Phượng tím Đà Lạt hàng năm nở hoa rộ vào cuối đông năm cũ và kéo dài đến hết mùa xuân năm mới. Là mùa sắc tím biêng biếc nhuộm đầy những con phố chính rồi lặng lẽ dừng chân ở những khu vườn ngoại ô điểm thêm những nét họa lung linh giữa trời đất Đà Lạt muôn triệu màu hoa.
Cứ lên hết đèo Prenn, xuôi nhẹ êm hai đường dốc phố ngập đầy hoa hồng, khách du lại khó lòng giấu được cảm xúc ngẩn ngơ trước những chùm phượng tím điểm hoa trước đường vào Nhà hàng Thủy Tạ Đà Lạt. Những cành hoa hiếm hoi cuối mùa đong đưa, vừa quen thuộc vừa như xa lạ, vừa kỳ thú như lại vừa gần gũi…
Ngắm từ cội cây phượng tím trước Nhà hàng Thủy Tạ đến cội cây phượng tím trước cửa chợ đêm Đà Lạt, và dạo bước vòng quanh từng đường phố phượng tím trồng mới sau này với từng cánh hoa tím mỏng mảnh, từng chiếc lá lặng lẽ trút rơi trong mùa đông để sang xuân vào mùa hoa nở rồi hoa lại tàn phủ giăng đầy lối phố… đã đưa tôi trở về ký ức đôi mươi mùa phượng tím vội qua, ký ức những lần gặp gỡ kỹ sư Lương Văn Sáu ở nơi căn hộ chật hẹp trên góc phố Bùi Thị Xuân, Đà Lạt.
Ngày ấy mỗi lần được trò chuyện với kỹ sư Lương Văn Sáu là mỗi lần tôi khám phá thêm những kỳ thú bí ẩn của loài hoa nở tím trên cành tán phủ rộng trong không gian với từ 5- 7mét đường kính, phía dưới là thân cây gỗ to lớn, thô nhám, cao từ 10 – 15m. Bản quê của cây ở vùng Nam Mỹ, có tên khoa học Jacaranda mimosifolia, năm 1962 được kỹ sư Lương Văn Sáu sau khi tốt nghiệp Đại học Canh nông tại Pháp, đã đưa về trồng đầu tiên trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Đà Lạt ngày nay. Hoa nở rực tím trên cành, lá có hình dạng lá kép giống như lá cây phượng vĩ của Việt Nam, nên người Đà Lạt gọi “việt hóa” thành cây phượng tím. Những năm sau đó, bằng kỹ thuật chiết cành, kỹ sư Lương Văn Sáu đã nhân giống trồng thử nghiệm vài ba cây phượng tím mới ở Vườn hoa Đà Lạt và một cây trồng ở trước Nhà hàng Thủy Tạ.
Những năm gần cuối thập niên chín mươi của thế kỷ trước, sức khỏe của kỹ sư Lương Văn Sáu giảm sút nhanh từng ngày vì phải chống chọi với bệnh tật trầm trọng sau phẫu thuật cắt đứt thanh quản. Dẫu vậy, ông vẫn ráng hết tâm sức còn lại để hướng dẫn những đồng nghiệp đi sau và cả những người thích thú loài phượng tím bấy giờ như tôi về cách thức chiết ghép, tạo ra rễ mới từ những hom cây giâm trong cát sông trộn pha với đất đỏ mịn. Tôi không quên lời ông Sáu lúc đó: “ Ở vùng Nam Mỹ, phượng tím hàng năm đậu trái cho hạt nhờ một loài chim có chiếc mỏ cong cong đi thụ phấn cho hoa. Đà Lạt mình không có loài chim di trú này khiến cho phượng tím chỉ thể ra hoa, chưa thể ra hạt… ”.
Thực hành theo cách cầm tay chỉ việc của ông Sáu, tôi và đồng nghiệp Hoàng Thành của Đài Truyền thanh Đà Lạt lúc đó cũng đã giâm trồng được đôi ba cây con phượng tím trong khuôn viên nơi mình ở. Mỗi sáng ra nhìn từng chồi lá phượng tím nhu nhú non tơ, hai chúng tôi ngập đầy vui sướng rồi âm thầm nuôi dưỡng giấc mơ về những con đường hoa tím Đà Lạt.
Những năm cuối thế kỷ hai mươi rồi bước sang vài năm đầu của thế kỷ hai mươi mốt, những gói hạt giống phượng tím từ nước ngoài về Đà Lạt qua con đường du lịch ngày một nhiều hơn thì ngược lại “người cha nuôi” của cây phượng tím đầu tiên Đà Lạt với bệnh tình ngày một nặng lên vì tuổi cao, sức yếu. Giấc mơ về những hàng phượng tím nghiêng nghiêng trong bốn mùa Đà Lạt mát lạnh của tôi và đồng nghiệp Hoàng Thành đang dần trở thành hiện thực thì kỹ sư Lương Văn Sáu đã phiêu du từ giã cõi trần.
Nay đã đi qua mười hai năm đầu của thế kỷ hai mươi mốt, các nhà khoa học trên phố hoa Đà Lạt đã tạo hạt phượng tím chất lượng cao từ kỹ thuật thụ phấn vô tính. Khi đông qua, xuân đến, từng hàng cây phượng tím đã đồng loạt bung hoa trên nhiều đường phố trung tâm đón bước chân du khách và nối theo những bước chân hàng ngày đến trường của sinh viên học sinh của Đà Lạt và của khắp mọi miền đất nước về đây.
Và mới đây là một con đường phượng tím nối từ cầu Bá Hộ Chúc đến cầu Ông Đạo với cả trăm cây “thắp lên hai hàng” đang vươn cành tỏa tán. Chừng đôi ba năm nữa thôi, đường phượng tím này sẽ vào mùa hoa trải vương theo từng bước chân qua. Và biết đâu phượng tím không chỉ nở rộ ở mùa xuân mà có thêm vào mùa thu nữa, sẽ điểm hoa trên những hàng cây phượng tím khác của Đà Lạt. Và biết đâu ở một nơi vô cùng nào đó, linh hồn của cố kỹ sư Lương Văn Sáu đang thăng hoa cùng mênh mông sắc tím “đặc sản” của Đà Lạt hôm nay….