Nông dân Đắk Lắk chưa “mặn mà” với cây ca cao

Hiện nay, giá thu mua ca cao lên men khá cao và ổn định, trên 45.000 đồng/kg, thế nhưng, nông dân các dân tộc ở tỉnh Đắk Lắk vẫn không “mặn mà” với cây ca cao nên khó mở rộng diện tích. Mùa mưa năm nay, cả tỉnh Đắk Lắk cũng chỉ trồng được trên 158 ha đưa tổng diện tích ca cao tăng lên 2.093 ha, trong đó có 800 ha cho sản phẩm, với năng suất bình quân 14,3 tạ/ha, sản lượng 1.144 tấn hạt khô lên men.

1cacao

Cây ca cao được đưa vào trồng ở Đắk Lắk từ năm 1997, đến nay 12/15 huyện, thị xã, thành phố có diện tích cây ca cao, trong đó, tập trung nhiều nhất là ở các huyện Ea Kar, Lắk, Krông Ana, Cư M’Gar. Các địa phương cũng đưa vào trồng chủ yếu là các giống ca cao ghép như TC5, TC7, TC11, TC12, TC13…Tỉnh cũng tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật thâm canh, sơ chế quả ca cao cho nông dân, đồng thời, các địa phương cũng thành lập các tổ, nhóm, câu lạc bộ sản xuất cây ca cao. Qua thực tế, cây ca cao rất thích nghi trên các vùng đất, khí hậu ở Đắk Lắk, nhất là những vườn ca cao được trồng xen dưới tán điều mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, một trong những nguyên nhân khiến cho diện tích cây ca cao chậm phát triển là do cây cà phê vẫn còn có sức hút rất mạnh với nông dân. Giá cà phê nhân trong vài năm trở lại đây tuy có bấp bênh, nhưng đây là loại cây “truyền thống” gắn bó lâu đời với nông dân trên địa bàn, nên khó có loại cây công nghiệp dài ngày nào có thể cạnh tranh với cây cà phê. Trong khi đó, cây ca cao là loại cây trồng mới, với nhiều kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, sơ chế lên men khá phức tạp…nên không thu hút được nông dân.