Mặc dù đã đến thời gian thu hoạch nhưng do giá rẻ, nhiều nông dân huyện Lắk đã “găm” khoai tại ruộng, ngóng chờ tăng giá.
Mấy năm trở lại đây, khi một số cánh đồng sản xuất lúa không có nguồn nước tưới ổn định, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Lắk đã chủ động chuyển đổi sang trồng ngô lai, khoai lang và cây trồng khác. Trong đó, cây khoai lang phát triển mạnh nhất, với diện tích vượt xa kế hoạch sản xuất của địa phương.
Theo thống kê, vụ đông xuân 2018-2019 ngành Nông nghiệp huyện Lắk đưa ra kế hoạch sản xuất 361 ha khoai lang, phân bố hầu khắp ở các địa phương trên địa bàn. Tuy nhiên, tổng diện tích thực tế lên đến 737 ha (bằng 204% kế hoạch giao). Việc phát triển ồ ạt diện tích khoai lang khiến nông dân phải đối mặt với nhiều rủi ro, đặc biệt là đầu ra và giá cả. Vụ đông xuân 2018-2019, giá khoai lang ở các tỉnh Tây Nguyên giảm thấp, có thời điểm chỉ 3.000 đồng/kg, khiến nhiều người lo lắng, bởi bán thì không đủ chi phí đầu tư, thuê nhân công từ lúc trồng đến lúc thu hoạch, để lâu thì khoai bị hà, xốp, mọc mầm, kéo theo năng suất và sản lượng giảm.
Gia đình anh Nguyễn Văn Cường (xã Đắk Nuê) thu hoạch khoai
Anh Nguyễn Văn Cường (buôn Dhăm 2, xã Đắk Nuê) cho hay, vụ đông xuân 2018-2019 gia đình anh trồng 2,8 ha khoai, đến đầu tháng 3-2019 số diện tích khoai này đến kỳ thu hoạch. Song do thời điểm đó giá khoai xuống thấp chỉ 4.000 đồng/kg nên anh quyết định “găm” khoai ở ruộng chờ lên giá. Tuy nhiên, đến cuối tháng giá khoai cũng không nhích lên được bao nhiêu nên anh đành phải thuê nhân công thu hoạch dần, tránh trường hợp khoai để lâu bị hỏng nhiều. Với tổng diện tích gần 3 ha, nhưng giá bán tại thời điểm thu hoạch (cuối tháng 3-2019) là 5.000 đồng/kg, chỉ bằng ½ giá bán của năm trước nên gia đình thu hoạch cầm chừng mỗi ngày từ 1 đến 2 sào. Anh Cường tính toán, sau khi trừ mọi chi phí, số tiền lãi bán khoai thu về vụ này chưa bằng một nửa của vụ khoai năm trước. Chưa kể, cứ 1 ha có đến 3 tạ bị hà không bán được do để quá thời gian thu hoạch, buộc gia đình phải vận chuyển về nhà cắt lát phơi khô sử dụng cho chăn nuôi.
Tương tự, gia đình anh Hồ Văn Công (thôn Yên Thành 1, xã Đắk Nuê) năm nay bỏ vốn đầu tư trồng 7 ha khoai lang, nhờ chăm sóc tốt nên năng suất đạt cao hơn năm ngoái. Tuy nhiên, do giá khoai xuống thấp nên anh phải bán khoán cho thương lái với giá chỉ 100 triệu đồng/ha, trong khi đó năm ngoái giá bán khoán 200 triệu đồng/ha. Tính đến cuối tháng 3-2019, giá khoai dao động từ 5.000 đến 6.000 đồng/kg, gia đình anh đã thu hoạch và bán khoán cho thương lái 5 ha, tiền lãi thu về chỉ bằng một nửa so với năm ngoái. Còn lại 2 ha anh để thu hoạch dần, hy vọng giá khoai tăng lên vào thời điểm cuối vụ. Anh Công bộc bạch: “Đến đầu tháng 4-2019, giá khoai đang nhích dần, thời điểm cao nhất 6.500 đồng/kg, với giá này thì nông dân trồng khoai còn có lãi, chứ giá bán như đầu mùa thì có những ruộng khoai chỉ đủ chi phí sản xuất và thuê nhân công thu hoạch”.
Một số nông dân quyết định thu hoạch khoai để tránh bị hư hỏng.
Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Lắk, vụ đông xuân 2018-2019, khoai lang là loại cây trồng có diện tích lớn thứ 2, chỉ đứng sau lúa nước, vượt xa cây ngô lai. Do khoai lang dễ trồng, lợi nhuận cao nên diện tích hằng năm đều vượt xa kế hoạch sản xuất đưa ra. Để khoai lang trở thành một trong những cây trồng đem lại nguồn thu nhập chính cho người dân địa phương và tránh tình trạng trên, ngành Nông nghiệp huyện khuyến khích bà con canh tác theo hướng sản xuất sạch hoặc liên kết với các doanh nghiệp để sản phẩm ổn định đầu ra, giá cả.