Nông sản trong vòng xoáy rớt giá!

Rớt giá khi tới thời điểm thu hoạch rộ là thực trạng của khá nhiều loại nông sản ở khu vực ĐBSCL; mà gần đây là lúa vụ đông xuân 2011 – 2012, dừa và hành tím.

Có thể thấy, trong nhiều nguyên nhân có tình trạng sản phẩm chưa gắn kết với nhu cầu của thị trường, lệ thuộc vào thị trường hẹp khiến “đầu ra” bấp bênh…
Giá rớt thê thảm!
Cách nay chưa lâu, nông dân trồng ổi ở Đồng Tháp, trồng chôm chôm ở Bến Tre, trồng chanh ở Long An chới với khi vào thời điểm thu hoạch rộ sản phẩm rớt giá thê thảm. Theo ông Lê Văn Loan ở xã Mỹ Hiệp (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp), giá thành một kg ổi chưa kể chi phí nhân công hái, chăm sóc lên đến 1.500 đồng. Ấy nhưng có thời điểm một kg ổi nhà vườn chỉ bán được 500 đồng! Giá bán chôm chôm vào vụ thu hoạch cách đây vài tháng cũng… tuột dốc không phanh. Nếu như vụ chôm chôm năm 2010, giá chôm chôm đường có lúc lên đến 17.000 đồng/kg, thì cùng thời điểm năm 2011 giá chỉ còn khoảng 6.500-6.700 đồng/kg.
Còn lúa đông xuân 2011 – 2012 khi bước vào thu hoạch rộ, giá cũng giảm mạnh (từ ngày 15.3, giá nhích lên 200 – 300 đồng/kg khi các DN bắt đầu thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo). Trong khi đó, hành tím – trồng nhiều nhất ở Sóc Trăng – hiện giá bán và tình hình tiêu thụ vẫn chưa có dấu hiệu khả quan dù giá bán đã rơi xuống tận đáy (2.000 – 3.600 đồng/kg so với giá bán 20.000 đồng/kg vụ hành tím năm trước). Cùng “hoàn cảnh” là dừa – nhiều nhất ở Bến Tre – giá chỉ còn bằng ¼ so với thời điểm tháng 10.2011!

db03a2jpg-083245

Hành tím ở Sóc Trăng đang tồn đọng số lượng lớn.

“Lệch pha” với thị trường

Theo Hiệp hội Lương thực VN (VFA), năm 2011, xuất khẩu gạo chất lượng cao loại 5% tấm tăng 20%, gạo thơm tăng 100% (đạt 472.000 tấn), trong khi gạo cấp thấp giảm khá mạnh. Dự báo 6 tháng đầu năm 2012, Ấn Độ tích cực cạnh tranh bán ra với thấp để giải quyết hàng tồn kho lớn. Myanmar cũng tuyên bố đẩy mạnh xuất khẩu gạo giá thấp trong năm nay. Năm 2012, do vậy, gạo cấp thấp sẽ khó tiêu thụ vì không thể cạnh tranh với những nước có thế mạnh. Trong bối cảnh đó, vụ đông xuân 2011 – 2012 vùng ĐBSCL lại xuống giống quá nhiều lúa phẩm cấp thấp (IR 50404).  Theo thông tin từ các địa phương trong vùng, diện tích sử dụng giống lúa IR 50404 chiếm từ 30 – 60% diện tích (tùy địa phương). Diện tích trồng hành tím ở Sóc Trăng năm nay cũng tăng vọt (khoảng 7.000ha, sản lượng ước 200.000 tấn).

Trong khi các DN xuất khẩu hành tím cho biết, năm nay nhiều nước khu vực Đông Nam Á cũng trúng mùa hành tím nên xuất khẩu khó khăn. Đối với trái dừa, theo Sở Công thương Bến Tre, giá dừa trái năm nay giảm mạnh do nhiều nước giảm nhập khẩu. Tuy nhiên, cũng có thể thấy, cũng như khoai lang Vĩnh Long, tình hình tiêu thụ dừa ở ĐBSCL vừa qua cũng lệ thuộc vào thương lái Trung Quốc.

Thiếu nguồn tiêu thụ ổn định đang là vấn nạn đối với khá nhiều loại nông sản ở vùng ĐBSCL!

Nguồn LÊ NHƯ GIANG