Những người mẹ “bị đánh cắp” thời con gái

Đang tuổi cắp sách đến trường đã “hồn nhiên” làm vợ, rồi làm mẹ, ngoài 30 tuổi lên bà, kinh tế khó khăn vẫn sinh nhiều con… Đó là những câu chuyện vẫn đang xảy ra tại nhiều địa phương, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số như ở Đắk Lắk. Vấn nạn này đặt ra những thách thức không nhỏ cho công tác DS-KHHGĐ.

Cách trung tâm TP Buôn Ma Thuột gần 70km, chúng tôi tìm về Ea Súp – huyện biên giới giáp ranh nước bạn Campuchia. Theo lời ông Mai Văn Phán – Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Đắk Lắk, đây là một trong những huyện nghèo nhất tỉnh. Dân cư chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn thấp. Ngoài ra, có một bộ phận người nhập cư về đây khiến việc quản lý của cán bộ dân số gặp nhiều khó khăn.

nhung-nguoi-me-bi-danh-cap-thoi-con-gai

Những đứa trẻ ra đời từ sự hồn nhiên “có bầu thì cưới” của các cặp đôi “miệng còn hơi sữa”. Ảnh: N.Mai

“Cứ ưng cái bụng là về ở với nhau thôi!”

Tìm đến Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Ea Súp, chúng tôi gặp chị Lương Thùy Trang – cán bộ phụ trách dân số của thị trấn Ea Súp. Chị Trang cho biết: “Mặc dù công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương dân số trên địa bàn luôn được chú trọng, tuy nhiên việc thay đổi những nếp nghĩ đã “ăn sâu” vào máu của người dân như “đông con đông của”, “thêm người để thêm lao động” không phải là chuyện có thể thực hiện trong một sớm, một chiều!”.

Khi đặt vấn đề muốn gặp những “bà mẹ nhí” trên địa bàn quản lý, chị Trang cho hay, ở đây không chỉ một mà khá nhiều trường hợp tảo hôn. Theo chị Trang, chuyện những thiếu nữ tuổi học đường đã vội vã lấy chồng không chỉ xảy ra ở vùng sâu mà có ngay ở thị trấn- nơi dân trí khá cao. Đa phần, các em đều không đi học hoặc nghỉ học từ sớm để phụ giúp gia đình rồi yêu và có con khi nào không ai hay biết(?!).

Chúng tôi tìm đến nhà em H.S.S (buôn A1 trong thị trấn). Ở đây chủ yếu là bà con người Gia Rai theo chế độ mẫu hệ. Dọc con đường vào buôn, rất nhiều em nhỏ mặt mũi lấm lem đang chơi đùa giữa trưa nắng. Dừng xe bên ngôi nhà sàn cũ nát, chúng tôi bắt gặp ánh mặt lạ lẫm của một bé gái đang địu em bé đứng trước cửa nhà. Phải nhờ sự “phiên dịch” của chị cộng tác viên dân số, chúng tôi mới có thể trò chuyện cùng em.

Nếu không biết trước H.S.S năm nay 16 tuổi, có lẽ chúng tôi đã chào bằng… chị, bởi lẽ nhìn em khác hẳn với những bạn bè cùng trang lứa! Người gày gò, xanh xao, gương mặt đã xuất hiện nếp nhăn, S bẽn lẽn trò chuyện từng câu lí nhí. S là con đầu trong gia đình có bốn chị em. Em đã từng được đi học nhưng do điều kiện gia đình quá khó khăn nên phải nghỉ ở nhà đi làm thuê cùng mẹ rồi lấy chồng. Chồng S là người cùng buôn, hơn em 7 tuổi. Hai người yêu nhau chưa đầy nửa tháng.

Khi chúng tôi hỏi, kết hôn sớm như thế có biết là tảo hôn không, H’Soai Siu tỏ vẻ ngại ngùng rồi quay sang nhìn bà và bác ngồi bên cạnh. Thấy cháu ngại, người bác ruột của S cho biết: “Cái bụng to lên thì phải cưới thôi. Ở đây chúng nó quen nhau chỉ một, hai tuần, cứ ưng cái bụng là về ở với nhau chứ không quan trọng việc tuổi tác. Hơn nữa, lấy chồng sớm để còn có thêm người về giúp việc gia đình” (?!).

Bố S mất sớm, một mình mẹ em vừa phụng dưỡng mẹ già năm nay ngoài 70, vừa lo cho bầy con. Nhà không có đàn ông làm trụ cột, hai đứa con trai thì còn quá nhỏ, nên khi nghe tin S có “bầu” với một thanh niên trong buôn, cả nhà ai nấy đều… mừng và nhanh chóng tổ chức đám cưới cho hai đứa. Đang trò chuyện thì đứa con trai hơn 1 tuổi của S đòi bú. Vừa cho con bú, S vừa hồn nhiên kể: “Lúc đầu cho con bú cũng ngại, thấy không quen nên phải nhờ mẹ dạy cách bế và cho bú như thế nào. Nhiều lúc đổi tay, em suýt làm rơi con. Cũng có lần bé bú làm em rất đau đến phát khóc”.

“Mẹ nói em có bầu, lúc ấy em mới biết”

nhung-nguoi-me-bi-danh-cap-thoi-con-gai1

Mặc dù đang tuổi đến trường, bé gái này đã làm mẹ được hơn 1 năm. Ảnh: N.Mai

Rời nhà em H.S. S, chúng tôi tiếp tục đến thăm gia đình em H.V – bà mẹ trẻ mà theo lời chị cộng tác viên dân số, “Em ngây thơ đến nỗi khi mang bầu cũng không hề hay biết”.

Thấy người lạ đến, H.V vội vàng thu dọn đống quần áo, đồ đạc đang bày khắp nhà, vừa thu dọn, vừa nhìn chúng tôi với ánh mắt dò xét. Vì em không được đi học, tiếng Kinh cũng câu được, câu không nên gần như cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và em đều phải nhờ đến sự phiên dịch.

H.V lấy chồng ở cái tuổi mà bạn bè vẫn tung tăng cắp sách tới trường. V và chồng làm quen được khoảng một tháng thì về ở với nhau. Cũng do “cái bụng to lên” nên việc cưới xin cũng rất nhanh gọn. Không chỉ tuổi của chồng, ngay cả tuổi bố mẹ, các anh, chị em trong gia đình là bao nhiêu, H.V đều lắc đầu không biết.

Theo lời chị cộng tác viên, H.V không được đi học, cuộc sống của em chỉ “gói gọn” trong buôn làng. Từ nhỏ, theo bố mẹ đi làm nương, làm rẫy. Đến khi có chồng thì ở nhà bồng con theo “bản năng” nên hầu như mọi kiến thức liên quan đến việc mang thai ngoài ý muốn, làm mẹ an toàn…, với em đều là con số 0. Vậy nên, khi chúng tôi đùa: “Có khi còn không biết có con khi nào ấy nhỉ”, H.V hồn nhiên gật đầu: “Mẹ nói em có bầu, lúc ấy em mới biết!”.

Con gái H.V hơn 1 tuổi. Hàng ngày, nếu gia đình có việc bận không gửi được ai trông, H.V lại địu con đi làm cùng. Từ ngày sinh, em bé mới được đưa đi tiêm chủng đúng một lần, mặc dù cán bộ y tế thôn bản đã đến tận nhà động viên, giải thích cặn kẽ về lợi ích của việc đưa trẻ đi tiêm phòng…

H.S.S cho biết, em không đủ sữa nuôi con. Sữa bột thì đắt tiền nên cũng không thường xuyên mua được. Chỉ khi nào chồng được thuê đi làm xa, có tiền thì con mới có sữa để uống. Khi được hỏi, có ý định sinh tiếp con thứ hai, S cười xòa “có thì sinh thôi chị”. Tất cả những câu hỏi liên quan đến các biện pháp tránh thai an toàn, chúng tôi đều nhận được cái lắc đầu không biết từ “bà mẹ nhí” này.

Nguồn Giadinh.net.vn