Quý I-2012: Nông sản xuất khẩu giảm (29/03/2012)

Bộ Công thương cho biết, trong quý 1-2012, xuất khẩu gạo giảm mạnh đến 42,5% về lượng và về trị giá, cà phê giảm 10% về lượng và 12% về trị giá, sắn giảm 10% về lượng và 18,5% về trị giá. Nhiều mặt hàng xuất khẩu vẫn tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu vốn, thiếu nguyên liệu sản xuất…

2012_89_T4_anh

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự kiến,ngày 15-4 sẽ mua hết lúa gạo trong dân

Có thể yên tâm với xuất khẩu gạo?

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2008 mất mùa dẫn đến khủng hoảng lương thực, 2 năm trở lại đây thế giới được mùa nên sản lượng tăng, tồn kho tăng, thêm vào đó là một số nước tăng sản lượng gạo xuất khẩu lên đã tạo ra sự cạnh tranh. Trong giai đoạn từ 2008-2011, Ấn độ không xuất khẩu nên Việt Nam dễ dàng trong xuất khẩu gạo nhưng nay khi Ấn Độ, Pakistan, Philipines tham gia mạnh vào thị trường thì khó khăn trong xuất khẩu là điều dễ hiểu. Mặc dù khả năng xuất khẩu khá khó khăn, song, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đang tin tưởng vào thị trường Trung Quốc với lượng hàng tiểu ngạch gần 400 ngàn tấn (5% là gạo thơm), chính ngạch 700 ngàn tấn. Ngoài ra, trong năm nay hợp đồng xuất khẩu gạo đã tăng 20% so với cùng kỳ nên việc xuất khẩu gạo hoàn toàn có thể yên tâm.

Ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, sau gần hai tuần thu mua tạm trữ gạo, giá lúa gạo thu mua đã dần đi vào ổn định. Tuy nhiên, giá lúa gạo thu mua vẫn chưa cải thiện đáng kể mặc dù giá lúa đã tăng 200 đồng/kg, giá gạo tăng 100 – 150 đồng so với thời điểm trước tạm trữ (15-3). Nhận định về việc thu mua lúa gạo trong dân với mức giá thấp ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp Hội lương thực Việt Nam đã bác bỏ thông tin, gạo được mùa thì mất giá. Hiện tại các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang… giá lúa tươi thương lái đang mua ở mức từ 4.200 – 5.200 đồng/kg, lúa sấy khô có giá trên 5.000 đồng/kg; giá gạo cấp cao ở mức từ 6.400 đồng/kg trở lên, thậm chí có loại lên trên 8.200 đồng/kg. Ông Phong cho rằng, chính sách và thời tiết đang quyết định giá cả. Và, điều quan trọng hơn nữa là nông dân có đáp ứng được nhu cầu thị trường hay không? Chất lượng gạo của Việt Nam so với các nước không hơn nhiều và giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thường cao hơn các nước, vì vậy, theo các chuyên gia, để giữ giá gạo xuất khẩu, không còn cách nào khác, Việt Nam phải tăng cường sản xuất gạo cấp cao, hạn chế gạo cấp thấp. Nếu sản xuất gạo cấp thấp thì phải chấp nhận tồn kho.

Ngành điều đang loay hoay về vốn

Nhiều mặt hàng xuất khẩu vẫn tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu như thủy sản, hạt điều… Đây chính là tình trạng diễn ra trong nhiều năm qua và chưa có phương hướng để khắc phục, giải quyết triệt để. Theo nhận định của chuyên gia kinh tế và một số doanh nghiệp, kinh tế khó khăn như hiện nay những doanh nghiệp lớn kinh doanh đa ngành nghề thì ổn định còn các doanh nghiệp nhỏ thì cực kỳ khó khăn.

Ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam phần trần: “Năm nay, ngành điều phải thật sự cố gắng lắm mới có thể đạt 1,3 tỷ USD về xuất khẩu. Hiện 40% doanh nghiệp ngành điều đang gặp cảnh khó khăn về vốn, một số doanh nghiệp rơi vào cảnh đến kỳ trả nợ ngân hàng nhưng không có tiền vì chưa bán được hàng”. Hàng tồn kho, thiếu nguyên liệu sản xuất cùng với nợ ngân hàng đang trở thành gánh nặng đối với các doanh nghiệp ngành điều. Theo lý giải của ông Học, với mức lãi suất như hiện tại doanh nghiệp không thể cầm cự, nhất là trong lúc hàng tồn kho lớn, giá bán hàng giảm, riêng đối với mặt hàng nhân điều giá đã giảm 25% so với những tháng cuối năm 2011. Cũng theo ông Học, lãi suất cần kéo về mức 12%/năm thì doanh nghiệp mới có thể “sống nổi” trong tình hình hiện nay. Theo Hiệp hội điều Việt Nam, trữ lượng điều tại miền Trung đang còn 400 ngàn tấn, khu vực Đông Nam bộ còn 200 ngàn tấn. Ngành điều hiện đang cần trên 10.000 tỷ đồng để mua điều nguyên liệu trong nước và nhập khẩu đáp ứng cho mùa vụ sản xuất năm nay. Để tạo thuận lợi cho sản xuất và xuất khẩu của ngành điều, ông Học kiến nghị Nhà nước nên tiếp tục giảm lãi suất và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn. Ngoài ra, cơ quan chức năng nên cho ngành điều thực hiện kinh doanh có điều kiện như xuất khẩu lúa gạo. Vì nhiều doanh nghiệp điều (290 doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu điều) làm lung tung nên không kiểm soát được chất lượng và giá cả của sản phẩm hạt điều.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên khẳng định: “Vật tư đầu vào gia tăng, nhiều thứ thuế và phụ phí là khó khăn của doanh nghiệp trong quý 1 và có thể còn kéo dài trong các quý tiếp theo nên doanh nghiệp phải cố gắng vượt qua. Về vốn và lãi suất Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét và giải quyết sớm”.

Nguồn Baomoi.com