Những câu chuyện li kì nửa hư, nửa thực đã không ngăn được bước chân chúng tôi tìm vào khu rừng thiêng. Từ TP. Kon Tum, phải mất 5 giờ đồng hồ vượt đèo, leo dốc chúng tôi mới đến Đắk Blô, đây là xã nghèo nhất, xa nhất của tỉnh Kon Tum. Để đến được bản Bun Tôn, chúng tôi phải vượt qua những con dốc khúc khuỷu, uốn lượn như dải dây thừng ngoằn ngoèo xuôi theo những núi đá dựng đứng, chênh vênh… Sau nửa ngày trời vật lộn với con đường “đau khổ”, chúng tôi cũng đến được bản Bun Tôn khi cơn mưa rừng vừa dứt.
Gánh 100 bó củi mới được lấy chồng
Vừa tìm được nhà Trưởng bản A Lết (53 tuổi) thì cơn mưa rừng lại ào ào đổ xuống. Ở đây rừng núi thâm u nên mưa suốt ngày, mưa ngày này qua tháng khác, mưa quanh năm. Chưa vào được khu rừng thiêng chứa quan tài ma, chúng tôi hỏi A Lết chuyện về những bó củi chất đầy trước cửa mỗi nhà. Củi chất rất vuông vắn, ngăn nắp, gọn gàng và rất đẹp. A Lết bảo: “Củi để bắt chồng đấy. Nhà nào có con gái muốn lấy chồng cũng phải chuẩn bị củi. Nhà mình cũng đang dồn củi cho con gái “bắt chồng”, nó muốn lấy được chồng phải cõng về cho nhà trai đủ 100 bó củi, nhà nghèo, không có điều kiện thì 50 bó. Chỉ những người mồ côi cả cha lẫn mẹ thì mới được ưu ái không cần củi, chỉ cần có rượu, thịt heo hoặc thịt gà là được.
Trưởng bản A Lết cho biết thêm, tục gánh củi “bắt chồng” có từ xa xưa rồi, không nhớ có từ khi nào. Nhưng nếu trai gái Giẻ Triêng yêu nhau thì của hồi môn không thể thiếu đó là củi. Gọi cô con gái Y Vàm, gần 18 tuổi ra cho chúng tôi xem mặt. A Lết chia sẻ: Nó sắp lấy chồng nên gia đình tôi đã chuẩn bị được 120 bó củi rồi. Vì nhà có điều kiện nên gia đình A Lết sẽ chuẩn bị đủ 200 bó củi cho nhà trai. Dẫn chúng tôi ra phía góc nhà chỉ vào đống củi được chất rất đẹp và gọn gàng, A Lết cười tươi nói, đám cưới cô con út sẽ rất lớn và vui vì chuẩn bị được nhiều củi. Cũng vì muốn đám cưới diễn ra được trọn vẹn, A Lết chỉ vào 3 con heo chạy lăng quăng giữa sân bảo, nhà gái ngoài việc phải chuẩn bị củi ra sẽ còn phải chuẩn bị 400 – 500 miếng thịt heo to bằng nửa bàn tay cho nhà trai. Nhà trai cũng phải bỏ ra đúng số thịt như thế để đãi nhà gái và kèm theo 5 triệu đồng coi như mua số củi ấy. Đám cưới sẽ diễn ra dưới ánh lửa bập bùng, rộn rã như ngày hội. Rượu cần chảy như sông Đắk Bla, những cô gái xinh đẹp, tóc mượt như suối, hát hay sẽ nhảy múa với các chàng trai bản vạm vỡ như con gấu, nhanh nhẹn như con sóc rừng. Đám cưới cũng là nơi trai gái tìm đối tượng để hẹn hò, tìm hiểu nhau… để rồi lại có những đám cưới tiếp theo diễn ra như phong tục ngàn đời của người Giẻ – Triêng đã truyền lại.
Sự tích đồi Núi Cơm
Để đến được khu rừng ma, chúng tôi phải băng qua ngọn núi cao sừng sững, uy nghi nằm chênh vênh giữa đồi núi. Ngọn núi mọc thẳng lên trời choáng ngợp và thách thức mây mù bao phủ. Phía trên cùng đỉnh núi, mây như nhả khói, mây ùn ứ lại mà người dân bản Bun Tôn cho rằng chưa bao giờ tan. Đó chính là đồi Núi Cơm – biểu tượng cho sự thịnh vượng, ấm no của bản làng.
Hồi ức của các già làng mà đại diện là già làng A Say kể lại như những nét chấm phá về sự tích đồi Núi Cơm rằng, từ xưa, lâu lắm rồi, bản Bun Tôn này trù phú lắm, trâu đầy chuồng, ruộng nương đầy lúa, lúa rất nhiều. Nhà nhà đua nhau ra ruộng, ra rẫy để gặt lúa đem về. Có gia đình nọ cũng ra đồng vì quá trưa nên họ bảo cô con gái về nhà nấu cơm. Mẹ cô gái bảo rằng, nấu nửa hạt gạo rồi đem ra cho bố mẹ ăn.
Già A Say rít một khói thuốc dài, nhả những vòng khói lảng bảng trầm ngâm kể tiếp: “Nghe các cụ kể rằng, nửa hạt gạo nấu ra nở to như cái nồi, 3 người ăn không biết đói, 5 người ăn một hạt gạo không hết”.
Cô gái băng suối, lội đèo về nhà. Giữa đường gặp 1 con gián bò vào chân, giật bắn mình cô gái quên mất lời mẹ dặn. Quay lại hỏi mẹ, rồi trên đường về lại gặp lại con gián. Cô cứ hỏi mẹ lặp lại 3 – 4 lần như thế. Giận quá, mẹ cô gái bảo: “Mày thích nấu bao nhiều thì tùy”. Về nhà, cô gái bốc rất nhiều gạo cho vào nồi. Hạt gạo nấu lên nở ra, hết hạt gạo này đến hạt gạo khác, nở mãi nở mãi, chúng ùn ùn nở thành ngọn núi cao. Trời sợ ngọn núi chọc đến mình nên sai thần sét đánh gãy làm đôi. Cho rằng, con người lãng phí lương thực, trời đã hóa kiếp cho hạt gạo nhỏ dần, nhỏ dần, khi nấu chỉ nở ra một ít như ngày nay.
Đồi Núi Cơm là ngọn núi cao nhất khu vực này. Hễ mất mùa, bà con dân bản đứng dưới chân đồi Núi Cơm cầu xin được mùa thì mùa màng được bội thu. Cũng chính vì lí do đó mà Núi Cơm được cho là biểu tượng cho sự ấm no, sung túc của bản làng.
Khám phá khu rừng ma và chuyện kỳ bí về những quan tài treo
Muốn cảm nhận thế nào là tận cùng của sự rùng rợn hãy đi đến khám phá khu rừng chứa quan tài ma. Muốn nhấc bổng mình bay lượn trong mây mù bao phủ hãy đi tìm sự tích của đồi Núi Cơm bồng bềnh hư thực. Muốn khám phá tục lệ gánh củi “bắt chồng” của tộc người Giẻ – Triêng ở đại ngàn trường sơn hùng vĩ, hãy đến với ngôi làng Bun Tôn (xã Đắk Blô, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum).
Cơn mưa rừng cũng chịu dừng hẳn sau 2 tiếng đồ hồ trút nước ào ào xuống bản Bun Tôn. Cảm giác hồi hộp thúc giục chúng tôi đi khám phá khu rừng ma chứa quan tài bay huyền bí, rùng rợn mặc cho đồng chí Kiểm lâm viên tên Cường dặn dò: “Vào đó, vắt nhiều vô kể! Các anh sẽ chết vì bị chúng hút máu…”.
Hỏi về khu rừng ma, các già làng bảo trong đó là nơi chứa quan tài người chết. Nhà giàu thì quan tài được làm bằng nhôm và treo lên 4 góc cây, nhà bình thường thì quan tài được làm bằng gỗ cây trắc, cây dổi, còn nhà nghèo thì quan tài phải chôn dưới đất. Họ bảo, khu rừng nào rậm rạp và xanh tốt nhất đó là khu rừng ma vì không có ai dám vào chặt phá. Nếu cố ý hoặc đi lạc vào đó thì sẽ bị con ma rừng bắt phải chết.
Để mục sở thị khu rừng và những quan tài treo bí ẩn chúng tôi nhằm thẳng hướng khu rừng rậm rạp nhất và thuê người dẫn đường.
Tìm được những thanh niên bản vạm vỡ, nhanh nhẹn, nhưng dù chúng tôi hứa sẽ trả cho họ một khoản tiền khá lớn nhưng ai nấy cũng lắc đầu nguầy nguậy bảo: “Không vào được đâu, vào đó là chỉ có nước chết thôi”.
Không còn cách nào khác, tôi và anh bạn đồng nghiệp đành phải băng rừng xuyên theo lối mòn qua cây cầu treo để vào khu rừng ma. Một lần nữa, cơn mưa rừng bất chợp ào ào trút nước như thử thách lòng kiên nhẫn của chúng tôi. Rất may, khi đang tìm chỗ trú mưa thì chúng tôi gặp lều bạt của một hộ gia đình người Giẻ – Triêng đang tuốt lúa. Khi chúng tôi hỏi đường vào khu rừng ma thì A Niu (người chồng) chép miệng: “Dân bản chưa có ai vào đó cả. Qua cầu treo, những quan tài ma sẽ hiện ra. Cầu được xây dựng năm 2007, những quan tài ma bằng gỗ đã bị đám công nhân đem chôn rồi. Các anh muốn vào phải đi sâu hơn nữa may ra mới tìm thấy”. A Niu còn bảo, thần rừng sẽ đổ mưa để cản chân những ai vào khu rừng. Trời tạnh mưa sau hơn một tiếng trút nước. Hai chúng tôi phải đi gấp để kịp về trước khi trời tối. Khu rừng già dần hiện ra, âm u, hoang vắng đến lạnh người. Cảm giác rờn rợn vẫn đeo đẳng tâm trí nhưng không ngăn được sự hồi hộp muốn chinh phục và khám phá những quan tài ma của chúng tôi.
Đi được một đoạn khá xa, những thảm lá mục mềm nhũn, xâm xấp nước như chực hút chúng tôi xuống vũng sình lầy. Cảm giác ngứa ngáy lan nhanh toàn cơ thể. Chúng tôi giật mình nhìn thấy vô số vắt rừng bu trên áo quần của chúng tôi. Con nhỏ thì bằng que tăm, con to thì bằng đầu đũa. Càng vào sâu, áo quần đầy vắt, chúng bâu đầy tay, chân, tóc tai chúng cũng không tha… Anh bạn sợ quá, lao nhanh về phía cầu treo. Rời khu rừng khi chưa chứng kiến được quan tài ma khiến chúng tôi hụt hẫng và tiếc nuối.
Những câu chuyện, những tập tục, sự tích huyền bí ở khu rừng già Đắk Blô vẫn còn đó sự bí ẩn thu hút những ai muốn khám phá, chinh phục.