Từ 14 đến 16-2 (tức mùng 5 đến mùng 7 Tết), nông dân đồng bào dân tộc thiểu số khắp các bản làng của các tỉnh Tây Nguyên như: Đăk Lăk, Kon Tum , Gia Lai… đã “ra quân” lên nương rẫy và xuống đồng ruộng với tâm trạng vui tươi, phấn khởi.
Ngày này có ý nghĩa khá đặc biệt đối với bà con đồng bào các dân tộc làm nông ở Tây Nguyên. Cũng giống như ngày “xuất hành” chọn hướng du xuân, hái lộc của người Kinh, ngày “ra quân” lên rẫy, xuống đồng cũng được bà con chọn lựa kỹ, là bước khởi đầu cho một năm trồng trọt mới, với hy vọng “thuận buồn – xuôi gió”, cây lúa, cây bắp… tốt tươi, nhiều hạt, cây mì nhiều củ, cây cao su đong đầy “vàng trắng”, con chồn, con chuột tìm lối đi vào rừng, không lạc bước vào nương phá hoại hoa mầu.
Ở Đăk Hà (Kon Tum), nơi được coi là thủ phủ thứ 2 của xứ sở cà phê Tây Nguyên, những rừng cà phê bạt ngàn nở hoa trắng xóa, tỏa hương thơm ngát. A Hoàng (người dân tộc Giẻ Triêng) khoe: “Hôm nay là ngày đầu tiên đi làm trong năm mới nên tôi rất vui và phấn khởi. Cà phê nhân trước Tết Quý Tỵ đã lên được mấy giá, có tiền bà con tổ chức đón Tết, vui Xuân rất đầm ấn, hạnh phúc, ở đây chưa có cái Tết nào vui vẻ và ấn tượng như năm nay. Hôm nay tôi và bà con dân làng lên rẫy cà phê của mình, việc đầu tiên là nổ máy, dẫn vòi tưới nước, cà phê đang nở hoa nên rất cần nước, nước càng nhiều, đất càng ẩm thì hoa mới đậu trái được nhiều. Hy vọng năm nay cà phê lại được mùa, được giá để bà con mình no cái bụng hơn, vui hơn… nói rồi A Hoàng cười rất vui, mãn nguyện…
Sáng đầu xuân, gia đình anh Rơ Lan Quân (Ia Chia, Ia Grai- Gia Lai) cũng đeo gùi “ra quân” lên vườn điều nhặt quả. Sau mấy ngày Tết, điều chín rất nhiều, trung bình một gốc cây có đến 20-30 quả rụng. Gặp chúng tôi, anh Quân bộc bạch: “Nhà mình trồng được trên 500 cây điều, trong đó 400 cây đã cho quả. Năm ngoái nhà mình thu được hơn 2 tấn hạt điều. Không giống như những mặt hàng khác, điều lúc nào cũng được giá, lại dễ trồng, dễ chăm, nên mấy năm gần đây dân làng mình trồng cũng nhiều. Ngoài cây điều, bà con mình còn trồng thêm cao su tiểu điền, cà phê… Họ đã biết tận dụng quĩ đất để trồng cây, chứ không như những năm trước, nên đời sống bà con ổn định, nhiều hộ khá giả…”.
Không khí xuống đồng đầu năm của bà con làng Tung, thuộc xã biên giới Ia Nan, huyện Đức Cơ (Gia Lai) cũng hết sức ấn tượng. Không giết trâu, bò, heo, gà … cúng Yang, cầu may như những năm trước, thay vào đó là niềm tin, tình cảm và trách nhiệm của “quân dân một ý chí”. Từ sáng sớm bà con đã có mặt trên cánh lúa nước xanh tốt để làm cỏ, bón phân, cấy chèn… với hy vọng vụ mùa năm nay “Lúa xanh tốt, hạt nhiều, hạt chắc”. Một trong những người theo bộ đội trồng lúa nước đầu tiên ở vùng đất biên giới Đức Cơ, già làng Tung, ông Khuyên Đông cho biết: “Cách đây 5 năm, đời sống của bà con xã Ia Nan ở làng Tung gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói, nghèo chiếm hơn 90%. Nay thì khác hoàn toàn rồi, có hạt lúa để ăn, có tiền thu nhập từ cây mì, cây cà phê, cao su… nên trong làng không còn hộ nghèo đói, khoảng 30% hộ trung bình khá, số còn lại là hộ khá và hộ giàu, đây cũng là kết quả của sự tiếp sức, hỗ trợ của Bộ đội Cụ Hồ.
Vừa tuyên truyền vận động bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, vừa tuyển dụng con em địa phương vào làm công nhân, đặc biệt Công ty 72 đã khai hoang gần 14 ha đất, tiến hành trồng lúa nước, rồi trao cho bà con. Đây thực sự là “chiếc cần câu”, để giúp người dân làng Tung phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên vùng biên giới.
Trồng được cây lúa nước trên núi, đời sống của bà con vùng biên giới Gia Lai không ngừng được nâng cao, bản làng đổi thay toàn diện, vùng biên giới mà chẳng khác gì các thị tứ sầm uất. Kinh tế phát triển, chuyện gây rối, vượt biên trái phép, các tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu đã không còn, thay vào đó là nếp sống văn hóa lành mạnh, là tiền đề tiến tới hoàn thành những mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở địa phương.