Thời gian qua, do mưa kéo dài, độ ẩm cao, các loại nấm xuất hiện khiến nhiều diện tích cà phê ở Tây Nguyên bị rụng trái non. Điều này khiến nông dân đứng ngồi không yên.
Đắk Lắk là tỉnh có diện tích cà phê lớn nhất Tây Nguyên, mặc dù chưa có số liệu thống kê về diện tích cây cà phê bị rụng quả non nhưng theo phản ánh của các hộ dân thì nhiều vườn cà phê đã và đang xuất hiện bệnh rụng quả do nấm.
Ông Lê Văn Tâm, ở xã Hòa Đông (huyện Krông Păc), chia sẻ: “Nhà tôi có 7 sào cà phê đang thời kỳ trái non, nhưng khoảng 1 tháng nay xuất hiện tình trạng rụng trái, mỗi khi có trận mưa rào là số lượng trái rụng rất nhiều. Nếu tình trạng này kéo dài chắc chắn sản lượng niên vụ này sẽ bị ảnh hưởng. Hiện, tôi đang tìm mua các loại thuốc bảo vệ thực vật về xịt mà cũng chẳng ăn thua”.
Cũng ở xã Hòa Đông, cách nhà ông Tâm không xa, ông Bùi Thanh Lê đang tiến hành xịt thuốc cho vườn cà phê của mình. Ông Lê cho hay: “Thời gian qua, do mưa kéo dài, độ ẩm cao khiến nấm xuất hiện nhiều làm cho cà phê rụng trái hàng loạt. Qua quan sát tôi thấy triệu chứng ở cuống trái thì đen dần, sau đó có màng trắng bao phủ, từng chùm trái bị thối và rụng hàng loạt… Nếu cứ kéo dài thì năm nay Tây Nguyên lại phải chịu cảnh mất mùa cà phê rồi”.
Theo quan sát của chúng tôi, tại vườn cà phê của ông Lê, giữa những chùm trái xanh còn sót lại là vết cuống thâm đen, dấu vết của hiện tượng rụng trái để lại. Nhiều cây quả đã rụng hết, chỉ còn trơ lại cành và lá, tỷ lệ rụng trái lên đến 10-15%.
Không chỉ ở Đắk Lắk, Lâm Đồng cũng là địa phương có diện tích cà phê bị rụng trái tương đối lớn. Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, chỉ tính riêng xã Tam Bố (huyện Di Linh) đã có 1.077ha cà phê bị rụng trái, trong đó có 150ha nhiễm rệp sáp ở mức trung bình, tỷ lệ hại 11,5%, cục bộ có cây thiệt hại rất nặng. Diện tích 777ha còn lại rệp sáp gây hại nhẹ (tỷ lệ dưới 7,5%). Bên cạnh đó, tại thôn Hiệp Thạnh II (xã Tam Bố), đa số người dân canh tác trên đất có tỷ lệ đá cao, tầng canh tác mỏng, hiện cà phê đang trong giai đoạn tích lũy vật chất khô vào hạt, rất cần dinh dưỡng, nếu không được cung cấp kịp thời sẽ bị rụng quả.
Tại Đắk Nông, tình trạng cà phê bị rụng trái cũng xuất hiện rải rác tại các vườn của nhiều nông dân, khiến người trồng cà phê phải đối mặt với một vụ mùa thất bát, cộng với năng suất thấp do tỷ lệ cây già cỗi cao, dự kiến sản lượng cà phê niên vụ 2014 – 2015 thấp hơn nhiều so với niên vụ trước. Tại các huyện như Cư Jut, Đắk Song, Đắk Mil, Krông Nô…, những vùng chuyên canh cà phê lớn của tỉnh, tỷ lệ rụng trái lên đến 20-30%, thậm chí có nhiều nơi lên đến 40%. Theo một số hộ dân, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có thể do thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, sau đó mưa liên tục gây thối cuống rồi rụng trái.
Theo nhận định của Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), nguyên nhân dẫn đến tình trạng cây cà phê bị rụng trái là do thời kỳ cây ra hoa gặp nắng hạn kéo dài suốt từ đầu năm đến cuối tháng 6. Đây là điều kiện thuận lợi để rệp sáp phát triển. Thời kỳ ra hoa lại gặp hạn hán kéo dài nhưng đến thời kỳ đậu trái thì cà phê tiếp tục phải chịu mưa nhiều khiến quả non bị nhiễm nấm đen ở cuống và rụng.
Như vậy, niên vụ 2014-2015, nông dân Tây Nguyên lại một lần nữa phải đối mặt với việc càphê mất mùa. Bà con đang vô cùng bất an, lo lắng vì thu nhập không đủ chi phí cho việc chăm sóc, bón phân…; trong khi đó, giá cà phê nhân trên địa bàn lại không ổn định. Điều này dễ dẫn đến tình trạng bà con ồ ạt chặt cà phê để trồng loại cây khác, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của ngành cà phê Việt Nam nói chung, Tây Nguyên nói riêng.