“Rào” thị trường xuất khẩu gạo: lợi bất cập hại

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vừa có văn bản gửi hội viên yêu cầu từ ngày 1.4.2013 không được đăng ký xuất khẩu gạo trắng vào thị trường Philippines.

images655677_images37621_xkgao

Như vậy, sau thời gian dài cho phép doanh nghiệp bán gạo tự do vào Philippines, nay VFA lại thực hiện biện pháp kiểm soát giống như thị trường Malaysia và Indonesia.

Lý do là Philippines đang khởi động lại chương trình mua gạo cấp Chính phủ. Để tránh tình trạng có nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, cạnh tranh bán giá thấp nên bộ Công thương chỉ định một đầu mối tham gia đấu thầu là tổng công ty lương thực Miền Nam (Vinafood 2).

Nhiều năm nay, thị trường tập trung dựa trên các mối quan hệ ngoại giao cấp Chính phủ luôn mang về khối lượng hợp đồng chiếm 60 – 70% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Việc mua bán gạo dạng này, từ trước đến nay bộ Công thương chỉ đồng ý cho hai tổng công ty nhà nước là Vinafood 1 và Vinafood 2 tham dự. Do tính chất mua bán có sự chỉ định, can dự mang yếu tố chủ quan giữa bên mua, bên bán, nên giá gạo xuất khẩu tập trung thường cao hơn thị trường bên ngoài, có lợi cho Việt Nam.

Tuy nhiên, vì được chia lại hợp đồng tập trung, nên trong thời gian dài, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chỉ phải bỏ ra rất ít, nếu như không nói là chẳng bỏ ra đồng nào, làm marketing, quảng bá thương hiệu, tìm đối tác, mở thị trường, tăng cường khả năng thương mại quốc tế… mà vẫn có hợp đồng xuất khẩu. Giám đốc nhiều doanh nghiệp thừa nhận rằng đây là hình thức bán gạo quá dễ dàng, chẳng khác gì “ngồi mát ăn bát vàng”, khỏi phải lăn lộn đi nước ngoài tìm khách hàng, ngồi nhà cũng bán được gạo…

Mọi chuyện thay đổi kể từ đầu năm 2013. Thay vì mua gạo thông qua đấu thầu tập trung, các nước mua gạo thương mại là chính. Lượng hợp đồng tập trung không còn, doanh nghiệp phải tự thân tìm thị trường, tìm khách hàng. Hậu quả sau thời gian dài “ngồi mát ăn bát vàng” là họ mất đi sự nhạy bén phán đoán thị trường, mất khả năng đàm phán, thiếu trình độ giao tiếp quốc tế nên dẫn đến bị ép bán giá thấp. Ba tháng đầu năm 2013, theo VFA, tuy lượng gạo và giá trị xuất khẩu đều tăng hai con số, nhưng giá bán bình quân lại giảm 44,52 USD/tấn, chủ yếu do giá gạo bán dạng thương mại (doanh nghiệp tự đàm phán ký hợp đồng với khách hàng nước ngoài) giảm.

Đáng chú ý là đa phần các hợp đồng thương mại bán cho thương nhân Trung Quốc, khi họ mua tới 1,5 triệu tấn gạo trong tổng số hơn 3,5 triệu tấn. Ông Đoàn Ngọc Thơ, giám đốc công ty thương mại dịch vụ THO, một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu gạo theo hình thức thương mại tại TP.HCM, cho biết vừa nhận được đơn đặt hàng mua gạo của hai doanh nhân Trung Quốc. Họ đặt vấn đề mua số lượng lớn để xuất qua Philippines, Indonesia chứ không phải tiêu thụ nội địa. Theo nhân xét của đại diện VFA, thương nhân Trung Quốc mua gạo để hưởng chênh lệch giá kho bán đi nơi khác chứ không chỉ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nước họ, nên họ thường trả giá rất thấp để bảo đảm lợi nhuận.

Nhiều ý kiến cho rằng biện pháp “rào” thị trường như đối với thị trường Philippines sẽ không có hiệu quả vì từ 2013, ngoài việc chỉ định đầu mối đấu thầu tập trung, các quốc gia còn có nhiều chính sách khuyến khích mọi thành phần thương nhân tham gia với mục đích mua được gạo giá rẻ. Doanh nghiệp không được phép bán thì thương nhân Trung Quốc cũng vào Việt Nam mua gạo để xuất sang những nơi đó như họ đã làm trong thời gian vừa qua.

Nguồn SGTT