Nhân tố kích thích đầu tư

Chỉ 5 ngày trước chuyến công du Châu Á (20-3) trong đó có Việt Nam của Tổng thống Chile Sebastian Pinera, ngày 15-3 vừa qua, Quốc hội Chile đã thông qua Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Chile với Việt Nam. Hiệp định có hiệu lực ngay đã mở ra cơ hội mới, một thị trường mới cùng những thuận lợi và những khó khăn mới với các doanh nghiệp Việt Nam cũng như Chile.

beancoffeecup

Khi FTA giữa hai nước chính thức có hiệu lực, cà phê Việt Nam xuất khẩu sang Chile sẽ đánh thuế suất thấp.

Hiệp định Thương mại tự do trong lĩnh vực hàng hóa (FTA) Việt Nam – Chile đã được ký chính thức giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Chile Sebastian Pinera, bên lề Hội nghị Cấp cao APEC diễn ra tại Hawaii, Mỹ vào ngày 11-11-2011, sau 3 năm đàm phán. Theo đó, Chile cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 99,62% số dòng thuế trong thời gian 10 năm. Trong đó 83,54% số dòng thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hạ xuống 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực. Trong 5 năm sau khi hiệp định có hiệu lực, 537 dòng thuế (chiếm 6,96% số dòng thuế cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào Chile) sẽ được hạ xuống 0%, trong khi 704 dòng thuế khác, chiếm 9,12%, sẽ được hạ về 0% trong vòng 10 năm. Đối với hàng hóa nhập khẩu từ Chile, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 87,8% số dòng thuế trong vòng 15 năm. Trong vòng 3 năm sau khi hiệp định có hiệu lực, hai nước sẽ dành cho nhau các ưu đãi trong lĩnh vực đầu tư và dịch vụ. Như vậy, một khi FTA có hiệu lực, Chile có thể xuất sang Việt Nam với ưu đãi thuế quan các sản phẩm như thịt lợn, trái cây và nước trái cây. Ngược lại, Việt Nam có thể xuất sang Chile các sản phẩm như giày dép, gạo, hàng dệt may và cà phê với thuế suất thấp.

Trước việc FTA Chile – Việt Nam được thông qua, Thượng nghị sĩ Chile José García Ruminot khẳng định sự kiện này đánh dấu một cột mốc trong quan hệ thương mại giữa hai nước và củng cố chiến lược hội nhập mậu dịch của Chile tại Châu Á. Ông Ruminot cũng cho rằng đối với Việt Nam, Chile có thể đóng vai trò đầu cầu để xuất khẩu sang các nước Mỹ Latin khác. Tương tự như vậy, Việt Nam cũng là một đầu cầu “tuyệt vời” để các sản phẩm của Chile tới được các thị trường khác ở Đông Nam Á.

Thực tế, trong những năm gần đây trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Chile đã đạt mức kỷ lục. Theo thống kê của Cơ quan Xúc tiến thương mại trực thuộc Bộ Ngoại giao Chile (ProChile), trong năm 2011, Việt Nam đã xuất sang quốc gia Nam Mỹ này hàng hóa trị giá 149,56 triệu USD, trong khi nhập khẩu ở mức 337,28 triệu USD, tăng tương ứng 42,84% và 47,89% so với năm 2010 và là mức cao nhất từ trước tới nay. Việt Nam cung cấp cho Chile phần lớn là giày dép, cá, cà phê, áo sơ mi và áo jacket, máy in và sợi. Trong khi đó, Việt Nam nhập của Chile chủ yếu là đồng, sản phẩm mà Chile là nước sản xuất và xuất khẩu lớn nhất thế giới. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập gỗ, hải sản, dầu cá, sắt thép phế liệu, rượu vang và nho. Trao đổi thương mại giữa hai nước chỉ ở mức 2,59 triệu USD năm 1993, đã tăng lên 18,81 triệu USD năm 2000. Năm 2010, kim ngạch mậu dịch hai chiều đạt 329,2 triệu USD, tăng hơn 17 lần so với 10 năm trước đó.

Đại sứ Chile tại Hà Nội Fernando Urrutia dự đoán kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước sẽ tăng lên 1 tỷ USD trong tương lai gần. Do đó việc thông qua FTA sẽ là nhân tố kích thích, mở ra cơ hội cho cả hai bên trong trao đổi thương mại, đồng thời sẽ tăng hoạt động đầu tư của Chile vào Việt Nam.

Nguồn HNM