Trước vẫn nạn trộm cà phê diễn ra căng thẳng trên nhiều huyện thành các tỉnh Tây Nguyên, nhiều địa phương đã lập các Đội dân phòng chuyên bảo vệ cà phê do dân nuôi, rất hiệu quả.
Tổ dân phòng xã Hòa Đông
Khóc vì bị tuốt cành, chặt cây !
Hiện người dân các tỉnh Tây Nguyên đang thu hoạch cà phê. Nhiều nơi trộm cắp hoành hành khiến nông dân đau đầu lo chống trộm.
Từ đầu vụ đến nay, trên địa bàn huyện Cư M’gar ( Đắk Lắk) xảy ra hàng trăm vụ trộm cà phê, kẻ gian không chỉ hái quả mà còn chặt cành mang đi chỗ khác tuốt lấy quả. Gia đình bà Lê Thị Mai, thôn 6 xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar có 1,4ha cà phê năm thứ 3, cuối tháng 10 cà phê bắt đầu chín, chuẩn bị thu hoạch thì bị kẻ gian đột nhập vào vườn chặt cành, tuốt trái mất 20 cây. “Kẻ gian trộm theo kiểu hủy hoại thế này thì mất thời gian chăm sóc rất dài nữa cây cà phê mới hồi phục được, năng suất vụ sau sẽ giảm “, bà Mai nói.
Nhiều người kể bọn trộm cà phê thường đi theo nhóm, lúc vào rẫy chúng cắt cử trông coi, thông báo cho nhau bằng điện thoại khi thấy có người. Những khu rẫy nơi xa dân cư, trộm còn hung dữ chống trả khi bị phát hiện.
Ông Nguyễn Hùng Vỹ, Phó trưởng Công an xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar cho biết: Từ đầu vụ đến nay, công an xã đã nhận nhiều tin báo của người dân về tình trạng bị hái trộm cà phê. Tình trạng mất trộm cà phê thì năm nào cũng có, số vụ giảm hay tăng tùy thuộc vào giá cả.
Vì giá cà phê mùa này khá cao, bọn trộm sục vào khắp các vườn cà phê ở Đắk Mil, Đắk Song, TP. Buôn Ma Thuột…, chọn những cây sai trái chín đều để vặt, không ít gia đình phải bỏ hàng chục triệu đồng thuê người canh giữ cà phê.
Dân nuôi Dân phòng rất ổn !
Nạn trộm cà phê thường xảy ra ở những nơi cán bộ lơ là trách nhiệm khiến nông dân lo lắng, phải hái cà phê từ lúc còn xanh, ảnh hưởng uy tín thương hiệu. Chúng không làm bậy được ở những nơi đã phát huy được sáng kiến lập đội dân phòng với cơ chế hoạt động hợp lý, hiệu quả như tại một số xã có chính quyền vững mạnh.
Cà phê bị tuốt trộm
Xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk có 19 thôn buôn, cà phê là cây trồng chủ lực, nguồn thu chính của người dân nơi đây. Trước đây, xã là điểm nóng về an ninh trật tự, tình trạng trộm cắp cà phê diễn ra thường xuyên khiến dân ăn không ngon, ngủ không yên. Từ năm 2010, Công an xã đã tham mưu cấp ủy, chính quyền, xây dựng Tổ dân phòng bảo vệ cà phê hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện và “dân biết, dân cử”, với nhiệm vụ không để mất trộm. Ai tham gia lực lượng này sẽ được dân “trả lương”, ngược lại, phải đền bù khi cà phê của dân bị mất trộm. Gia đình có cà phê đóng góp 30 nghìn đồng/sào cho lực lượng hoạt động. Nếu mất trộm, dân phòng sẽ phải đền bù gấp 10 lần số cà phê bị mất.
Gia đình chị Lê Thị Thanh Tâm, thôn Liên Cơ, xã Hòa Đông có hơn 2 ha cà phê, những năm trước cứ vào vụ thu hoạch là phải căng bạt, dựng lán tại rẫy để trông coi và hái sớm để tránh mất trộm. Nay có đội dân phòng bảo vệ, vườn cà chín 85 – 90% chị mới thu hoạch. ” Số tiền đóng góp cho Đội dân phòng hoạt động so với việc các hộ phải tự bỏ tiền thuê người canh giữ suốt mùa là quá rẻ, lại lợi đủ đường, dân yên tâm sản xuất”.
Ông Nguyễn Đình Vượng, Chủ tịch UBND xã Hòa Đông cho biết, xã có gần 4 nghìn ha cà phê, hiện đã xây dựng 19 tổ dân phòng với 126 tổ viên được trang bị đầy đủ công cụ hỗ trợ, trang phục tuần tra. Hàng ngày, tổ dân phòng bảo vệ cà phê chia ca theo các nhóm từ 5 – 7 người đi bảo vệ. Đêm nào đội cũng vào từng vườn rẫy kiểm tra, nếu phát hiện những đối tượng có dấu hiệu phạm tội thì giữ lại. Tới nay, hầu như bọn trộm cắp cà phê đã bị quét hết ra khỏi địa bàn.