Người trồng mía Ea Pil đang gặp khó

Do ảnh hưởng của mưa bão, đặc biệt là cơn bão số 12, hàng nghìn héc-ta mía sắp thu hoạch của bà con nông dân ở xã Ea Pil (huyện M’Đrắk) bị hư hỏng, nhiều gia đình có nguy cơ lâm vào cảnh trắng tay…

Vào thời điểm này năm ngoái, không khí thu hoạch mía của người dân ở xã Ea Pil (M’Đrắk) rất nhộn nhịp vì được mùa, được giá. Còn năm nay, không khí khá ảm đạm vì người dân đang lo lắng giá cả, năng suất sẽ giảm, trong khi chi phí nhân công thu hoạch tăng cao vì ảnh hưởng mưa bão.

Trồng mía đã hơn 20 năm, nhưng chưa năm nào gia đình ông Ngô Minh Tiến (ở thôn 11) lại thấp thỏm như năm nay khi mà 6 ha mía của gia đình bị bão số 12 quật ngã, không có cách gì khắc phục trong khi chỉ còn một thời gian ngắn nữa là đến vụ thu hoạch. Ông Tiến tâm sự, ông sinh sống ở vùng đất này từ năm 1995 song chưa bao giờ chứng kiến cơn bão nào mạnh như thế. Ngay khi bão vừa tan, ra thăm ruộng mía của gia đình, nhìn những cây mía cao to đổ rạp ông không khỏi xót xa. “Cây mía đã bị đổ ngã sẽ giảm năng suất, giảm chữ đường, công chặt lại cao, mất đủ thứ”, ông Tiến nghẹn ngào.

dak-lak-nguoi-trong-mia-ea-pil-dang-gap-kho

Người dân xã Ea Pil thu hoạch mía niên vụ 2016-2017.

Tương tự, nhiều hộ trồng mía ở thôn 2 cũng đang lao đao khi mỗi hộ có tới vài chục héc-ta mía bị cơn bão số 12 làm gãy đổ. “Tốn bao công sức, tiền của đầu tư vào ruộng mía, chỉ sau một đêm bao nhiêu hy vọng bỗng chốc tiêu tan. Không riêng gia đình tôi mà hàng trăm héc-ta mía ở thôn 2 này đều bị đổ, trừ một số diện tích mía trồng muộn. Thiệt hại quá lớn”, ông Phạm Văn Chỉnh chua xót.

Theo thống kê của UBND xã Ea Pil, toàn xã có 2.900 ha mía thì có tới 2.650 ha mía bị cơn bão số 12 quật đổ (chiếm 91,4% diện tích) với mức thiệt hại khoảng 30%. Tất cả 14 thôn trên địa bàn xã có trồng mía đều bị ảnh hưởng, trong đó một số thôn bị thiệt hại nặng nề như: thôn 1 (470 ha), thôn 3 (395 ha), thôn 11 (350 ha)… Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Pil cho biết: Cơn bão số 12 vừa qua khiến địa phương thiệt hại khá nặng nề khi có một người bị thương, 25 nhà bị tốc mái và hư hỏng, nhiều gia súc, gia cầm chết… Đối với các loại cây trồng, ngoài cây mía còn có hơn 17 ha cà phê, 43 ha nhãn, 520 ha ngô, gần 6.400 trụ tiêu bị đổ và hư hỏng…

Theo ông Cảnh, đối với mía khi bị đổ ngã sẽ làm cho cây ra rễ ở các lóng nằm gần hoặc tiếp xúc với mặt đất, còn chồi nách thì phát triển mạnh ở các lóng phía trên. Vì vậy, tốc độ sinh trưởng bị suy giảm, thậm chí là ngừng trệ, dẫn tới năng suất, chất lượng mía giảm đáng kể, nhất là đối với các ruộng mía bị đổ ngã khi đã bước vào thời kỳ tích lũy đường. “Tuy còn thu hoạch được, nhưng người trồng mía sẽ lỗ nặng vì năng suất giảm, chi phí thu hoạch tăng. Cứ cho rằng công ty thu mua mía với giá cao như năm ngoái (trên 900.000 đồng/tấn, mỗi héc – ta bà con thu lãi khoảng 25 triệu đồng) thì năm nay do bị thiệt hại 30%, người trồng mía mất đứt 8 triệu đồng/ha. Đem số tiền này nhân với hơn 2.650 ha mía bị thiệt hại sẽ là một con số rất lớn”, ông Cảnh phân tích.

dak-lak-nguoi-trong-mia-ea-pil-dang-gap-kho

Một ruộng mía của người dân ở thôn 1 (xã Ea Pil) bị hư hại nặng do bão số 12. Ảnh: T. Long

Theo tìm hiểu, để có tiền đầu tư trồng mía, hầu hết người dân ở xã Ea Pil đều vay vốn ngân hàng hoặc vay mượn bên ngoài nên thiệt hại do cơn bão số 12 gây ra là rất lớn. Sau khi bão 12 đi qua, UBND xã Ea Pil đã báo cáo tình hình thiệt hại với UBND huyện nhằm tìm biện pháp hỗ trợ, như: đề xuất các ngân hàng giãn nợ cho người trồng mía; các nhà máy đường có cơ chế, chính sách hỗ trợ, đưa máy móc vào thu hoạch để giúp người dân giảm bớt chi phí… Tuy nhiên, đã hơn một tháng trôi qua, đến nay người dân xã Ea Pil vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ của cấp trên nên vẫn còn đầy ắp những nỗi lo.