Ngay đến gạo là mặt hàng xuất khẩu mạnh nhất của Việt Nam, ai cũng tự hào nhưng tự hào nỗi gì khi không có thương hiệu?
PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam thẳng thắn nói với Đất Việt khi bàn về những “người khổng lồ” của nông sản Việt.
Không thấy bóng dáng thương hiệu nông sản Việt trên thế giới
Vài năm nay trái chôm chôm Việt Nam đã tìm được đường sang Mỹ khiến nhiều nhà vườn và doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây rất hào hứng. Tuy nhiên, chuyến đi Mỹ mới đây của PGS.TS Nguyễn Minh Châu khiến ông buồn nhiều khi chứng kiến thân phận trái cây Việt.
“Nếu như trái chôm chôm đỏ tươi thì tôi có thể tự hào mà khoe rằng trái cây nước tôi đấy, đằng này vỏ của chúng đen thui, sắp hỏng nằm chỏng chơ khiến tôi xấu hổ. Người trồng chôm chôm ở Việt Nam có lẽ cũng chẳng biết trái cây của mình ra sao trên đất Mỹ”.
Theo ông Nguyễn Minh Châu, nông sản Việt chưa có thương hiệu tầm thế giới
Tương tự, ông Châu cố gắng đi tìm gạo Việt Nam nhưng chỉ thấy toàn gạo Thái Lan với đủ các loại.
“Ai cũng tự hào gạo là mặt hàng xuất khẩu mạnh nhất của Việt Nam nhưng tự hào nỗi gì khi không có thương hiệu? Nông sản Việt chưa có thương hiệu trên thế giới, cái người ta vẫn quảng cáo chỉ là mấy thương hiệu ở phạm vi nội địa may mắn cạnh tranh khá hơn so với các sản phẩm khác cùng loại”.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam cho rằng, nông sản Việt yếu toàn bộ từ khâu sản xuất đến khâu thu mua, tiếp thị, xuất khẩu.
“Người trồng thì không quan tâm đến chất lượng và thương hiệu, hễ cái gì bán được thì cứ trồng, hoặc thấy ai trồng cây gì hiệu quả thì bắt chước trồng theo. Hậu quả là mỗi khi thị trường biến động, cung vượt cầu, thì nông dân sẽ là người đầu tiên phải gánh chịu thiệt hại.
Lực lượng marketting không nắm được đối thủ, người mua, giá cả, bán khi nào… Hễ bên kia có người mua thì doanh nghiệp bên này lập tức thu gom rồi đem xuất theo kiểu buôn chuyến, giá cả tự định, càng rẻ càng thiệt cho đất nước bởi bán rẻ thì mua rẻ, chỉ chết nông dân. Biết bao lần doanh nghiệp Việt bị dọa hoặc bị kiện bán phá giá vì bán quá rẻ.
Thậm chí một bao gạo của Việt Nam chẳng biết có bao nhiêu loại gạo được trộn vào. Họ chẳng cần uy tín, chỉ cốt sao cho bán được hàng lần này và hy vọng (chứ không chắc chắn) lần sau cũng bán được”, ông Châu chỉ rõ.
Vì không có thương hiệu nên nông sản Việt luôn phụ thuộc vào một thị trường, hễ họ tạm ngừng nhập khẩu là nông sản Việt, từ thanh long, dưa hấu… đến cà chua chất đống ngoài ruộng, bỏ thối hoặc cho trâu bò ăn.
Ông Châu trăn trở: “Từ rất lâu rồi cứ nói về chiến lược xây dựng thương hiệu cho các nông sản hàng đầu như gạo, tiêu, điều, cà phê… nhưng bàn chỉ để bàn mà thôi, Việt Nam vẫn giữ nguyên quy trình trồng, thu hoạch rồi bán thô nguyên liệu. Dù có lợi thế về vùng nguyên liệu, khí hậu, dù vẫn tăng số lượng xuất khẩu… nhưng nông sản Việt phát triển không hề bền vững, Việt Nam vẫn chưa tạo ra được một thương hiệu nông sản uy tín nào trên bản đồ xuất khẩu nông sản thế giới”.
Học New Zealand làm thương hiệu
Theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, để nông sản Việt phát triển bền vững nhất thiết phải xây dựng thương hiệu. “Tuy nhiên thương hiệu không phải tự nhiên mà có. Đó là sự nỗ lực, đòi hỏi một thời gian rất dài, 10 năm, 20 năm, thậm chí lâu hơn nữa và ai cũng phải tuân thủ mục tiêu ấy”, ông Châu nói.
Muốn vậy, cần thu về một mối từ khâu sản xuất, tiếp thị, đến khâu xuất khẩu. “Phải có sự liên kết phối hợp giữa nông dân với nhau, nông dân với doanh nghiệp. Nhà nước giữ vai trò quản lý, khâu nối, ngoài việc hỗ trợ nông dân làm VietGAP, GlobalGAP cần có định hướng cho doanh nghiệp; không để xuất khẩu cạnh tranh thiếu lành mạnh, giành giật thị trường, khách hàng của nhau bằng cách giảm giá, giảm chất lượng sản phẩm tiếp diễn. Song song đó, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa 4 nhà: nhà quản lý, nhà khoa học, nhà kinh doanh và nhà nông cùng nâng chất lượng nông sản, tăng khả năng cạnh tranh”.
PGS.TS Lê Minh Châu cho rằng Việt Nam không nhất thiết phải làm thương hiệu ồ ạt tất cả các loại nông sản mà hãy bắt đầu từ 1, 2 mặt hàng chủ lực như gạo, cà phê.
“Mô hình xuất khẩu trái cây của New Zealand rất đáng học tập. New Zealand chỉ có 2 công ty chuyên xuất khẩu trái cây nhưng là hai thương hiệu lớn của thế giới. New Zealand xác định táo và kiwi là sản phẩm chủ lực quốc gia, vì vậy chính phủ đã giao nhiệm vụ xuất khẩu táo cho Công ty Enza, còn kiwi thì do Công ty Zespri đảm nhiệm. Các công ty này ký hợp đồng với nông dân và nông dân phải tuân thủ quy trình sản xuất của họ”.
“Đây là mô hình rất thành công, không có chuyện mạnh ai nấy làm và tranh giành xuất khẩu chỉ vì lợi ích riêng”, ông Châu nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm: