Tan hoang rừng Ea Súp

Trong khi lâm tặc ngang nhiên đốn hạ cây rừng, công khai đưa gỗ đi tiêu thụ thì chính quyền địa phương làm ngơ.

>>Thú chơi… tận diệt rừng: Cần xử lý nghiêm
>>Khởi tố nhóm phá rừng Vườn quốc gia Yok Đôn

Cận cảnh lâm tặc "xẻ thịt" rừng
Cận cảnh lâm tặc “xẻ thịt” rừng

PHÁ RỪNG CHIẾM ĐẤT ĐEM BÁN

Men theo đường đất đỏ ở thôn Bình Lợi, xã Cư Mlan, chúng tôi đến lãnh địa rừng bị “mần thịt”. Dọc hai bên đường, nhiều tấm biển cấm phá rừng được cơ quan quản lý treo lên, nhưng phía sau, rừng bị “cạo trọc” không thương tiếc. Thay vì phủ màu xanh của cây thì nay, rừng tại hai Tiểu khu 262, 264 chỉ còn lại đất đá trơ trọi, gốc cây cháy đen sì. Cây cối thành vạt dài hàng cây số.

Người dân cho biết, trước đây rừng ở khu vực này phủ kín một màu xanh rợp, đường vào rừng chằng chịt dây leo và cây gỗ lớn, nhưng dưới bàn tay của kẻ phá rừng, nhiều cây cổ thụ, gỗ quý bị “khai tử”, chỉ còn lại những bụi cây gai, gỗ tạp mọc lam nham, động vật bị săn lùng cạn kiệt. Hàng ngày, tại tuyến đường cách trung tâm huyện Ea Súp khoảng 3km có hàng chục xe công nông “độ” rầm rập vào rừng, chiều về những con “trâu sắt” này chất đầy gỗ phóng thục mạng. Lâm tặc ngang nhiên vận chuyển lâm sản như chỗ không người, nhưng chẳng thấy cơ quan chức năng nào can thiệp.

Rừng bị triệt hạ loang lổ như da báo trên diện rộng. Dọc hai Tiểu khu 262, 264, từng đoàn người lom khom cầm dao, rựa, thuổng, cưa máy… hì hục đốn, phát, dọn dẹp. Sau khi càn quét tan hoang, người dân địa phương bắt đầu ồ ạt vào rừng dựng lán, đóng cọc, chia thửa lấn chiếm đất rừng thành lãnh địa của mình để trồng hoa màu; số khác đem đất chiếm được sang nhượng lại cho người khác kiếm lời trên máu, thịt rừng.

Trong vai người mua đất canh tác, chúng tôi được anh Nông Văn Bảo (22 tuổi, ở thị trấn Ea Súp), là người đang canh tác trên đất rừng tại Tiểu khu 262, cho biết: “Các anh đến đây mua đất bao nhiêu chả có. Đất trồng cao su ngay mặt đường giá từ 60 đến 80 triệu đồng/1 héc ta, đất trồng khoai mì từ 40 đến 50 triệu/hécta tùy theo địa hình, chất đất. Miếng đất này của tôi khai hoang năm năm nay, rộng khoảng 3 hécta, đất không được tốt nên chỉ trồng khoai mì, ngô, đậu… Cách đây hai năm, có người trả 40 triệu đồng/hécta nhưng tôi không bán”. “Có sổ đỏ không?”, chúng tôi hỏi. Bảo huỵch toẹt: “Ở đây toàn là đất rừng đi chiếm, lấy đâu ra sổ đỏ, muốn mua thì viết giấy tay rồi giao đất cho nhau vậy thôi”. Nói xong, Bảo chỉ tay cho chúng tôi biết vị trí cách miếng đất nhà anh khoảng 1km hiện có nhiều mảnh đất người dân vừa khai hoang, đất tốt, trồng cao su rất hợp, đang rao bán.

Chúng tôi thắc mắc: “Các anh chặt cây rừng, chiếm đất mà không có ai ngăn cản sao?”. Bảo thản nhiên kể: “Những người quản lý rừng truy quét thì chúng tôi bỏ chạy, họ đi thì mình quay lại chặt tiếp. Nếu bị truy quét dữ quá thì tranh thủ cưa cây vào buổi trưa hoặc tối, sau đó phát quang, bới gốc cắm rào, họ vào thì cũng chẳng làm gì được, đất lâm trường cũng như đất nhà mình”.

LÂM TẶC VÔ TƯ “CẠP” GỖ RỪNG

Sau nhiều ngày có mặt tại huyện Ea Súp, chúng tôi chọn khu vực trung tâm xã Ea Rốk để “canh me” lâm tặc. Băng qua con đường đất nhão nhoét sau cơn mưa nặng hạt, chúng tôi đến buôn Mthal – lãnh địa lâm tặc ở phía sau suối Ea Khal. Khu vực này nằm gần Tiểu khu 207 do Cty TNHH MTV Rừng Xanh quản lý. Phía trước suối, đường bị lâm tặc cày nát trong bùn, nước đỏ au ngập nửa bánh xe máy. Chúng tôi lần theo lối mòn dưới suối tìm đến địa điểm nơi cưa máy phát ra the thé. Càng đến gần, tiếng động của cưa máy, tiếng cây đổ, tiếng va của cây đập vào đá nghe càng chát chúa.

Qua lối mòn trong rừng khoảng 2km, chúng tôi bắt gặp đám lục lâm gồm 6 người đang cưa cả đống gỗ sao to đùng thành khối vuông ngay giữa rừng. Xung quanh “trạm” của lâm tặc, nhiều cây gỗ sao bị hạ gục không thương tiếc. Cây rừng đổ xuống, lâm tặc bắt đầu cắt các phần thân có giá trị thành từng khúc vuông, phần ngọn bỏ lại nằm nghiêng ngả trên đất rừng. Cách đó không xa, nhiều cây gỗ có bán kính một người ôm không xuể đã bị “khai tử” từ lâu, nhựa quện lại, gốc khô khốc lô nhô trên mặt đất.

Khoảng 1 giờ chiều, gỗ được lâm tặc đưa lên những con “ngựa sắt độ” để chuyển ra khỏi rừng, cột chặt trên 3 xe, mỗi xe chở hai khúc có đường kính khoảng 40 cm, dài 1,2 mét, còn 3 tên khác thì đi xe không để hộ tống. Hành trình vận chuyển gỗ của lâm tặc đều băng qua đường lớn nối dài từ xã Ea Rốk, Cư Kbang, Ea Lê. Không chỉ có nam giới mà phụ nữ cũng tham gia chuyển gỗ giữa ban ngày. Trên đường lâm tặc đi qua có 1 trạm kiểm lâm địa bàn liên xã gồm: Ia Jlơi, Ia Lốp, Ia Rvê, Ea Rốk, Ea Lê. Lâm tặc chở gỗ đi ầm ầm nhưng không hiểu sao chính quyền địa phương, kiểm lâm địa bàn lại không có biện pháp ngăn chặn?

Trao đổi với chúng tôi, ông Đàm Văn Hà, Chủ tịch xã Cư Kbang, cho hay: “Việc lâm tặc phá rừng vận chuyển gỗ qua địa bàn xã quản lý chỉ diễn ra mùa khô, mùa mưa thì ít. Lâm tặc thường chuyển gỗ vào ban đêm, đi theo đường tiểu ngạch phía sau UBND xã vào các ngày thứ bảy, chủ nhật không có người trực, còn ban ngày thì không có chuyện lâm tặc vận chuyển gỗ”. Đưa ra câu trả lời là vậy, nhưng khi chúng tôi trưng ra hình ảnh, clip lâm tặc ngang nhiên vận chuyển gỗ vào ban ngày và vào đúng ngày làm việc trong tuần của cán bộ xã thì ông Hà mới thừa nhận sự việc do chúng tôi phản ánh là chính xác.

Ông Nguyễn Văn Thuấn, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Ea Súp, cho biết: “Việc để mất rừng tại các tiểu khu, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ rừng. Kiểm lâm huyện cũng đã cử mỗi xã một đồng chí phối hợp với các chủ rừng làm công tác bảo vệ. Tuy nhiên, so với diện tích rừng toàn huyện thì lực lượng của chúng tôi rất mỏng, không thể quán xuyến hết được”. Trong khi người dân bức xúc vì rừng ở Ea Súp đang ngày đêm bị “cạo” trọc thì cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương của huyện này vẫn loay hoay tìm cách xử lý.