Cuối mùa giá cà phê chưa hết sóng gió. Thông tin về sản lượng niên vụ mới bắt đầu từ 1-10 đã làm cho thị trường co giật một cách lạ kỳ vào thời điểm ngày cùng tháng tận của niên vụ cũ.
Tuy đã quá quen với dao động giá trên các sàn kỳ hạn cà phê, thị trường cà phê phải ngỡ ngàng và lo lắng vì hoạt động mua bán hàng thực không mấy sôi động, giá vẫn cứ nhảy loạn xạ. Quả vậy, các sàn cà phê tại hai nước Anh và Mỹ chao đảo dữ dội trong khi chỉ còn vài ngày nữa là chuyển sang niên vụ mới 2014/15 bắt đầu từ ngày 1-10-2014. Sàn kỳ hạn robusta tại London hôm 24-9 tăng 36 đô la/tấn thì ngay ngày hôm sau giảm lại 21 đô la/tấn, trong khi sàn arabica tại New York co giật trong phiên có khi từ 150-200 đô la/tấn, theo cách ngày trước tăng cao thì hôm sau giảm mạnh.
Có người cho rằng sóng gió trên kỳ hạn có thể là do sản lượng thế giới niên vụ tới bấp bênh. Trước đây, nhiều người tin sản lượng là những con số bất biến. Thế nhưng, khi giới đầu cơ tài chính nhảy vào kinh doanh trên các sàn cà phê, sản lượng trở thành những con số đáng ngờ và có thể bàn cãi.
Thế mà, cứ mỗi khi vào vụ mới, những người tham gia thị trường cà phê vẫn có thói quen rà soát lại con số sản lượng dự kiến của từng nước sản xuất cho mùa mới được tung ra đủ kiểu trên thương trường. Đến nay, “qua theo dõi các thông tin thị trường, sản lượng cà phê thế giới hình như chỉ đột biến trên giấy, đến thời điểm ngày cùng tháng tận của niên vụ 2013/14, giá vẫn cứ bấp bênh một cách lạ kỳ”, một chuyên gia ngành hàng nhận xét.
Nếu chỉ xét về cung, sản lượng arabica Colombia sẽ tăng từ 11,5 đến 12 triệu bao (60 kg x bao), arabica vùng châu Mỹ La-tinh vẫn vững tuy có thiệt hại đôi chút do vừa qua có dịch nấm lá; robusta tại Indonesia và Ấn Độ chưa nghe gì đột biến.
Mới đây, ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam, ước sản lượng nước ta sẽ giảm đôi chút, có thể chỉ chừng 25 triệu bao, tức 1,5 triệu tấn. Duy còn lại Brazil, mới đây bộ nông nghiệp nước này buộc nâng mức sản lượng niên vụ này lên do xuất khẩu vừa qua mạnh quá không giấu được, lên trên 45 triệu bao thay vì 43 triệu bao.
Hôm qua 26-9, trước khi đóng cửa sàn arabica New York, hãng thống kê F.O. Litch (Đức) đưa tin rằng mùa sau của Brazil ước chỉ đạt 43 triệu bao. Thế là giá sàn này lại bùng lên dương sau khi dao động 168 đô la/tấn giữa mức cao và thấp nhất trong phiên.
Sóng gió tại thị trường nội địa
“Chỉ mấy ngày nữa là hết niên vụ cũ 2013/14, nhưng giá cà phê nhảy lên tụt xuống, theo bở hơi tai,” anh Trần Trung Hiếu, một chủ doanh nghiệp cà phê tại Buôn Ma Thuột phát biểu. Tuần qua, giá cà phê nguyên liệu tại vùng anh ở có lúc chỉ còn 37 triệu đồng/tấn, nhưng ngay lập tức trèo lên lại mức 37,7 triệu để đến sáng nay 27-9 quanh mức 37,8 triệu đồng/tấn, tăng 0,5 triệu đồng/tấn so với cách nay một tuần.
Giá kỳ hạn London phiên cuối tuần chốt mức 1.955 đô la/tấn, tăng 26 đô la/tấn so với đáy nhưng thấp hơn 10 đô la/tấn so với đỉnh trong tuần (xin xem biểu đồ trên).
Do giá nội địa giao dịch ở mức thấp, lại thêm hàng vụ mới chưa ra kịp, giá xuất khẩu tính trên chênh lệch giữa giá sàn kỳ hạn với giá giao qua lan can tàu (FOB) vẫn đứng mức trừ 50 đô la/tấn dưới giá niêm yết sàn Ice Liffe London. Ở mức này, nhiều người mua vẫn chưa chịu vì ngay đầu tháng đã mua rẻ hơn, ở mức trừ 90-100 đô la/tấn so với giá kỳ hạn.
Nông dân sẽ vượt được khó nhờ vốn vay ưu đãi?
Nhiều nhà kinh doanh vẫn lo giá xuất khẩu xuống lại, nhưng nông dân lại có thái độ khác. Theo họ, khi chưa có hàng, chưa màng tới giá; khi giá thấp, không vội bán ra thị trường. Trong mấy mùa qua, nhờ giá cà phê cao, có cái ăn cái để, nhiều người đã vượt qua thử thách để kháng lại những đợt người mua đòi giá rẻ.
Thật vậy, trước đây, cứ chưa đến mùa, không ít nông dân thấp thỏm lo giá xuống vì áp lực đáo hạn nợ ngân hàng cuối năm, vì các thông tin bất lợi gây tâm lý hoang mang nên có người đành phải bán cà phê “non” khi còn trên cây. Người người rủ nhau bán, tạo nên áp lực bán ra rất mạnh, giá xuống, gây thiệt hại ngay cho chính người trồng.
Mùa này, kể từ đầu tháng 9-2014 trở đi, nông dân cà phê tại nhiều vùng sản xuất đã có thể vay tín dụng ưu đãi. Trước đây, thay vì chịu sức ép trả nợ đáo hạn cuối năm, nay một số ngân hàng sở tại đã cho vay dưới dạng “lưu vụ”. Theo đó, nông dân chỉ trả lãi ngân hàng khi vẫn còn canh tác trên ruộng vườn của mình, vốn có thể được trả sau vài ba năm vì cây cà phê là loại cây lưu niên và sản xuất ổn định.
Với phương thức cho vay này, người trồng cà phê có điều kiện hơn để chọn thời điểm hợp lý để bán sản phẩm của mình mà không phải đi vay “chợ đen” lãi suất cao, chịu sức ép tiền bạc, đáo hạn ngân hàng, ông Trần Đình Chánh, Giám đốc chi nhánh ngân hàng NN&PTNT tỉnh Daklak giải thích.
Hy vọng với nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi này, nông dân cà phê sẽ lướt qua bão táp của thị trường mà từ mấy năm nay, sức mạnh đồng tiền đầu cơ đã làm chao đảo những ai muốn mưu sinh yên lành với cây cà phê.