Nhớ ngo…

Một người bạn đã lâu thật lâu chưa đến thăm Đà Lạt, một hôm hỏi rằng: giờ chợ Đà Lạt còn bán những bó củi màu vàng óng ánh, thơm thơm dùng để nhóm bếp than không ?

Câu hỏi gợi nhớ về một thời của Đà Lạt, thời của bếp củi, bếp than hồng ấm sực những chiều đông.

Loại củi mà bạn hỏi chính là củi ngo, tức lõi của cây thông lấy nhựa hay còn gọi là thông 2 lá. Không gì nhen bếp lửa bếp than nhanh bằng củi ngo, bếp củi thì chỉ cần một que củi chừng một ngón tay, que diêm bệt lên vừa chạm vào đầu que củi ngo, ngay lập tức que củi bùng lên một ngọn lửa mạnh mẽ, thơm tho; nhóm bếp than thì cần nhiều hơn, chừng 5 đến 7 que củi ngo, củi ngo xếp bên dưới vỉ lò, than để lên trên, một que diêm ném vào là ngọn lửa bùng lên nuốt trọn những cục than đen, biến chúng trở thành hồng rực.

images859710_DSC_0068

Hồi ấy, lấy củi ngo đem bán chủ yếu là những đồng bào dân tộc thiểu số sống ở những buôn làng xung quanh thành phố Đà Lạt. Thường là vào sáng chủ nhật những người dân tộc xuống phố, luôn luôn đi thành hàng một rất trật tự- thói quen của những người chuyên đi trong rừng- họ đi theo nhiều hướng, từ hướng Thái Phiên ra thì đi thành hàng bên bờ hồ Xuân Hương, từ hướng Langbiang ra thì thành hàng trên con phố xưa Phan Đình Phùng, từ Tà Nung ra thì theo trục đường bên thác Cam Ly, ngang qua nhà thờ Con Gà rồi rẽ xuống dốc, qua cầu ông Đạo vào chợ, những chiếc gùi trên vai của họ bao giờ cũng nặng trĩu cây củi ngo. Có hai loại củi ngo: một là loại củi ngo được chẻ nhỏ cỡ cồ tay, dài chừng 2 gang tay và được bó lại bằng dây rừng thành từng bó gọn gàng; hai là những tảng ngo to dày cỡ chừng 2 cục gạch được đồng bào dùng rìu đẽo gọt tròn trịa, láng mướt.

Ngày ấy, bùng binh chợ Đà Lạt là nơi đồng bào dân tộc tập trung ở đấy bày bán ngo, hoặc họ gùi những gùi ngo như thế len lỏi vào trong chợ, đi qua những dãy phố, ai cần thì gọi mua.

Đa phần dân địa phương chọn mua những bó củi ngo cho tiện nhóm bếp; còn những tảng củi ngo đã được đẽo gọt tròn trịa thì du khách mua nhiều hơn cho dễ mang đi xa, những khối củi ngo đưa về xứ khác cũng chỉ dùng vào việc nhóm bếp, và những người dân ở xứ không có cây thông gọi đấy là củi Đà Lạt.

images859711_20120613100644_7

Những buổi chiều đông lành lạnh, khi nhiều nhà cùng nhen bếp nấu cơm, mùi củi ngo bốc lên thơm phức, khói ngo, khói than tỏa ra góp thêm chút bảng lảng cho những buồi chiều…

Nhiều năm đã trôi qua, cuộc sống đã khác đi, những bếp than bếp củi giờ chỉ còn lác đác trong thành phố, củi ngo cũng dần dần bị quên lãng, cũng chẳng mấy khi thấy những chiếc gùi đựng củi ngo đi trên phố nhiều như ngày xưa nữa.

Thông vẫn còn đó, nhưng củi ngo đã chẳng còn nhiều để tỏa mùi thơm cả một góc phố góc chợ. Trong những gian bếp, bếp điện, bếp ga, bếp từ đã thay thế cho những cái bếp than bếp củi ngày xưa, những nồi niêu xoong chảo giờ lúc nào cũng bóng loáng chứ không ám khói đen đúa như xưa…sắc màu của sự hiện đại, đủ đầy.

Mùi thơm của củi ngon, ánh hồng của lửa, chút ràn rụa của khói củi khói ngo một thời đã tạo nên những cung bậc bổng trầm trong lòng người, khắc thành những ký ức, để một chiều đông xa xứ, ngồi nhớ những hàng thông, nhớ những con dốc quanh co mà thèm được ngửi thấy mùi ngo năm nào.

Nguồn Baolamdong.vn