Nông sản Việt đối mặt nhiều khó khăn

Gạo bị ép giá, chất lượng thủy sản bị chê, đường tồn kho trong khi hàng lậu tràn lan đang khiến doanh nghiệp và người dân gặp khó.

images

Chất lượng và con giống thủy sản bị “chấm điểm” yếu

Ngay từ đầu năm, một loạt khó khăn trong việc xuất khẩu nông – thủy sản ồ ạt ập đến khiến nông dân, ngư dân và cả doanh nghiệp lao đao.

Bị kiện cáo vì bán phá giá cá tra, cá ba sa rồi bị từ chối nhập khẩu nhiều lô hàng tại 4 thị trường Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Australia, sau đó là một loạt các cuộc kiểm tra tôm đông lạnh đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, hàng thủy sản Việt Nam đang phải gánh chịu tổn thất lên tới 14 triệu USD/năm.

Việt Nam bị Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đánh giá là nước tuân thủ tương đối kém về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Thực tế đang buồn này lại đến từ chính chúng ta chứ không phải do bên đối tác ra quy định “làm khó”.

Chất lượng hàng thủy sản đang là một vấn đề cần được đặt lên hàng đầu trong việc cải thiện tình trạng xuất khẩu như hiện nay.

Trong khi đó về phía ngư dân cũng gặp nhiều khó khăn từ việc nguồn giống yếu kém, thiếu thốn lại thêm hạn hán kéo dài gây ra thiệt hại nặng nề về sản lượng chứ chưa tính đến chất lượng khi thu hoạch rồi xuất khẩu.

Gạo và cuộc ép giá trên trường quốc tế

Qua đợt thu mua tạm trữ 2 triệu tấn lúa (1 triệu tấn quy ra gạo) vụ đông xuân 2012 – 2013 vừa qua cho thấy ngành nông nghiệp vẫn chưa tìm được hướng giải quyết ổn thỏa cho con đường gạo đi.

Nông dân thì tố doanh nghiệp “không giữ lời hứa”, đã ký ghi nhớ mua lúa tại địa phương đến khi thu hoạch xong lại chẳng thấy mặt mũi doanh nghiệp nào. Bên doanh nghiệp thì phản pháo nông dân “làm sai quy trình” dẫn đến “chất lượng gạo kém” không thể thu mua rồi đề xuất bán cho khách hàng.

Trong khi đó giá gạo xuất khẩu bình quân quý 1 năm 2013 thấp hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái lại thêm nguồn cung từ Ấn Độ, Thái Lan tăng. Dự báo gạo xuất khẩu trong quý này sẽ giảm cả về sản lượng và giá cả.

Hiện Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đang tìm cách kiểm soát thị trường xuất khẩu gạo tự do sang Malaysia, Indonesia và Philippines nhằm hạn chế việc các doanh nghiệp cạnh tranh, bán giá thấp khiến thị trường tập trung, mua bán gạo thông qua hình thức đấu giá. Nhưng điều này lại tạo điều kiện cho các thương lái Trung Quốc vào Việt Nam mua gạo giá thấp rồi xuất khẩu sang các nước khác, dành luôn thị phần của doanh nghiệp nhà nước và tư nhân Việt Nam.

Nỗi niềm mía đường

Gạo, thủy sản còn đang khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn thì mía đường cũng không là ngoại lệ. Trong khi lượng đường tồn kho lên tới hàng trăm ngàn tấn thì trung bình mỗi ngày vẫn có 1000 tấn đường thẩm lậu vào Việt Nam.

Những năm trước, khi chỉ vừa chớm chạm mùa nóng, giá đường tăng vùn vụt. Nguồn cung không đáp ứng kịp nhu cầu nội địa, nhưng từ đầu năm 2013, đường giảm giá xuống dưới 14.000/kg (giá bán tại nhà máy).

Bà con nông dân trồng mía chưa kịp thoát khỏi nỗi lo giá đường giảm thì lại vấp phải chuyện nhập nhằng đo chữ đường khiến giá mía bị tụt giảm.

Theo thông tin từ Công ty cổ phần đường Khánh Hòa, thì giá mía mua tại ruộng là 920 nghìn đồng/tấn cho mía đủ 10 chữ đường. Mất một chữ giảm 92 nghìn đồng, trong khi mía của bà con chỉ đạt 7 – 8 chữ đường. Cách đo và tính toán chữ do nhà máy phụ trách, nông dân sẽ được thông báo kết quả sau.

Nếu tình hình này cứ tiếp tục diễn ra, trong năm nay, nông dân trồng mía khó mà có lãi còn nhà máy đường thì chịu thua lỗ do đường nhập lậu.

Nguồn TTVN