Mặc dù đến nay hầu hết các vướng mắc về việc cho vay tái canh cà phê đã được tháo gỡ, nhưng kết quả cho vay vẫn chưa được như mong muốn. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng trên là do chưa có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ từ các bên liên quan.
Theo chỉ đạo của Chính phủ trên địa bàn tỉnh có hai đơn vị lãnh trách nhiệm “đầu tàu” cho vay trong chương trình tái canh cà phê là Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) Chi nhánh Đắk Lắk và Buôn Hồ. Theo báo cáo của hai đơn vị trên, sau 3 năm thực hiện cho vay tái canh cà phê đến nay mới chỉ có 31 khách hàng vay vốn, trong đó có 8 khách hàng doanh nghiệp (DN) và 19 khách hàng là hộ sản xuất, với dư nợ 47 tỷ đồng, đầu tư cho diện tích tái canh là 627 ha (doanh nghiệp 597 ha, hộ gia đình, cá nhân 30 ha). Trong khi đó, mục tiêu ban đầu đề ra cho giai đoạn 2013-2015 toàn tỉnh phải tái canh được 8.500 ha. Theo đại diện Agribank Đắk Lắk, ngành Ngân hàng đã thực hiện tất cả những biện pháp tháo gỡ trong điều kiện cho phép. Có thể nói đến thời điểm này, hệ thống các văn bản về cơ chế chính sách cho việc thực hiện tái canh cây cà phê cơ bản đã đồng bộ và có tính khả thi cao; vốn cho tái canh luôn sẵn sàng. Thậm chí trong tháng 11 vừa qua, Agribank Đắk Lắk đã triển khai dán tờ rơi tuyên truyền tại tất cả các UBND xã, phường, thị trấn và tại các thôn, buôn, khu vực đông dân cư trong toàn tỉnh. Nội dung của đợt cao điểm tuyên truyền này là phổ biến đến người dân quy trình, thủ tục, bộ hồ sơ cho vay và hướng dẫn khách hàng có nhu cầu vay tái canh cà phê làm thủ tục nhanh chóng, đúng quy định. Đây có thể xem là biện pháp cuối cùng mà ngành Ngân hàng có thể thực hiện được nhằm giúp người dân tiếp cận hơn nữa thông tin về chương trình tín dụng quan trọng này.
Đối với các DN cà phê, hiện nay DN có nhu cầu tái canh nhưng khó tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng do vốn tự có thấp không đủ điều kiện tham gia thực hiện dự án, việc thực hiện đảm bảo tiền vay đối với DN Nhà nước thì quyền sử dụng đất là đất thuê trả tiền hằng năm, vì vậy DN chỉ được thế chấp tài sản gắn liền trên đất, nhưng chưa được cấp có thẩm quyền chứng nhận. Theo Giám đốc Agribank Đắk Lắk Trần Đình Chánh, rất nhiều DN muốn tiếp cận vốn vay tái canh cà phê, nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc chứng nhận tài sản trên đất nên ngân hàng cũng không thể cho vay được. Còn đối với hộ gia đình, đa số diện tích cà phê có nhu cầu tái canh chủ yếu nằm ở các hộ dân độc canh cây cà phê, vườn cà phê là nguồn thu nhập chính của gia đình. Do vậy, người dân chủ yếu thực hiện tái canh theo hình thức “cuốn chiếu” để bảo đảm thu nhập phục vụ cuộc sống và nguồn trả lãi ngân hàng chứ không thể tiến hành tái canh trên toàn bộ diện tích cà phê già cỗi.
Thiết nghĩ, để khơi thông kênh dẫn vốn đến DN, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu vay vốn tái canh cà phê rất cần sự vào sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp để thực hiện những việc mà ngân hàng không thể làm được. Trong đó, nên chăng địa phương cần thành lập ban chỉ đạo tái canh cà phê (tỉnh Lâm Đồng đã làm và hiệu quả mang lại rất tốt); tăng cường vai trò quản lý Nhà nước trong thực hiện chương trình tái canh cà phê; hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước cho khu vực hộ cá thể trong quá trình tái canh; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…