Tạo ra “cơ chế” để ép giá nông dân

Trong những ngày qua, hàng chục xe tải chở cà phê chè quả tươi của nông dân huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) bị các nhà máy chế biến cà phê trên địa bàn từ chối thu mua, với lý do không chế biến kịp hoặc bị… hư máy(!?).

Khi người dân tự cứu bằng cách vận chuyển ra khỏi địa bàn huyện để bán cho các cơ sở thu mua khác thì bị chặn lại tại cổng B khu thương mại Lao Bảo. Uất ức, ông Hồ Văn Lào – Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Thành Đạt, một đại lý thu mua cà phê cho nông dân – đã lên huyết áp, đột quỵ ngay tại nhà máy chế biến cà phê, hiện đang cấp cứu tại Bệnh viện T.Ư Huế. Đã và đang xảy ra tình trạng cà phê chín đỏ vườn, nhưng người dân không dám hái…

IMG_4126

Thu hoạch càphê ở Hướng Hoá.

Quyết tâm thu hoạch cà phê chín

Lãnh đạo Phòng NNPTNT huyện Hướng Hoá cho biết, chủ trương của huyện năm nay là kiên quyết không để xảy ra tình trạng người dân thu hoạch cà phê xanh, làm ảnh hưởng chất lượng, thương hiệu cà phê Khe Sanh. Và để đảm bảo lợi ích giữa người trồng và nhà máy chế biến cà phê quả tươi, huyện đã cho thành lập Hiệp hội các Nhà thu mua – chế biến trên địa bàn, ban hành những quy định, trong đó có việc cấm vận chuyển cà phê quả tươi ra khỏi địa bàn huyện. Khi PV nêu vấn đề người dân phản ánh rằng các nhà máy chế biến nại ra việc máy hư, không chế biến kịp, từ chối nhập cà phê, hậu quả là các đại lý ép hạ giá thu mua xuống, từ đầu vụ càphê đã có giá 11.000 đồng/kg, những ngày này họ phải bán với giá 9.300 đồng/kg, ông Nguyễn Kim Quy – cán bộ phụ trách mảng cà phê của phòng này – nói ông có nghe thông tin chuyện đó, không thể có chuyện nhà máy không thu mua như vậy được.

Tại Nhà máy chế biến cà phê Đại Lộc – ông Ngô Đình Phương – Phó giám đốc, hiện là người phụ trách Hiệp hội các Nhà thu mua – chế biến huyện Hướng Hoá – nói rằng, sự ra đời của hiệp hội này là nỗ lực nhằm quyết tâm chỉ thu mua cà phê chín, kiên quyết nói không với cà phê quả xanh; mặt khác, về giá cũng đã chủ trương phải mua tối thiểu cho nông dân là 10.000 đồng/kg. “Tôi cũng còn là người trồng càphê nữa, nên tôi biết dưới 10.000 đồng/kg nông dân sẽ lỗ” – ông Phương nhấn mạnh. Về việc cấm vận chuyển cà phê ra khỏi địa bàn, ông Phương nói đó là chủ trương của huyện, các DN như ông không dám đề xuất như vậy vì nó trái với kinh tế thị trường.

“Cơ chế” ép giá

Ông Nguyễn Viết Thể – hiện đang thay ông Hồ Văn Lào điều hành HTX Thành Đạt – nói: “Chủ trương chỉ thu mua cà phê quả chín để làm cà phê sạch được tất cả bà con nông dân ủng hộ, thế nhưng về giá cả, sự hình thành liên minh, liên kết giữa các nhà máy chế biến để ép giá nông dân, đại lý là có thật. Tối 24.11, hàng chục xe tải chở cà phê của các đại lý nháo nhào đi tìm chỗ bán nhưng không có, họ bảo đầy rồi, không nhập nữa, lúc khác thì họ luân phiên nhau nói máy bị hư nên không thể nhập thêm được nữa. Ngay trong đêm 24.11, Chủ nhiệm Hồ Văn Lào liên lạc với Giám đốc Nhà máy chế biến cà phê Thái Hoà, năn nỉ để được bán nợ, may mắn là ông Đại – giám đốc nhà máy này – đã đồng ý mở cửa nhập cho chúng tôi. Cà phê quả tươi cũng như hoa thôi, để qua đêm coi như bỏ rồi…”.

UBND huyện Hướng Hoá đã ban hành chủ trương không cho vận chuyển cà phê quả tươi ra khỏi địa bàn, nhưng cùng với nó không có những chế tài, sự kiểm tra, xử lý nên hậu quả là đã tạo ra một “cơ chế” mang lại lợi ích rất lớn cho các nhà thu mua, khi triệt tiêu sự cạnh tranh: Hiệp hội các Nhà thu mua trong địa bàn huyện toàn quyền quyết định giá mua. Trên địa bàn huyện hiện đã xuất hiện gần chục cơ sở chế biến cà phê của nhóm hộ với quy mô nhỏ, đó là chỉ dấu hiệu của sự tự cứu của người nông dân.

Nguồn Báo Lao Động