Sản lượng cà phê Việt Nam có thể rớt xuống đáy 8 năm

Sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ bắt đầu từ tháng 10/2012 có thể giảm tới 30%, còn 1 triệu tấn…

Giới quan sát quốc tế dự báo, sản lượng cà phê của Việt Nam, nước sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới, có thể giảm xuống mức thấp nhất 8 năm trong niên vụ này.

00-cc26c

Hãng tin tài chính Bloomberg cho biết, cơ sở cho dự báo nói trên là tình hình thời tiết khô hạn ở Tây Nguyên, vùng sản xuất cà phê chính của Việt Nam. Một cuộc thăm dò ý kiến các nhà giao dịch và vận chuyển cà phê do Bloomberg thực hiện cho thấy, sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ bắt đầu từ tháng 10/2012 có thể giảm tới 30%, còn 1 triệu tấn, từ mức 1,43 triệu tấn của niên vụ trước.

Đây sẽ là mức sản lượng thấp nhất kể từ niên vụ 2005-2006, theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Kết quả cuộc thăm dò ý kiến của Bloomberg cũng cho rằng, ít nhất thì sản lượng cà phê của Việt Nam cũng giảm 10% trong niên vụ này.

Sản lượng cà phê của Việt Nam được dự báo giảm giữa lúc xuất khẩu cà phê của Indonesia, nước sản xuất cà phê robusta lớn thứ 3 thế giới đang trên đà suy giảm do nhu cầu tiêu thụ trong nước gia tăng. Ngoài ra, nhu cầu sử dụng cà phê robusta thay cho cà phê arabica đắt tiền hơn đang gia tăng trên toàn cầu.

Theo nhận định của công ty Volcafe Ltd, các khách hàng mua cà phê của Việt Nam đang trả mức giá cao hơn so với giá cà phê giao sau tại thị trường London nhằm mua được hàng. Các hộ trồng cà phê ở Tây Nguyên thì tiếp tục xu hướng găm hàng do dự báo giá còn tăng do thời tiết khô hạn.

“Rất có khả năng đây sẽ là một vụ thất thu do thời tiết hạn hán. Nếu trời không mưa trong vòng khoảng 20 ngày nữa, thiệt hại sẽ rất lớn”, bà Mai Kỳ Vân, Phó giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Cà phê – Cacao tháng 10, nhận định.

Một cuộc thăm dò ý kiến khác của Bloomberg cho kết quả dự báo, giá cà phê giao sau tại thị trường London có thể tăng 13% lên mức 2.450 USD/tấn trong thời gian từ nay đến cuối năm, mức cao nhất kể từ tháng 7/2011.

Mức chênh giá giữa cà phê robusta với cà phê arabica đắt tiền hơn đã giảm xuống còn 40,67 cent/pound vào ngày 13/3, mức thấp nhất trong 3 năm. Giá cà phê robusta đã tăng 12% trong năm nay trong khi giá cà phê arabica giao sau tại New York đã giảm 2,9%.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Cacao Việt Nam cũng đưa ra dự báo sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ hiện tại có thể giảm 30%. Tuy nhiên, ông Tự không đưa ra con số dự báo sản lượng cụ thể.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, tình hình khô hạn ở Tây Nguyên có thể trở nên căng thẳng hơn. Cũng theo dự báo của cơ quan này, mực nước tại các con sông trong khu vực sẽ giảm dần trong 10 ngày cho tới ngày 20/3.

“Sản lượng vụ thu hoạch tới chắc chắn sẽ giảm. Tôi lo là khô hạn năm nay sẽ tệ như vào năm 2004”, ông Đặng Xuân Tập, một nông dân trồng cà phê ở Đắc Lắc, nói. Theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, vào năm 2004, sản lượng cà phê của Việt Nam là 870.000 tấn.

Giá cà phê tại Tây Nguyên sáng nay (15/3) đã đạt mức 44.200-44.400 đồng/kg. Từ đầu năm tới nay, giá cà phê tại khu vực đã tăng 19%. Hôm 11/3, giá đạt mức 45.500 đồng/kg, cao nhất kể từ tháng 9/2011.

Phiên 14/3, giá cà phê robusta giao sau tại London đóng cửa giảm 33 USD/tấn, tương đương giảm 1,6%, còn 2.130 USD/tấn.

Theo số liệu của Volcafe, giá cà phê robusta của Việt Nam giao tháng 4 và 5 hiện đang cao hơn 50 USD/tấn so với giá cà phê giao sau tại London. Cách đây 1 tuần, mức chênh là 25 USD/tấn.

Nguồn Vneconomy.vn