Nông dân bán rẻ, người tiêu dùng vẫn mua đắt

“Những hạn chế của hệ thống phân phối hàng nông sản đã khiến người sản xuất chịu thiệt và người tiêu dùng ăn giá đắt”, ông Vũ Vinh Phú- Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết khi trao đổi với phóng viên Báo Hải quan.

DSC02574 (Copy)

Ông đánh giá thế nào về hệ thống phân phối hàng nông sản của Việt Nam hiện nay, thưa ông?

Hệ thống phân phối hàng nông sản đang có nhiều tồn tại. Tình trạng mua bán qua nhiều khâu trung gian đã khiến người tiêu dùng chịu giá cao, trong khi người nông dân bị thương lái ép giá.

Chúng ta xuất khẩu mỗi năm 6-7 triệu tấn gạo nhưng nông dân không được lợi nhiều. Hàng triệu tấn hoa quả nhưng xuất khẩu chưa được bao nhiêu. Nơi thì thừa mứa, giá rớt mạnh, người sản xuất chịu thiệt hại, nơi thì người dân vẫn phải mua với giá đắt đỏ.

Ở Hà Nội, một quả dừa giá 18-20 nghìn đồng/quả trong khi ở Bến Tre thấp hơn rất nhiều lần. Cá thu ở Thanh Hóa 200 nghìn đồng/kg trong khi Hà Nội phải mua 300-400 nghìn đồng/kg. Có thời gian tồn kho hàng chục nghìn tấn gạo ở Thái Bình không có ai mua nhưng người Hà Nội vẫn phải mua với giá 40 nghìn đồng/kg.

Những hạn chế của hệ thống phân phối hàng nông sản đã khiến người sản xuất thiệt, người tiêu dùng ăn giá đắt.

Vì sao lại xảy ra tình trạng vô lí ấy, thưa ông?

Bởi vì người nông dân không trực tiếp tham gia thị trường, không mua bán qua sàn giao dịch như ở các nước mà phải thông qua thương lái cùng nhiều khâu trung gian. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là do:

Thứ nhất, thị trường nội địa ít được quan tâm, cơ chế chính sách cho nông nghiệp nói chung và hệ thống phân phối hàng nông sản còn hạn chế, đầu tư vào nông nghiệp chiếm tỉ lệ nhỏ trong GDP.

Hai là, mạng lưới hệ thống phân phối kém. Hiện nay Việt Nam có khoảng 8.000 chợ, 600 siêu thị, gần 200 trung tâm thương mại. Siêu thị mới chiếm 20% thị trường phân phối, còn lại là chợ, hàng rong chiếm tới 80%. Cơ sở hạ tầng ở các chợ còn đơn sơ, cấp nước, vệ sinh an toàn thực phẩm kém, chợ đầu mối còn ít, chưa tương xứng với nhu cầu. Ngoài ra, sự liên kết giữa sản xuất- phân phối, giữa các vùng miền còn rời rạc, yếu ớt, mạnh ai nấy làm.

Những yếu tố này làm cho nông sản không lưu thông thông suốt, khiến người sản xuất thui chột ý chí sản xuất, còn người tiêu dùng bị “móc túi” vô lí.

Khơi thông hệ thống phân phối bằng cách nào đây, thưa ông?

Trước hết, Nhà nước phải thực sự quan tâm đến xây dựng hệ thống phân phối hàng nông sản, có cơ chế chính sách tốt thu mua nông sản cùng cơ chế sách sách khuyến thương, giao lưu hàng hóa, xây dựng cơ sở vật chất cho thương mại, xây dựng sàn giao dịch công khai, minh bạch. Thương mại là mạch máu của nền kinh tế, “phi thương bất hoạt”, nếu thiếu thương mại, nền kinh tế không thể vận hành linh hoạt.

Nhà nước phải có dự trữ quốc gia về gạo, thực phẩm, đường, dầu ăn… để lúc thất bát có nguồn cung cấp. Kinh doanh không dự trữ coi như không kinh doanh.

Còn doanh nghiệp phải tự vươn lên, đầu tư chiều sâu, xây dựng thương hiệu, đào tạo nguồn nhân lực gắn kết phân phối và sản xuất chặt chẽ. Doanh nghiệp cần mua tận gốc, bớt khâu trung gian. Nếu vẫn mua hàng qua 3-4 khâu trung gian thì không cải thiện được tình hình. Người tiêu dùng cũng nên ủng hộ hàng Việt, không sính ngoại.

Trong việc xây dựng hệ thống phân phối, trách nhiệm vĩ mô của Nhà nước chiếm 70%, doanh nghiệp và người tiêu dùng là 30%.

Hiện nay, các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực bán lẻ vào Việt Nam và thu được nhiều thành công từ việc xây dựng hệ thống phân phối hoàn chỉnh. Vậy các doanh nghiệp Việt có thể học hỏi gì từ các doanh nghiệp FDI trong việc phân phối hàng hóa nông sản?

Có thể học hỏi Metro. Họ đặt các trung tâm thu mua hàng hóa, các vùng cá, rau, quả. Sau đó đầu tư vốn, khoa học công nghệ cho nông dân để sản xuất hàng hóa cung cấp cho chuỗi siêu thị. Đây là việc rất đơn giản nhưng siêu thị nội chưa làm được.

Mua giá tốt không bằng có hệ thống phân phối tốt, đây là nguyên lí của tập đoàn Wal-Mart. Doanh nghiệp chỉ cần học mỗi điều này thôi. Nếu chúng ta không làm ngay thì doanh nghiệp FDI sẽ tiếp tục lấn chiếm thị trường, chiếm lấy khách hàng và chúng ta sẽ chỉ là người làm thuê trên chính “sân nhà”.

Nguồn Baohaiquan.vn