Hiện nay, nhiều diện tích cà phê ở Dak Lak cũng như các tỉnh Tây nguyên đang trong giai đoạn già cỗi, năng suất, chất lượng giảm sút.
Vì thế, vấn đề tái canh cà phê trở nên cấp bách, nhưng cũng đang gặp nhiều khó khăn do nông dân và doanh nghiệp đều thiếu vốn đầu tư, cây giống…
Nhiều diện tích cà phê ở Dak Lak cần tái canh để nâng cao năng suất, chất lượng.
Theo thống kê của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên: hiện cả nước đang có khoảng 100.000 ha/500.000 ha cà phê (tương đương 1/5 diện tích) già cỗi cần phải tái canh, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Tây Nguyên.
Riêng Dak Lak có gần 190.000ha, sản lượng hàng năm đạt 380.000 tấn nhân, trong đó hơn 1/2 diện tích có độ tuổi trên 15 năm; và khoảng 5-10 năm nữa số diện tích cà phê này sẽ hết chu kỳ kinh doanh hiệu quả, cần phải phục hồi, hoặc tái canh để nâng cao năng suất, chất lượng.
Chính vì thế, ngành nông nghiệp Dak Lak đã và đang thực hiện Đề án phát triển cà phê bền vững đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, với tổng số vốn đầu tư 1.647 tỷ đồng nhằm đạt mục tiêu duy trì ổn định diện tích 150.000 ha, sản lượng bình quân 400.000 tấn/niên vụ.
Theo tính toán của những nhà khoa học: để tái canh 1ha cà phê cần đầu tư khoảng 100 triệu đồng cho các khâu cải tạo đất, cây giống, phân bón, công chăm sóc… cùng thời gian thực hiện phải mất 5-6 năm. Trong đó, công việc cực kỳ quan trọng là phải chặt bỏ cây cà phê, đào hết rễ và trồng các loại cây hoa màu ngắn ngày để cải tạo đất trong 2-3 năm đầu, sau đó mới trồng mới. Đây là điều rất khó khăn đối với phần lớn người trồng cà phê, bởi theo số liệu của Sở NN-PTNT: trong khoảng 180.000 hộ trồng cà phê ở Dak Lak thì có gần 70% số hộ trồng quy mô dưới 1ha, nếu buộc phải cưa đốn cây để thay thế thì sẽ mất đi sản lượng thu hoạch hàng năm (kéo dài đến 5-6 năm thực hiện quy trình tái canh), ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của các hộ.
Vì vậy, tâm lý của nhiều người không muốn tái canh dù cà phê đã già, năng suất, sản lượng giảm, nhưng thà chấp nhận chăm sóc để tận thu. Gia đình anh Lê Nho Chung (xã Pơng Drang – huyện Krông Buk) trồng hơn 4 ha cà phê, trong đó một nửa diện tích đã kinh doanh hơn 15 năm, năng suất chỉ đạt khoảng 2 tấn/ha. Anh Chung định chặt bỏ số cà phê này để trồng mới nhưng do chi phí quá cao nên chưa thể thực hiện được.
Theo các nhà chuyên môn về lĩnh vực cà phê: để quá trình tái canh hiệu quả cần phải có lộ trình thích hợp; chỉ nên thay thế cà phê già cỗi theo từng giai đoạn cuốn chiếu để giảm gánh nặng về chi phí đầu tư. Trong thời gian tái canh, nông dân nên chuyển đổi trồng các loại cây ngắn ngày hiệu quả kinh tế cao để tích lũy đồng vốn đầu tư cho cây cà phê.
Một khó khăn nữa là vấn đề cây giống cà phê chất lượng tốt đang rất thiếu. Bình quân 1 ha đất trồng khoảng 1.000 cây cà phê. Theo kế hoạch năm 2013, toàn tỉnh tái canh 5.201 ha cà phê già cỗi, thì sẽ cần khoảng 5 triệu cây giống. Trong khi đó, khả năng cung cấp cây giống của Viện Khoa học kỹ thuật Nông – lâm nghiệp Tây Nguyên (đơn vị cung cấp cây giống chủ lực trong chương trình tái canh cà phê) chỉ được hơn 1 triệu cây/năm.
Được biết thời gian tới, Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (VICOFA) sẽ hỗ trợ 296.000 cây giống cà phê cho các tỉnh Tây Nguyên, trong đó Dak Lak được hỗ trợ 75.400 cây, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Để giải tỏa tình trạng “khát” giống cây cà phê thì nguồn cung từ các công ty, trung tâm giống cây trồng là rất quan trọng. Tuy nhiên, người nông dân không mấy mặn mà với cây giống tại đây, bởi chất lượng khá bấp bênh, chưa được các cơ quan chuyên môn kiểm chứng.
Tiến sĩ Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết: người nông dân cần được hỗ trợ về vốn, cây giống, cũng như các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật để mạnh dạn tái canh, góp phần đưa ngành cà phê phát triển theo hướng bền vững và nâng cao thu nhập cho người nông dân.