Mặc dù nằm ngoài quy hoạch cây trồng của chính quyền địa phương nhưng người dân tỉnh Đắk Lắk vẫn chuyển đổi nhiều diện tích để trồng cây sachi.
Người dân tại xã Ea Tam, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) chăm sóc vườn sachi. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN
Điều này dẫn đến đầu ra của cây sachi không ổn định, giá cả sụt giảm và gây khó khăn cho người trồng.
Cây sachi được người dân Đắk Lắk trồng phổ biến từ năm 2017, sau khoảng 6-8 tháng cho thu hoạch hạt.
Theo các hộ dân trồng sachi, thời kỳ cao điểm vào năm 2017 đến đầu 2018, hạt sachi có giá bán dao động từ 170.000 – 180.000 đồng/kg hạt.
Tuy nhiên từ cuối năm 2018 đến nay, đầu ra của sản phẩm trở nên khó khăn, giá sachi giảm sút mạnh chỉ còn khoảng 20.000 – 25.000 đồng/kg hạt gây thiệt hại kinh tế cho người trồng.
Tháng 3/2018, gia đình ông Nông Văn Thiếp, trú tại xã Ea Tam, huyện Krông Năng đã chuyển đổi một số diện tích hồ tiêu bị chết sang trồng 200 gốc sachi với hy vọng tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế.
Theo ông Thiếp, đến cuối năm 2018, cây sachi bắt đầu cho thu hoạch thì giá hạt sachi bị “tụt dốc không phanh” từ 180.000 đồng/kg xuống còn 20.000 đồng/kg khiến người trồng sachi gặp không ít khó khăn.
“Người dân chỉ biết trông chờ vào chính quyền địa phương và cơ quan chức năng liên kết, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, ổn định giá cả để sớm gỡ khó cho người trồng sachi” ông Thiếp nói.
Anh Lương Văn Đạo, chủ một điểm thu mua hạt sachi tại xã Ea Tam, huyện Krông Năng cho biết, từ cuối năm 2018 đến nay đầu ra của hạt sachi không ổn định, giá sachi liên tục giảm sâu khiến người trồng và các điểm thu mua đều gặp khó trong khâu tiêu thụ sản phẩm.
Cũng theo anh Đạo, hiện điểm thu mua của anh chỉ thu mua hạt sachi với số lượng ít để san sẻ khó khăn với người trồng và trên thực tế thu mua hạt sachi về cũng không biết bán lại cho ai vì phụ thuộc vào thương lái tự do.
Ông Lê Rế, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Năng cho biết, hiện trên địa bàn huyện có gần 100 ha trồng sachi, tất cả diện tích này đều do người dân trồng tự phát.
Cơ quan chức năng đã khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích trồng cây sachi khi chưa có thị trường tiêu thụ ổn định.
Bên cạnh đó, khi người dân hợp tác trồng sachi với các công ty sản xuất, chế biến sachi cần có hợp đồng sản xuất và thông qua chính quyền địa phương kiểm soát để đảm bảo quyền lợi cho người trồng.
Bà Vũ Thị Thanh Bình, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk cho hay, sản phẩm từ cây sachi tại Đắk Lắk chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, quy trình chế biến, sản xuất cũng chưa hình thành.
Vì vậy, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích ồ ạt, chỉ trồng khảo nghiệm ở các diện tích nhỏ, tránh thiệt hại cho người trồng khi cung vượt quá cầu.
Theo Tiến sĩ Phạm Công Trí, Trưởng Bộ Môn Hệ thống Nông lâm nghiệp (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên), sachi là cây trồng mới, thích ứng tốt với khí hậu vùng Tây Nguyên nên cần có thời gian để nông dân nắm bắt, làm chủ kỹ thuật canh tác để đạt năng suất cao và đem lại hiệu quả kinh tế thật sự.
Tuy nhiên, do thị trường tiêu thụ chưa ổn định nên nông dân không nên mở rộng diện tích ồ ạt tránh những rủi do về kinh tế.
Cũng theo Tiến sĩ Phạm Công Trí, hiện nay công nghệ chế biến hạt sachi sau thu hoạch chưa hình thành tại Đắk Lắk, đầu ra của sản phẩm vẫn còn bỏ ngỏ.
Tuy nhiên với sự thích ứng tốt khí hậu vùng Tây Nguyên, cây sachi có những lợi thế nhất định, hạt sachi có làm lượng dinh dưỡng cao thì đây là một cây trồng có thể mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế tương lai.
Việc phát triển cây sachi cần thận trọng, nông dân phải được trang bị đầy đủ kỹ năng canh tác, chọn giống đảm bảo chất lượng, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tập huấn, định hướng phát triển cây sachi để đem lại hiệu quả kinh tế cho người trồng.
Sachi là cây trồng có nguồn gốc từ Nam Mỹ, hạt sachi có hàm lượng dinh dưỡng cao, chứa các axit béo, Omega3, Omega9…
Tại Đắk Lắk, sachi được trồng tập trung tại các huyện Krông Búk, Krông Pắc, Krông Năng, Ea Kar, thị xã Buôn Hồ… với tổng diện tích hơn 200 ha./.