Những năm gần đây, vải thiều là cây trồng được nhiều người dân ở huyện Krông Pắk lựa chọn để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, người trồng vải ở đây đang đối diện với nguy cơ mất mùa vải, thiệt hại về kinh tế.
Nhắc đến gia đình ông Nguyễn Duy Tiên ở thôn 12A (xã Ea Kly) không ai không biết bởi ông là người tiên phong trong việc mang giống vải thiều từ quê hương Bắc Giang vào Đắk Lắk trồng. Vườn vải của gia đình ông Tiên rộng 8.000 m2 trồng giống vải u trứng Bình Khê, Quảng Ninh được ghép từ năm 2013, là giống vải cho năng suất cao. Năm ngoái, nhờ thời tiết thuận lợi, gia đình ông Tiên thu được gần 1 tỷ đồng từ vườn vải. Năm nay, do thời tiết nắng nóng, đã gần tới thời điểm thu hoạch nhưng các cây vải chỉ lác đác quả, ông Tiên ước tính thiệt hại khoảng từ 30 – 40% năng suất so với mọi năm.
Gia đình anh Nguyễn Duy Tân ở thôn 12A (xã Ea Kly) có trên 200 cây vải từ 15 – 20 năm tuổi được trồng trên diện tích khoảng 1 ha cũng chịu cảnh tương tự. Năm 2018, vải được mùa, được giá, gia đình anh Tân thu hoạch hơn 15 tấn quả. Với giá thương lái ở Lâm Đồng đặt cọc mua tận vườn là 50.000 đồng/kg, cộng với tiền chiết, ghép cành vải bán cho người dân về trồng (70.000 đồng/cây), gia đình anh Tân thu về một số tiền không nhỏ. Tuy nhiên, vụ vải năm 2019 ước tính năng suất vải chỉ bằng một nửa so với năm ngoái.
Ông Nguyễn Duy Tiên, thôn 12A (xã Ea Kly, huyện Krông Pắk) chăm sóc vườn vải.
Ông Nguyễn Văn Nam, Bí thư Đảng ủy xã Ea Kly cho biết, toàn xã có gần 30 ha vải, đa phần đều mất mùa khoảng 30 – 70% so với mọi năm. Nguyên nhân chủ yếu là do biến động về khí hậu, nắng nóng kéo dài, rét đến muộn dẫn đến xáo trộn về sinh trưởng của cây vải thiều. Trong thời kỳ cây vải ra hoa, từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 2, thời tiết nắng ấm, không đủ độ rét để cây ủ mầm hoa. Những cây vải ra được hoa thì yếu, thêm vào đó gặp thời tiết nắng nóng, khô hanh của tháng 3 khiến cây vải không ra được quả.
Không chỉ xã Ea Kly, tại xã Ea Kuăng nhiều hộ dân cũng “đứng ngồi không yên” vì vải mất mùa. Bà Khổng Thị Loan ở thôn Nghĩa Lập hiện có 1.500 m2 vải thiều từ 10 – 30 năm tuổi. Hằng năm, vườn vải thiều cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Trồng vải ít tốn công chăm sóc và vốn đầu tư như các cây trồng khác nên bà Loan quyết định mở rộng thêm 5.000 m2 trồng vải. Thế nhưng trước diễn biến phức tạp của thời tiết, năm nay vườn vải của bà Loan chỉ đạt khoảng 40% năng suất so với mọi năm. “Hay tin vải thiều mất mùa, nhiều thương lái chủ động đến đặt mua trọn vườn vì sợ thiếu nguồn hàng cung cấp, nhưng hiện người dân quanh vùng vẫn chưa thỏa thuận bán vì có thể giá vải sẽ tăng mạnh so với mọi năm, tránh gây thiệt hại kinh tế cho người trồng vải” – bà Loan chia sẻ.
Ông Đoàn Doãn Toản, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Pắc cho biết, cây vải thiều được một số nông dân trên địa bàn mang từ Bắc Giang, Hải Dương vào trồng cách đây khoảng 30 năm. Toàn huyện hiện có gần 50 ha vải được trồng chủ yếu tại các xã Ea Kly, Ea Kuăng và thị trấn Phước An. Những năm gần đây, vải là loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao nên đang được nông dân tiếp tục mở rộng diện tích. Tuy nhiên, do đặc điểm thời tiết vùng Tây Nguyên diễn biến thất thường nên Phòng NN-PTNT huyện khuyến cáo người dân không mở rộng ồ ạt diện tích trồng vải trên địa bàn huyện, đồng thời tham mưu cho UBND huyện có hướng hỗ trợ về vốn, giống, kỹ thuật cho người trồng vải để đạt hiệu quả kinh tế cao.
“Vải là loại cây trồng rất phù hợp với vùng đất Tây Nguyên, là hướng sản xuất mới cho các hộ gia đình làm nông nghiệp trên địa bàn huyện Krông Pắc. So với các cây trồng khác thì cây vải dễ trồng, dễ thu hoạch, ít tốn công chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao. Nhờ vải thiều nhiều hộ khó khăn trên địa bàn huyện đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống”- Ông Đoàn Doãn Toản, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Pắk.