Hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn (xã Ea Khal, huyện Ea H’leo, Đắk Lắk) đã ký hợp đồng ngắn hạn với một giáo viên (GV) để làm thay thế 1 GV xin nghỉ sinh con. GV này không hề đến trường làm việc nhưng trong suốt 6 tháng qua vẫn có tên trong bảng danh sách nhận lương.
>>Nhập phách điểm nhầm, nhiều học sinh suýt trượt
Có hợp đồng nhưng không cần giáo viên tới làm
Vụ việc xảy ra tại Trường THCS Bế Văn Đàn (xã Ea Khal, huyện Ea H’leo, Đắk Lắk) khi cô Hà Nguyễn Yến Phụng (làm công tác Văn thư của trường) xin nghỉ sinh vào tháng 12/2013. Thấy trống chỗ, Hiệu trưởng nhà trường đã ký hợp đồng có thời hạn với cô Trần Thị Huệ (sinh năm 1990, tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm Đắk Lắk) để làm thay. Theo hợp đồng, cô Huệ được trả lương ở bậc 1/12, hệ số 1,86 tương đương với 2.829.000 đồng/1 tháng.
Tuy nhiên, khác hoàn toàn với bản hợp đồng đã ký vì các thầy cô trong trường xác nhận trên thực tế nhà trường không hề có giáo viên nào tên Huệ đến làm việc tại trường. Ông Nguyễn Công Chu – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết nhà trường không có cô giáo nào tên Huệ.
“Tôi thấy trong bảng lương thì thấy có tên cô giáo tên Huệ, song trên thực tế không có cô Huệ nào cả. Chúng tôi cũng đã thắc mắc thì thầy hiệu trưởng cho biết lập thêm tên để trả tiền kiêm nhiệm cho người khác nên chúng tôi rất bất ngờ trước việc có 1 GV không đi làm mà vẫn được nhận lương suốt 6 tháng với tổng số tiền gần 17 triệu đồng”, ông Chu băn khoăn.
Trường THCS Bế Văn Đàn (xã Ea Khal, huyện Ea H’leo, Đắk Lắk) nơi xảy ra các vụ việc.
Lý giải vụ việc, ông Trần Định – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Cô Huệ có hồ sơ tại trường, nhưng vì lý do nhà ở quá xa trường nên không thể đảm nhiệm, nên có để cho 2 cô giáo trong trường kiêm nhiệm công tác văn thư và thủ quỹ và trả lương với mức 1.030.000/tháng/2 GV”.
Khi PV thắc mắc về số tiền trong bảng lương cô Huệ được nhận mức 2,8 triệu, nhưng chỉ trả hơn 1 triệu đồng, vậy số tiền còn lại thất thoát đâu, ông Định giải thích: “Số tiền dư của lương cô Huệ, chúng tôi chi tiền sử dụng chi tiêu trong việc sơ kết học kỳ 1 (năm học 2013 – 2014) và chi 2,4 triệu đồng dành cho dịp 8/3. Số tiền dư còn trên 1 triệu đồng hiện kế toán đang giữ, chứ không thất thoát đâu cả”.
Liên quan tới việc cô Huệ không đi làm nhưng hàng tháng vẫn có tên trong bảng nhận lương, việc ký tên xác nhận để nhận tiền do ai đảm nhiệm, cô Hoàng Thị Hồng Hạnh – kế toán nhà trường thừa nhận: “Thông thường việc ký nhận này là để trống và lương được chuyển qua tài khoản kế toán để chi trả cho các cô kiêm nhiệm. Vào đợt yêu cầu quyết toán để thanh tra thấy tên Huệ bị trống không ai ký nên tôi ký luôn”.
Ông Định (Hiệu trưởng) và cô Hạnh (Kế toán) lý giải vụ việc.
Được biết cô giáo Trần Thị Huệ trước đây công tác tại Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (xã Ea Wy), trường mà ông Định làm hiệu trưởng trước lúc chuyển về Trường THCS Bế Văn Đàn, lúc này cô Huệ được ký hợp đồng và có làm việc tại trường. Nhưng khi được chuyển qua trường mới (Trường THCS Bế Văn Đàn) thì cô xin nghỉ vì lý do xa xôi không thể đảm nhiệm.
Việc thầy hiệu trưởng giao cho 2 cô giáo trong trường kiêm nhiệm công việc của cô Huệ cũng không hề có bất cứ văn bản nào, và việc 2 cô giáo này nhận lương cũng chỉ thông qua kế toán để nhận, không hề có kế hoạch và quyết toán rõ ràng.
Bản hợp đồng được lập, nhưng không có giáo viên tới làm việc.
Một điều đáng nói, khi so sánh chữ ký của cô giáo Huệ trong 2 bản hợp đồng với đơn vị công tác cũ và với Trường THCS Bế Văn Đàn là hoàn toàn khác nhau.
Hiệu trưởng tự quyết không thông qua ý kiến giáo viên
Trước đó, Thanh tra huyện Ea H’leo đã tiến hành thanh tra việc thu chi tài chính tại Trường THCS Bế Văn Đàn trong năm học 2013 – 2014 vừa qua, lúc này hiệu trưởng là ông Nguyễn Hữu Hương (hiện ông Hương là Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, xã Ea Wy). Khi đó ông Hương đã vi phạm nguyên tắc, chi sai quy định theo Luật Ngân sách năm 2013 với số tiền 29.771.000 đồng. Khi tiếp quản trường, ông Định đã lấy tiền của năm học 2014 – 2015 để bù trả số tiền trên và tuyên bố sẽ dừng mọi hoạt động phong trào khác, có thể sẽ trừ lương cán bộ trong trường để bù vào khoản tiền này.
Trước sự việc, nhiều GV trong trường không đồng tình với cách làm của ông Định, cho biết trách nhiệm này thuộc về người chi sai số tiền, chứ không thể bắt cả tập thể GV phải chịu lấy.
“Chúng tôi đã nhiều lần góp ý với thầy Định trong các cuộc họp về việc này, nhưng không thấy thầy có ý định thay đổi gì cả, việc làm này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của giáo dục”, ông Vũ Văn Phúc – Chủ tịch Công đoàn nhà trường ý kiến.
Trao đổi với PV về vụ việc, ông Nguyễn Khắc Vũ – Trưởng phòng GD-ĐT huyện Ea H’leo cho biết: đối với những vấn đề thu chi, tuyển biên chế của nhà trường do hiệu trưởng và ban giám hiệu có quyền tự chủ. Tuy nhiên, các vấn đề thu chi cần được đưa ra bàn bạc, xin ý kiến trong nhà trường, hiệu trưởng không thể tự quyết. Riêng việc nếu việc lập khống tên 1 giáo viên không công tác để lấy lương là sai, và sẽ xác minh rõ thầy sử dụng số tiền để làm gì, mục đích ra sao.
“Phòng sẽ tiến hành xem xét và xác minh cụ thể vấn đề trên, đối với việc thu tiền nếu có sẽ xác minh số tiền đó được sử dụng ra sao để có hướng xử lý vụ việc”, ông Vũ nói rõ.