Sau Vinacafe Buôn Ma Thuột, nhiều “đại gia” cà phê “lật thuyền”

 Thông tin về món nợ hàng nghìn tỷ đồng của Vinacafe Buôn Ma Thuột chưa kịp lắng xuống thì dư luận lại được phen xôn xao quanh thông tin hàng loạt “đại gia” cà phê Tây Nguyên trở thành con nợ.

Nhắc đến cà phê Việt Nam, không thể không nhắc đến “cánh chim đầu đàn” Công ty Đầu tư – Xuất nhập khẩu Đăk Lăk (INEXIM Đăk Lăk). Từng được biết đến là doanh nghiệp cà phê hàng đầu Việt Nam với doanh thu mỗi năm gần 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay nhắc đến INEXIM Đăk Lăk là người ta nhắc đến con nợ với số nợ lên đến 365 tỷ đồng.

nguoiduatin-cape2

Cà phê Tây Nguyên đang lâm nạn (Ảnh minh hoạ)

Theo đó, đến tháng 4.2011, INEXIM Đăk Lăk đã lỗ lũy kế trên 80,5 tỷ đồng, trong khi vốn sở hữu chỉ còn 3,6 tỷ đồng và món nợ trên vai là 365 tỷ đồng. Số nợ này chiếm đến 99% tổng nguồn vốn (tài sản) và lớn gấp 10 lần nguồn vốn chủ sở hữu của công ty. Với những số liệu nói trên, việc INEXIM Đăk Lăk phá sản là điều nhiều người đang nghĩ tới.

Một tên tuổi khác từng “làm mưa làm gió” trên thị trường cà phê Việt Nam là Công ty Xuất nhập khẩu cà phê Đà Lạt (Vinacafe Dalat) cũng đang trong tình cảnh không mấy sáng sủa.

Từng được biết đến với nhà máy chế biến cà phê nhân công suất 100.000 tấn/năm, đưa ra nhiều sản phẩm được ưa chuộng tại thị trường Mỹ, Đức, Ý, Nhật, Thụy Sĩ… Tuy nhiên, điều này cũng không tránh được thực tế phũ phàng đang diễn ra tại công ty này. HiệnVinacafe Dalat đã thua lỗ 99 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu hơn 60 tỷ đồng, chưa kể nhà máy chế biến cà phê này đang gánh nợ 132 tỷ đồng…

Trước đó, ông Vũ Đức Tiến, giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư XNK Cà phê Tây Nguyên cho biết, Vinacafe Buôn Ma Thuột hiện còn gánh khối nợ khoảng 1.600 tỷ.

Lý giải nguyên nhân “lật thuyền” hàng loạt của các “đại gia” cà phê tại Tây Nguyên, nhiều chuyên gia cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến thua lỗ của các doanh nghiệp là sự đầu tư dàn trải, sử dụng vốn sai mục đích, lấy vốn ngắn hạn đầu tư dài hạn.

Điều này được lý giải qua thực tế tại Vinacafe Dalat. Trước khi xây dựng nhà máy chế biến tại Lâm Đồng, công ty này đã được khuyến cáo lựa chọn quy mô 60.000 tấn/năm là phù hợp, song công ty vẫn đầu tư công suất 100.000 tấn/năm, khiến tiền vốn tăng lên 110 tỷ đồng trong khi kinh doanh không hiệu quả.

Còn tại Công ty cổ phần Đầu tư và Xuất nhập khẩu cà phê Tây Nguyên (Vinacafe Buôn Ma Thuột) sự đầu tư dàn trải, lãng phí cũng thể hiện rõ ràng qua việc công ty này đã đầu tư 300 tỷ đồng xây dựng tổng kho hiện đại hơn 175.000m2, có sức chứa 30% tổng sản lượng cà phê mỗi niên vụ của VN tại KCN Hòa Phú, TP.Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk vào năm 2011.

Đây được coi là một sự đầu tư thất bại khi vào ngày 23.9.2011, Tổng cục Hải quan đã ra quyết định chấm dứt hoạt động của tổng kho ngoại quan này vì công ty không đưa vào sử dụng sau 6 tháng thành lập.

INEXIM Đăk Lăk cũng đứng ra thừa nhận nguyên nhân của món nợ 365 tỷ đồng là do trình độ quản lý, công tác lập kế hoạch của công ty chưa theo sát thực tế, hoạt động kinh doanh còn mang tính sự vụ. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khách quan khác như thiếu vốn sản xuất, lãi suất cao, đặc biệt là sự cạnh tranh khốc liệt của các DN có vốn đầu tư nước ngoài khi thị trường mở cửa.

Về vấn đề này, ông Lê Đức Thống – tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu 2/9 Đăk Lăk, trưởng ban kiểm soát Hiệp hội Cà phê – Ca cao VN cũng đã phân tích: “Cái thua của doanh nghiệp Việt Nam trước hết là lãi suất vay vốn cao gấp 7 – 8 lần doanh nghiệp nước ngoài, nghiệp vụ kinh doanh quốc tế còn hạn chế, đặc biệt khi tham gia thị trường cà phê kỳ hạn – Future Market”.

Việc các “đại gia” cà phê Việt Nam liên tục gánh nợ đã khiến dư luận lờ mờ dự đoán về sự soán ngôi của doanh nghiệp cà phê nước ngoài tại thị trường cà phê Việt Nam.

Nguồn Phan An