Những dòng sông âm thầm bị “móc ruột”

Với mục đích tận thu, các doanh nghiệp (DN) khai thác cát ở Đắk Lắk đang bất chấp quy trình, gây sạt lở bờ sông nghiêm trọng, trôi đất sản xuất của người dân. Điều đáng nói là nhiều tổ chức, cá nhân đang trực tiếp khai thác cát không phải là… DN được cấp phép. Cũng do vậy mà tài nguyên thất thoát, ngân sách thất thu, chính quyền không thể kiểm soát nổi.

Cùng với nạn khai thác cát lậu, các DN được cấp phép khai thác đang ngày đêm “móc ruột” sông Krông Bông chảy qua các huyện Krông Pắc, Krông Bông và Cư Kuin. Hàng chục kilômét bờ sông đang sập đất từng ngày, khiến dân kêu mải miết, đường giao thông bị tàn phá. Hoạt động khai thác cát ngày càng khó kiểm soát.

Cấp phép giữa sông, hút cát ven bờ

Một ngày đầu tháng 10, chúng tôi có mặt tại đoạn sông Krông Bông chảy qua xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc) và chứng kiến một đại công trường cát lậu. Dù chỉ cách trụ sở UBND xã khoảng 2km, nhưng 3 chiếc sà lan vẫn ngang nhiên hút cát giữa ban ngày, 4 chiếc xe tải xếp hàng đợi cát, những căn lều dựng lên dọc bờ sông.

Ông Đậu Xuân Vũ, cán bộ địa chính xã Vụ Bổn, hiện đang tăng cường ra Phòng TNMT huyện Krông Pắc cho rằng, đó chỉ là một phần thực trạng. Bởi theo ông nắm được thì có 5 điểm khai thác trái phép thuộc các thôn Tân Quý, Phước Quý, thôn 5 và thôn 13. Đây là khu vực được UBND tỉnh cấp phép khai thác cho Công ty TNHH Hà Bình, nhưng Cty không quản lý nổi, để khai thác trái phép tràn lan. Nhưng chính các DN được cấp phép khai thác cũng đang gây tác hại không kém.

Công nhân của Công ty Trí Đức dùng sào gắn vòi hút sục vào bờ sông Krông Bông gây sạt lở.

Công nhân của Công ty Trí Đức dùng sào gắn vòi hút sục vào bờ sông Krông Bông gây sạt lở.

Tại đoạn sông qua thôn 6, 2 thuyền cát của Cty TNHH Cầu đường Trí Đức đang hoạt động hết công suất, một ở giữa dòng và một ở gần bờ. Trên chiếc thuyền gần bờ, 2 công nhân dùng sào gắn vòi hút chọc sâu vào bờ, khiến đất sập xuống ầm ầm. Phần đất liền kề phía trên cũng nứt toác, chỉ dùng chân đạp nhẹ cũng có thể xô xuống từng mảng lớn. Theo quan sát của chúng tôi, khúc sông dài khoảng 100m đã “ăn” vào bờ trung bình từ 10-15m, chỗ rộng nhất khoảng 25m và tiếp tục mở rộng.

Trong khi đó, đoạn sông Krông Ana dài 15,6km qua các xã Đray Bhăng, Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin) và xã Yang Ré (huyện Krông Bông) được cấp phép khai thác cho Cty TNHH Hưng Vũ và HTX Giang Sơn cũng đang sạt lở nghiêm trọng. Kết quả kiểm tra của Sở TNMT cho thấy có 50 điểm sạt lở, trong đó đoạn dài nhất 1.030m, sâu nhất từ bờ vào 100m, diện tích sạt lở lớn nhất 0,6ha.

Trong 50 điểm này, có 5 điểm có nguy cơ sạt lở cao nhất, trong phạm vi khai thác của DN. Theo Sở TNMT, nguyên nhân sạt lở do cấu tạo địa chất xung yếu, biến động dòng chảy, hoạt động khai thác cát lòng sông. Cả 3 nguyên nhân có sự cộng hưởng, gây nên hiện tượng sạt lở nghiêm trọng và diễn biến rất phức tạp.

Dân mất đất, đường tan hoang

Anh Võ Tá Hùng – thôn 6, xã Vụ Bổn – cho biết: “Nhà tôi có 4 sào đất trồng bắp cạnh bờ sông, từ khi Cty Trí Đức được cấp phép khai thác cát, đất sập xuống từng ngày, giờ một nửa diện tích đã trôi sông, nửa còn lại không dám gieo trồng vì chẳng biết nó rớt xuống sông lúc nào”. Ông Hùng chỉ là một trong hàng chục hộ dân ở thôn 6 bị “hà bá” nuốt đất canh tác, nhưng không làm gì được vì DN khai thác cát có phép đàng hoàng.

Ông Nguyễn Minh Loan, cán bộ xã Vụ Bổn cho biết: “Hễ chỗ nào có cát là Cty Trí Đức khai thác, họ không cần biết lòng sông hay gần bờ, do vậy cả đoạn sông dài hơn 10km chỗ nào cũng lở”. Ngoài sạt lở, việc vận chuyển cát của các DN còn tàn phá đường giao thông, cả hai con đường vào Vụ Bổn – từ xã Ea Kly và từ xã Ea Kuăng – đều tan nát, dân đi lại rất khổ sở. “Năm nào xã cũng chi ngân sách sửa chữa, nâng cấp đường giao thông, nhưng làm xong lại bị xe chở cát cày nát”, ông Chủ tịch UBND xã Vụ Bổn cho biết.

Ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Trưởng phòng TNMT huyện Krông Pắc thừa nhận: “Đường giao thông liên thôn, liên xã bị hư hại nhiều vì xe chở cát cơ bản là… xe quá tải” và cho rằng: “Để nạn cát tặc diễn ra rầm rộ như hiện nay, trách nhiệm đầu tiên thuộc về các DN không quản lý nổi phạm vi được cấp phép, chính quyền xã chưa làm tốt công tác quản lý, chậm báo cáo cấp trên để ngăn chặn”. Tuy nhiên, việc các DN làm sạt lở bờ sông Krông Bông còn cho thấy, không ít báo cáo đánh giá tác động môi trường lập ra chỉ để… đối phó.

Có thể bạn quan tâm:

Nguồn Báo lao động