Những nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng hàng loạt học sinh tự vẫn?

Mới đây nhất là vụ việc 3 nữ sinh tiến hành tự tử tập thể tại trường THCS Phan Chu Trinh, huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông.

Thời gian gần đây có khá nhiều vụ nam, nữ sinh tự tìm đến cái chết rất đau lòng. Mới đây nhất là vụ việc 3 nữ sinh tiến hành tự tử tập thể tại trường THCS Phan Chu Trinh, huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông. Câu hỏi được đặt ra là: Chuyện gì đang xảy ra với những học sinh đáng thương này?
Những vụ tự tử gây chấn động dư luận
Trước khi vụ việc 3 nữ sinh cùng học lớp 7A2, Trường THCS Phan Chu Trinh, huyện huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông tự tử tập thể, đã có nhiều câu chuyện tương tự xảy ra. Vào đúng ngày 8-3-2012, một nam sinh lớp 12 tại Trà Ôn, Vĩnh Long đã treo cổ tự vẫn, cũng chỉ trước đó vài ngày, một vụ tự tử khác của một nữ sinh lớp 12 đã xảy ra tại ký túc xá một trường chuyên của tỉnh Nam Định. Càng đáng tiếc hơn, người bạn nữ “vắn số” này là một học sinh khá giỏi và ngoan hiền, có một tương lai tươi sáng đang chờ đợi phía trước. Vụ việc đã được xác định nguyên nhân do bạn bị nghi ngờ lấy trộm đồ của bạn cùng phòng trong kí túc xá của trường. Trước khi chết, bạn nữ này đã để lại bức thư xin ba mẹ tha lỗi và trong thư cũng không hề trách móc hay oán hận những ai đã nghi oan cho mình.

Vào tháng 1-2012, tại một trường tư thục, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, một nữ sinh lớp 12, ngay trong giờ học Toán đã bất ngờ chạy ra hành lang tầng 2 và gieo mình xuống đất. Lý do tìm đến cái chết của nữ sinh này là chỉ vì muốn phản ứng với cô giáo bắt học sinh chép phạt bài làm chưa đúng. Theo nhận xét của bạn bè và thầy cô, nữ sinh tội nghiệp này cũng là một học sinh ngoan hiền, có lực học giỏi trong lớp và đặc biệt là rất có “cá tính”.

Cũng trong thời gian này, một nữ học sinh một trường THCS tại Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương cũng nhảy sông tự tử. Nguyên nhân được xác định là do trước đó em bị một chủ shop quần áo nghi ngờ lấy đồ và có những lời lẽ không hay. Như vậy là chỉ tính riêng từ đầu năm 2012 đến nay có hàng chục các vụ nam nữ học sinh tự tìm đến cái chết với rất nhiều lý do khác nhau. Một vụ việc cũng vừa xảy ra hôm 11-3-2012, một nữ sinh trường trung cấp trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội đột nhiên nhảy lầu chết thảm chỉ vì cãi nhau với bạn trai, hay một nam sinh lớp 8 THCS Thái Sơn, tỉnh Nghệ An giận mẹ la mắng đã treo cổ trên cành xoan tự tử…

Thông tin nữ sinh Mỹ Hạnh, cùng với hai học sinh lớp 7 trường THCS Phan Chu Trinh, huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông, là Nguyễn Thị Cẩm Nhung, Lê Thị Bích Loan, đột ngột tử vong tại trường ngày 17-3-2012 khiến dư luận phải “bàng hoàng”.

Gia đình, bạn bè, hàng xóm, thầy cô đều nói, Hạnh là đứa con ngoan, sống vui vẻ đối với bạn bè hàng xóm. Mẹ của Hạnh là bà Lục Thị Hảo kể về cô con gái trong tiếng khóc thảm: “Ở nhà cháu rất ngoan ngoãn, nghe lời ông bà, cha mẹ, trước khi đi học bao giờ cũng vòng tay chào hết người thân trong nhà. Khi đi chơi đều xin phép, ba mẹ cho đi mới đi. Hạnh còn thường xuyên phụ giúp gia đình những công việc nhà và chăm sóc mấy đứa em. Gia đình cũng không nghe thầy cô phán ảnh gì về em, ngoài việc học giỏi và nghe lời thầy cô, năm nào Hạnh cũng được danh hiệu học sinh giỏi”. Bạn cùng lớp cho biết, Hạnh, Nhung và Loan thường xuyên tâm sự với nhau về chuyện gia đình, như Nhung bị bố la mắng; Loan thì bố say xỉn.

Giáo viên chủ nhiệm lớp của 3 em là cô Trần Thị Nhài cho biết, sau sự việc, mọi người phát hiện trong cặp các em có nhiều thư trao đổi với nhau. Nhà Nhung còn cuốn nhật ký của em ghi từ năm 2010, kể lại những nỗi buồn, sự chán chường trong cuộc sống.

Cô hiệu trưởng cũng cho biết các em đều là học sinh giỏi nhiều năm liền, rất ngoan ngoãn nghe lời thầy cô và chuyên cần trong học tập…

images (1)

ảnh minh họa

Học sinh tự tử ngày càng nhiều
Theo dự báo của tổ chức Y tế thế giới, đến khoảng năm 2020 tự tử sẽ là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở các nước phát triển và hàng thứ 2 ở các nước đang phát triển. Việt Nam chúng ta những năm gần đây vấn nạn tự tử đang có xu thế gia tăng ở giới trẻ mà đặc biệt ở những thanh thiếu niên độ tuổi từ 12 đến 18. Mà chúng ta biết có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giớ trẻ tự tử ngày càng cao. Trò chuyện với 2 học sinh đã từng tự tử nhưng may mắn được gia đình cứu sống, hiện nay đang theo học lớp 11 tại 1 trường dân lập tại quận Cầu Giấy (Hà Nội). Khi được hỏi tại sao lại có ý định tự tử? H nói: “Tại lần đó bố mẹ em suốt ngày lo buôn bán quán cơm, chẳng quan tâm đến chị em chúng em… em chán lắm rồi. Đến hôm đó, em xin tiền mẹ đi ép tóc vì tóc em quăn tít mà bạn bè trong lớp lúc nào cũng gọi là “mì tôm”. Nhưng mẹ không cho mà còn mắng em là bắt đầu học thói đua đòi… ức quá vì nghĩ chẳng ai hiểu mình nên em mới đi mua thuốc ngủ về uống”.

B2ng20nhE1BAADt20kC3BD20cE1BBA7a20mE1BB99t20trong20320hE1BB8Dc20sinh20tE1BBB120tE1BBAD20tE1BAA1i20C490C483k20NC3B4ng1_ba9a0

Dòng nhật ký của một trong ba học sinh tự tử tại Đăk Nông được gia đình tìm thấy.

Còn P. lại khác, cô bé tự tử vì trong lớp có bạn nói xấu mình làm cho cả lớp hiểu lầm, mà em không thể giải thích, phân bua. Một nguyên nhân khác có thể dẫn tới những suy nghĩ và hành động sai lầm của học sinh đó là áp lực của việc học hành, thi cử. Sau những kỳ thi tốt nghiệp, thi đại học chúng ta lại thấy giới truyền thông bắt đầu đăng tin nhan nhản, rầm rộ, về những cái chết thương tâm của các em học sinh, do không đạt được kết quả như mong muốn của mình, của gia đình… Ở nước ta, các em đi học không phải chỉ học cho mình mà còn học cho bố mẹ, cho ông bà và đôi khi còn là cho dòng họ, mọi người luôn đặt quá nhiều kỳ vọng vào các em. Vì vậy, những học sinh giỏi, học sinh xuất sắc thường có tỉ lệ tự tử cao hơn các em học lực trung bình, khá sau khi kết thúc các kỳ thi.

Rất nhiều nguyên nhân, lý do để đưa các em tới ý định kết liễu đời mình, nhưng lý do tự tử là gì đi chăng nữa thì chung quy lại cũng do khi gặp những vấn đề vướng mắc, khó khăn trong cuộc sống, các em đã không tìm được người chia sẻ. Các em đã thiếu đi những kỹ năng xã hội, kỹ năng giải quyết vấn đề nên thường rơi vào bế tắc nên đã dùng cái chết để chạy trốn hoặc để trừng phạt mình. Lúc này đây, đang cần lắm sự quan tâm, chia sẻ thật thiết thực từ nhà trường, gia đình và xã hội… để các bạn trẻ của chúng ta nhận ra được ý nghĩa, giá trị của cuộc sống.

Để bớt đi những ông bố, bà mẹ đau khổ vì mất con, để xã hội bớt “mất đi” những thanh niên khỏe mạnh, nhiệt huyết có khả năng xây dựng và cống hiến cho đất nước. Theo TS Trần Thành Nam (Khoa tâm lý học – Đại học Khoa học xã hội và Nhân Văn): “Tuy hầu hết những trường hợp tự tử đều xảy ra cách bất ngờ, không ai đoán trước được nhưng có một số những dấu hiệu sau đây người ta thường thấy ở những em đã tự tử, quý vị phụ huynh có thể dựa vào để biết tình trạng của con cái, và biết được phần nào tư tưởng và ý định của con em trong gia đình.

Những dấu hiệu đó gồm có: Các em dọa sẽ tự tử, hay nhắc đến hay nói đến chuyện chết, có những hành động chuẩn bị, chẳng hạn như dọn phòng, dọn hộc tủ ở trường, trả những vật gì mượn của người khác, đem cho những đồ chơi hay vật dụng mà các em thường quý chuộng đặc biệt… Hay những em có ý định tự tử thường viết đi viết lại những lời nhắn nhủ hay từ giã gia đình”. Dù cha mẹ khó có thể biết chính xác khi con cái có ý định tự tử, nhưng nếu để ý các bậc phụ huynh có thể nhìn thấy một số những dấu hiệu kể trên, và nhờ đó có thể ngăn chặn hành động dại dột của các em…

Nguồn Pháp luật & Xã hội