Quản lý cước vận tải – Cần sự vào cuộc của ngành Thuế

Trong những năm qua lực lượng vận tải ôtô trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, nhưng công tác tổ chức quản lý vận tải, trong đó có quản lý giá cước chưa được quan tâm đúng mức.

Lên dễ, xuống… khó

Thời gian qua, giá xăng dầu liên tục có những điều chỉnh lên xuống, khi xăng dầu lên thì giá cước vận tải được điều chỉnh tăng theo rất nhanh và chủ động, đến khi xăng dầu giảm giá thì Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải và các sở, ngành địa phương phải nhiều lần lên tiếng kêu gọi, nhắc nhở điều chỉnh giá cước giảm cho phù hợp nhưng doanh nghiệp (DN) vẫn “im hơi lặng tiếng”; đến khi cơ quan quản lý “làm căng” bằng việc xây dựng các hình thức xử lý thì DN mới chịu giảm giá cước. Điều đó cho thấy, đã có tình trạng “té nước theo mưa” trong những đợt điều chỉnh tăng giá vận tải khi xăng dầu tăng giá và tình trạng DN chây ỳ, cố tình trì hoãn hoặc giảm giá chiếu lệ cho có để hưởng lợi khi xăng dầu giảm giá. Có thể nói, đây đã trở thành “căn bệnh” chung của DN, tăng giá thì dễ nhưng giảm rất khó, và DN nào cũng muốn tăng giá tối đa còn giảm thì ở mức tối thiểu có thể. Biết là vậy, nhưng chưa có cách nào giải quyết được tình trạng này vì giá cước vận tải hiện nay do các DN tự quyết định và điều tiết theo cơ chế thị trường, không do đơn vị nào quản lý. Trong khi đó, theo quy định của Pháp lệnh giá và các văn bản hướng dẫn thi hành thì giá cước vận tải ôtô không nằm trong danh mục giá do Nhà nước quản lý (trừ giá cước xe buýt nội đô và các khu công nghiệp, khu đô thị do UBND cấp tỉnh quy định). Như vậy DN chỉ thực hiện việc kê khai giá với cơ quan quản lý giá địa phương và các cơ quan có liên quan, trên cơ sở đó niêm yết công khai giá theo quy định tại Thông tư liên Bộ Giao thông Vận tải – Tài chính hướng dẫn và tổ chức thực hiện.

images1109314__MG_9765-550x368

Không thể “bó tay”!

Giá cước vận tải được xây dựng trên cơ sở giá thành, gồm nhiều khoản mục chi phí cấu thành. Trong đó một số khoản mục chiếm tỷ lệ lớn là chi phí nhiên liệu, dầu nhờn (từ 38% – 45% tùy theo loại nhiên liệu xe sử dụng), tiếp đó là chi phí lãi vay ngân hàng, khấu hao tài sản và tiền lương lái xe… Theo số liệu từ Sở Giao thông Vận tải, Đắk Lắk hiện có 52 DN kinh doanh vận tải hàng hóa và hành khách, trong đó đa số là các DN có quy mô nhỏ lẻ, số lượng phương tiện ít nên những đơn vị này không xây dựng được giá thành vận tải làm cơ sở để xây dựng giá cước, làm cho giá cước không thật; một số đơn vị vận tải khi xây dựng giá thành đã rút ngắn thời gian khấu hao để thu hồi vốn nhanh, nhưng lại không tính đến giá trị thu hồi phương tiện sau khi hết khấu hao làm cho chi phí khấu hao bị đội lên, hoặc có những đơn vị do bộ máy quản lý cồng kềnh dẫn đến chi phí quản lý tăng khiến cho giá thành tăng theo. Mặc dù giá cước do DN tự xây dựng, nhưng đứng trên phương diện hạch toán kinh tế, ngành Thuế hoàn toàn có thể rà soát tất cả các khoản mục cấu thành giá. DN không thể viện cớ chi phí khấu hao, chi phí bảo dưỡng lớn nên khó giảm giá. Thậm chí ngành Thuế có thể kiểm tra thuế thu nhập của DN, bởi lúc đó sẽ kiểm tra cả các yếu tố chi phí đầu vào của DN. Theo Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bùi Văn Chuẩn, đối với hoạt động kinh doanh vận tải, ngành Thuế thu trên cơ sở ấn định, xác định doanh thu của các đơn vị, cá nhân kinh doanh để tính thuế. Thời gian qua ngành Thuế đã tiến hành rất nhiều nội dung thanh, kiểm tra đối với DN kinh doanh vận tải, nhưng kiểm tra nội dung cước vận tải vẫn chưa thực hiện.

images1109315_DSC_4093-550x325

Cơ chế thị trường cho phép DN tự định giá theo thị trường, có nghĩa là giá có lên, có xuống khi các yếu tố hình thành giá thay đổi. Để thực hiện tốt công tác quản lý giá cước vận tải bằng xe ôtô, bảo đảm giá cước đúng với thực tế rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, trong đó có ngành Thuế.

Nguồn Baodaklak.vn