ điên rồ.

Con người cần đến các bộ phận của voi chỉ vì càng ngày các bộ phận của voi đang được con người phù phép cho những tác dụng với niềm tin mù quáng. Bất cứ bộ phận nào của voi cũng có giá trị vì thế nhiều người bỏ những khoản tiền lớn để săn lùng những bộ phận của voi. Nghịch lý là voi chết có giá trị hơn voi sống. Một con voi sống chở khách đi một đoạn đường 1km có giá thuê rẻ hơn thuê ôtô, nhưng một cặp ngà voi chết dùng để mua được hai cái ôtô. Một con voi sống cả ngày giúp chủ voi kiếm được chưa tới trăm ngàn đồng, trong khi cái đuôi voi chết bán được 25 triệu đồng. Chả trách chủ voi Tây Nguyên đã có người lén lút giết voi nhà để sau đó được toàn quyền sử dụng xác voi chết!

Nhà nước cũng đã đưa ra Dự án có con số 60 tỷ đồng cho 5 năm để xây dựng và duy trì khu Trung tâm Bảo tồn voi. Dự án đã được công bố từ năm 2009, tỉnh Đắklắk giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì nhưng đến nay dự án vẫn chưa vượt ra khỏi giấy. Sự chậm trễ của cơ chế và lòng tham, niềm tin mù quáng của một bộ phận dân chúng đang đẩy nhanh voi Tây Nguyên tới chỗ chết.

voi-2

Niềm tin mù quang của một bộ phận người dân đang dồn voi Tây Nguyên vào chổ chết

Chúng ta phải làm gì đi chứ!?

Tại Thư viện Quốc gia Việt Nam (Hà Nội) vừa diễn ra triển lãm “Những đại diện cuối cùng của voi nhà Tây Nguyên” và cuộc tọa đàm “Làm sao để bảo tồn loài voi ở Việt Nam khỏi nguy cơ tuyệt chủng?”. Hoạt động này do Tạp chí Xưa và nay – enter Việt Nam, Thư viện Quốc gia VN, Chương trình “Hành trình Việt Nam xanh” phối hợp tổ chức.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cùng các cộng sự (các nghệ sĩ Lê Văn Thao, Nguyễn Bá Ngọc) tổ chức đi chụp ảnh và viết lý lịch, đặc điểm, số phận của 51 (trong tổng số 52) con voi nhà đang sống tại tỉnh ĐắkLắk, thủ phủ đàn voi nhà Việt Nam (1 chú voi liên tục theo chủ đi vắng vào rừng sâu, nên đoàn chưa chụp được). Tập sách Những người bạn lớn (The Giant Friends) đã được chính thức phát hành dưới dạng tập bưu ảnh, mỗi con voi chiếm trọn 2 trang ảnh và thông tin in màu trên giấy nâu sẫm, dày dặn như một bưu thiếp sang trọng, bên cạnh là slogan cho mỗi bản lý lịch, mỗi trang sách: “Đừng để voi chỉ còn là ký ức”. Còn các bức ảnh khổ lớn có chân dung và lý lịch từng con voi nhà (Những người bạn lớn) sẽ được trưng bày ở nhiều thư viện, quán cà phê và các phòng triển lãm trong cả nước.

Nhà sử học Dương Trung Quốc viết ở đầu sách: “Điều gì đã khiến (voi) loài vật tưởng chừng như không có đối thủ trong tự nhiên bỗng trở nên mong manh đứng đầu danh sách tuyệt chủng?”, “Cuộc khảo sát (để làm sách và tổ chức tọa đàm) còn cảm nhận được rằng, nếu cứ để tình trạng như hiện nay thì sự tuyệt chủng của voi ở nước ta sẽ là điều không cưỡng lại được chừng nào không được cộng đồng và Nhà nước quan tâm tìm giải pháp hữu hiệu. Theo dự báo của các nhà khoa học, chỉ chừng 20 năm nữa, đàn voi này cùng với những buôn làng Tây Nguyên vang bóng một thời với nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng sẽ chỉ còn là “di sản”.

voi-1

Liệu bản sắc Tây Nguyên có còn nếu không có hình ảnh những “ông Voi”?

Cùng với cuộc xắn tay áo của nhà sử học và các cộng sự “đá chân trái” sang làm… bảo tồn kể trên, Công ty Cổ phần Phim truyện 1 (Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch) cũng tổ chức dự án “Hành trình Việt Nam xanh”, tiến hành khảo sát các vấn đề nóng về môi trường ở khắp Việt Nam. Đoàn đi thị sát, làm phim, diễn thuyết, thực hiện các dự án cá nhân độc đáo nhằm phản ánh trung thực và tìm giải pháp hữu ích để môi trường Việt Nam xanh hơn. Khi khảo sát dọc các tỉnh Tây Nguyên, “Hành trình Việt Nam xanh” đã chứng kiến nhiều đau đớn của số phận đàn voi nhà ở ĐắkLắk. Từ chỗ hơn 500 con vào năm 1985, đến nay, số lượng voi nhà đã giảm 9/10! Hơn 50 con voi còn lại bị bóc lột sức khỏe kiệt quệ, bị giết hại để lấy các phần thi thể đem bán, con nào còn sống thì cũng bị chặt đuôi, cưa ngà, nhổ trộm lông đuôi bán cho du khách với niềm tin mê muội: “cầu may”!

Trước tất cả những bất cập trong chính sách và phương pháp thực thi nhiệm vụ bảo tồn đàn voi nhà tội nghiệp còn sót lại đó, “Hành trình Việt Nam xanh” đã gửi thư kiến nghị lên cơ quan chức năng; xúc tiến tổ chức các buổi giao lưu, tọa đàm trên báo, đài và trong các cuộc gặp gỡ báo chí, người hâm mộ; trưng bày các tấm ảnh và panô (liên quan đến nỗi đau của voi nhà) khổ lớn ở nhiều địa phương; thậm chí sẽ đề nghị với UBND tỉnh ĐắkLắk, ngành hàng không dân dụng Việt Nam treo áp-phích cấm sử dụng các sản phẩm từ voi ở sân bay Buôn Ma Thuột.

Cực kỳ nguy hiểm!

Ông Quốc nói: “Chúng tôi đưa ra slogan phù hợp với góc nhìn “Xưa và nay” của mình, rằng: “Đừng để voi chỉ còn là ký ức”.

Sách ảnh, triển lãm ảnh về voi nhà Tây Nguyên có tác dụng đánh thức, cảnh tỉnh cơ quan chức năng và toàn xã hội tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo tồn này.

Hiện nay, với cơ chế bỏ mặc đàn voi nhà như thế này thì chúng đang là những nô lệ thật sự, bị vắt kiệt sức lao động, bị khai thác cạn kiệt phục vụ sản xuất và du lịch. Người chủ voi cũng không tạo điều kiện để nó có thể sinh sản được.

Câu hỏi lớn đặt ra trước các nhà quản lý rằng: tại sao từ chỗ hơn 500 con vào năm 1985 đến nay đàn voi nhà của chúng ta chỉ còn 1/10 thôi, tức là 52 cá thể. Câu chuyện của chúng ta là: nếu để mất đàn voi nhà hiện nay thì chúng ta không chỉ mất con voi mà mất cả một phần ký ức của dân tộc!

Hiepcoi

Nguồn Caphedaklak.com