Người trồng cà phê Colombia đình công vô thời hạn

Những người trồng cà phê tại Colombia ngày 25/2 đã bắt đầu cuộc đình công trên toàn quốc kéo dài vô thời hạn đòi chính phủ tăng đầu tư trong bối cảnh ngành này gặp khó khăn do giá cà phê và sản lượng giảm và đồng nội tệ tăng giá.

bieu-tinh-Colombia

Đây là cuộc đình công toàn quốc đầu tiên kể từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước, với sự tham gia của toàn bộ 20 tỉnh trồng cà phê trong tổng số 32 tỉnh của Colombia.

Ông Oscar Gutiérrez, điều phối viên của Hiệp hội cà phê quốc gia (UCN), tuyên bố nông dân sẽ không thu hoạch và kinh doanh cà phê trong thời gian diễn ra đình công.

Cách đây một năm, nông dân thu được 800.000 peso (444 USD) từ mỗi bao cà phê (loại bao 125 kg), nhưng hiện nay chỉ được nhận 550.000 peso (305 USD) và được Nhà nước hỗ trợ mỗi bao 60.000 peso (33,3 USD). Theo ông Gutiérrez, sự trợ giá của chính phủ là không đủ vì để có lãi, người trồng cà phê phải được nhận tối thiểu là 850.000 peso (472 USD) mỗi bao.

Ngành cà phê là một trong những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đồng peso tăng giá so với đồng USD (tăng 9% trong năm 2012) mặc dù Ngân hàng trung ương đã có biện pháp can thiệp.

Cuộc đình công đe dọa mục tiêu thu hoạch ít nhất là 10 triệu bao cà phê (loại bao 60 kg) trong năm 2013, sau 4 năm ngành này không hoàn thành mục tiêu sản lượng do thời tiết bất lợi và phải cải tạo diện tích cà phê già cỗi.

Colombia -nước sản xuất cà phê lớn thứ 4 thế giới, sau Brazil, Việt Nam và Indonesia- năm ngoái chỉ thu hoạch 7,74 triệu bao, ít nhất trong 3 thập kỷ qua.

Trong khi đó, chính phủ cho rằng hành động phản đối trên là không hợp lý và khẳng định chính phủ sẵn sàng đối thoại với các nhà sản xuất.

Theo Tổng thống Juan Manuel Santos, từ khi ông lên nắm quyền tháng 8/2010, chính phủ đã đầu tư khoảng 555 triệu USD cho ngành cà phê, vì vậy cuộc đình công không chỉ là “không phù hợp, không cần thiết” mà còn là “bất công”.

Ông cho biết sự hỗ trợ bằng tiền cho những người sản xuất cà phê được áp dụng từ tháng 11 năm ngoái và kết thúc vào ngày 31/7 tới có thể được kéo dài hết năm nếu giá cà phê trên thị trường quốc tế không cải thiện.

Cùng ngày, chính phủ Colombia đã thành lập một ủy ban, với sự tham gia của đại diện những người trồng cà phê và cả các nhà khoa học, để tìm kiếm giải pháp cho cuộc đình công này.

Tổng thống cảnh báo sẽ không cho phép những người đình công phong tỏa đường sá cũng như chiếm trụ sở các cơ quan của chính phủ. Tuy nhiên, trên thực tế, nông dân đã cắt một số tuyến đường giao thông huyết mạch của nước này. Theo nguồn tin báo chí, ít nhất đã có 20 người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và những người biểu tình trong ngày đình công đầu tiên.

Cà phê từng là biểu tượng của nền kinh tế Colombia và trong hơn 50 năm luôn là mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của quốc gia Nam Mỹ này. Thế nhưng hiện nay sản phẩm này chỉ là một trong những nguồn thu ngoại tệ quan trọng nhất. Tuy vậy, cà phê vẫn là ngành sử dụng nhiều lao động nhất, vì là nguồn sống của khoảng 560.000 gia đình Colombia.

Nguồn Baotintuc.vn