Hiện tại, Nhật Bản và Hàn Quốc cần nhập khẩu 40% hàng nông sản tươi sống. Đây là thị trường lớn nhưng đòi hỏi khắt khe về chất lượng và kỹ thuật cao, là rào cản lớn đối với nông sản Việt Nam.
- Nga cấm vận phương Tây, xuất khẩu nông sản Việt Nam hưởng lợi
- Xuất khẩu ngũ cốc Ukraine tăng lên 5,01 triệu tấn
- Ngành chè mất cân đối nguyên liệu
Rào cản chất lượng sẽ khiến hàng nông sản Việt gặp khó khi tiến vào thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trên đây là nhận định tại “Diễn đàn xuất khẩu 2014” với chủ đề định hướng thị trường và sản phẩm xuất khẩu” do UBND TP.HCM tổ chức ngày 12/9/2014.
Thách thức
Hiện nay Nhật Bản là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ ba của Việt Nam. Xuất khẩu trái cây, rau quả của Việt Nam sang Nhật Bản có mức tăng trưởng nhanh và ổn định với kim ngạch tăng 10-30%/năm. Tuy nhiên, số lượng xuất khẩu còn hạn chế và chưa tương xứng với tiềm năng.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, năm 2013, giá trị nhóm hàng rau quả xuất sang Nhật Bản đạt 61,22 triệu USD và mục tiêu 2015 sẽ đạt 77 triệu USD
Ông Lê An Hải, Phó vụ trưởng Vụ thị trường Châu Á – Thái Bình Dương cho biết, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn được biết đến là thị trường khó tính và khắt khe nhất thế giới, không dễ gì thâm nhập, nhất là với các mặt hàng nông sản.
Thực tế, xuất khẩu nông sản vào Nhật khó vì giá hàng hóa nông sản ở Nhật rất đắt, cao hơn gấp nhiều lần so với hàng cùng loại nhập khẩu từ một số nước khác nên chính phủ Nhật dựng rào cản lớn để bảo hộ sản xuất nội địa. Nông sản Việt Nam, cụ thể là trái cây nhiệt đới, rất khó chen chân vào Nhật vì không thể vượt qua các vòng “sát hạch” gắt gao, ông Hải cho biết.
Mặt khác, do phương thức sản xuất của nông dân Việt Nam chưa đáp ứng được các tiêu chí của thị trường. Sản xuất của các hộ nông dân manh múng, chất lượng chủng loại không đồng đều, còn thiếu về kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch. Những trở ngại này đã một phần nào được khắc phục trong những năm gần đây thông qua các chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Cụ thể, hỗ trợ nâng cấp phương tiện đào tạo cán bộ nông nghiệp; những chương trình viện trợ kỹ thuật cho các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, HTX cây ăn trái, làm đề tài về giống lúa… Ngoài ra, một số công ty Nhật đưa giống lúa của họ sang trồng ở Việt Nam để bán cho các nhà hàng, xuất sang các thị trường có người Nhật sinh sống.
Và cơ hội
Thông tin từ Bộ Nông – Lâm – Thủy sản Nhật cho biết, trong vòng 50 năm trở lại đây, tỉ trọng GDP của nông nghiệp Nhật giảm từ 9% còn 1%, trên 25% diện tích đất canh tác bị thu hẹp…
Ngoài ra, khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, việc dỡ bỏ thuế quan được áp dụng có thể khiến khả năng tự cung lương thực của Nhật giảm từ 40% xuống còn 14%. Như vậy, Nhật cần nhập khẩu một lượng lớn nông sản thực phẩm để bù vào nguồn cung thiếu hụt trong nước. Đây được xem là một trong những cơ hội lớn đối với nông sản Việt Nam.
Thị trường Đông Bắc Á, là thị trường đầy tiềm năng, tỉnh Đắk Nông có chiến lược tiếp cận thị trường thông qua những chương trình xúc tiến thương mại. Hiện tại, sản phẩm khoai lang, trái cây, đã có thâm nhập vào thị trường này. Tuy nhiên, sản lượng chưa tương xứng với tiền năng, ông Lê Văn Một, Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Nông cho biết.
Phương thức tiếp cận thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản theo ông Lê An Hải thì phương thức tối ưu doanh nghiệp xuất khẩu cần kết nối với hệ thống phân phối của nước sở tại. Trên cơ sở đó, sản phẩm được đưa vào thị trường thông qua kênh phân phối này sẽ đạt hiệu quả cao, người dùng dễ đón nhận.
Ỏ Hàn Quốc thì có Hiệp hội các hà nhập khẩu, thông qua Hiệp hội này sẽ tiếp cận và tìm kiếm thị trường. Tổ chức kết nối giao thương với các hệ thống phân phối tại thị trường sở tại.