Cư Kuin là huyện đầu tiên trong tỉnh xây dựng thành công nhãn hiệu “Hồ tiêu Cư Kuin”, tuy nhiên sau gần 1 năm được cấp chứng nhận, việc phát triển nhãn hiệu này gần như “dẫm chân tại chỗ”.
So với nhiều địa phương khác, hồ tiêu Cư Kuin có lịch sử phát triển khá lâu, bắt đầu từ những năm 50 của thế kỷ trước. Khoảng 10 năm trở lại đây, cây tiêu đã thực sự trở thành cây công nghiệp hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trên địa bàn huyện. Hiện, toàn huyện có gần 4.000 ha hồ tiêu, trong đó có 2.518 ha tiêu kinh doanh, năng suất bình quân đạt trên 3,7 tấn/ha, sản lượng bình quân hằng năm đạt trên 9.300 tấn. Điều đáng nói là sản phẩm hồ tiêu ở đây chất lượng tốt hơn so với các địa phương khác, tỷ lệ thu hồi hạt tiêu đen loại 1 và loại đặc biệt rất cao, được thị trường ưa chuộng, vì thế mà sản phẩm tiêu ở đây luôn được thương lái cộng thêm 10% vào giá mua. Với mong muốn làm tăng thêm chuỗi giá trị cho cây tiêu, cuối năm 2016, huyện Cư Kuin đã đăng ký thành công nhãn hiệu chứng nhận “Hồ tiêu Cư Kuin” (do Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học – Công nghệ cấp tại Quyết định số 6442/QĐ-SHTT ngày 10-10-2016).
Đây là bước tiến lớn trong việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa để nâng cao giá trị sản phẩm nông sản địa phương. Tuy nhiên, sau khi đăng ký thành công thì việc phát triển nhãn hiệu này gặp khá nhiều khó khăn. Trước hết, trên địa bàn huyện chưa có quy hoạch phát triển cây tiêu, thêm vào đó, tỉnh và Ngành nông nghiệp cũng chưa có định hướng cụ thể để hỗ trợ cho địa phương. Theo Phòng NN-PTNT huyện, sau khi huyện đăng ký thành công nhãn hiệu, Phòng cùng các đơn vị chuyên môn tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến tiêu theo hướng thực hành nông nghiệp tốt cho nông dân; từng bước thành lập các tổ, nhóm, câu lạc bộ về sản xuất hồ tiêu bền vững để tiến tới thành lập các HTX về tiêu sạch… Mặc dù huyện đã có nhiều nỗ lực để phát triển nhưng do nhãn hiệu “Hồ tiêu Cư Kuin” còn mới, chưa được nhiều người biết đến, nên vẫn còn ít doanh nghiệp (DN) mạnh dạn đứng ra làm “bà đỡ” trong phát triển theo chuỗi hàng hóa.
Lô hàng hồ tiêu xuất khẩu của Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Ktur.
Hiện trên địa bàn huyện mới chỉ có Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Ktur tham gia vào việc phát triển nhãn hiệu “Hồ tiêu Cư Kuin”. Ông Trần Văn Tâm, Giám đốc công ty cho biết, là đơn vị có diện tích trồng tiêu tập trung cao nhất nước, với 1.000 ha, sản lượng trung bình từ 4.000-5.000 tấn/năm nên công ty có rất nhiều thuận lợi trong việc phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Hồ tiêu Cư Kuin”. Trước đó, khi huyện chưa đăng ký nhãn hiệu này thì công ty cũng đã làm tiêu sạch để xuất khẩu sang một số thị trường khó tính như Nhật Bản, Hà Lan, Mỹ… với sản lượng 1.600 tấn/năm; đặc biệt, lượng tiêu xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản được cộng thưởng đến 27.000 đồng/kg. Với những lợi thế trên, hiện công ty đã triển khai cho 200 hộ tham gia sản xuất tiêu bền vững mang nhãn hiệu chứng nhận “Hồ tiêu Cư Kuin” để xuất khẩu sang Nhật Bản, với diện tích gần 100 ha. Để có sản phẩm đạt chất lượng theo yêu cầu của đối tác, công ty đã triển khai tập huấn cho từng hộ tham gia về kỹ thuật canh tác theo hướng nông nghiệp sạch, đồng thời cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ sinh học cho các hộ dân để bảo đảm chất lượng hạt tiêu đạt yêu cầu đặt ra. Với tham vọng sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm hồ tiêu trên địa bàn Cư Kuin, trong thời gian tới công ty sẽ tổ chức liên kết với các hộ nông dân làm tiêu sạch để xuất khẩu nhằm đưa thương hiệu “Hồ tiêu Cư Kuin” ra thị trường thế giới.
Sự tham gia của Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Ktur bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc làm gia tăng giá trị sản phẩm hồ tiêu. Tuy nhiên, nếu có sự vào cuộc của nhiều DN, nhãn hiệu chứng nhận “Hồ tiêu Cư Kuin” sẽ phát triển nhanh và bền vững hơn. Theo Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện, để nhãn hiệu “Hồ tiêu Cư Kuin” được nhiều DN biết đến và sử dụng, sắp tới huyện sẽ phối hợp với các phòng chuyên môn và một số DN xây dựng một số mô hình chế biến tiêu bằng máy và thực hiện liên kết “4 nhà” nhằm tạo ra sản phẩm tiêu xuất khẩu đáp ứng được các tiêu chí khắt khe trên thị trường thế giới.