Người Tây Nguyên “mê” nhạc cụ đồ đồng

Suốt chiều dài lịch sử dân tộc, người Tây Nguyên đã sử dụng cồng chiêng và trống đồng trong đời sống sinh hoạt văn hóa từ rất lâu. Họ không đúc được cồng chiêng và trống đồng nhưng lại đam mê, trao đổi và sử dụng khá hoàn hảo.

Lấy của cải đổi cồng chiêng

Với niềm đam mê nhạc khí đồ đồng, người Tây Nguyên đã vượt qua những chặng đường núi rừng trùng điệp hiểm nguy của thiên nhiên khắc nghiệt để tìm cồng chiêng ở nhiều nơi trên đất nước, thậm chí cả Lào và Campuchia.

Phương tiện trao đổi cồng chiêng lúc này vẫn là sản phẩm nông nghiệp, như các loại lâm sản lấy từ rừng và sau này là trâu, bò, voi… Vì vậy, với người Tây Nguyên cồng chiêng không những thể hiện giá trị tâm linh, giá trị về mặt nghệ thuật âm nhạc mà có cả giá trị kinh tế. Nhà nào nhiều cồng chiêng là có vị thế về kinh tế trong xã hội.

Nếu gia đình không đủ khả năng mua cồng chiêng thì cả dòng họ góp của cải mua chung. Theo thời gian, người Tây Nguyên đã để lại một kho tàng cồng chiêng đồ sộ có giá trị lịch sử, văn hóa, kinh tế và nghệ thuật trong nền âm nhạc dân tộc và nhân loại; thể hiện tình yêu âm nhạc sâu sắc thông qua khí cụ đồ đồng từ buổi bình minh của lịch sử loài người cho đến ngày nay.

6
Các nhà nghiên cứu cho rằng, người Tây Nguyên thường gọi chiêng Lào, chiêng Kúr, chiêng Joăn… bởi nó có nguồn gốc xuất xứ từ nhiều nơi: Khái niệm về chiêng Lào là có nguồn gốc từ nước Lào, thông qua trao đổi, buôn bán với thương nhân hoặc chủ nhân của cồng chiêng rồi về Tây Nguyên. Chiêng Kúr được đưa từ Thái Lan qua, cũng từ con đường trao đổi, buôn bán.

Riêng chiêng Joăn có xuất xứ ở đồng bằng Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ (vì khảo cổ học đã tìm thấy các sản phẩm đồ đồng, trống đồng thuộc nền văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh, Gò Mun khoảng 3000 năm đến thế kỷ 2 sau Công nguyên, phân bố khắp miền Bắc và miền Trung). Sau này (thế kỷ 18) làng nghề đúc đồng Phước Kiều (Quảng Nam) cũng cho ra nhiều sản phẩm cồng chiêng có giá trị nghệ thuật âm nhạc in đậm sắc thái cồng chiêng Tây Nguyên.

Bên cạnh kho tàng cồng chiêng đa dạng và đồ sộ, người Tây Nguyên cổ đại đã sử dụng trống đồng Đông Sơn trong nền âm nhạc dân tộc. Tại Đắk Lắk, huyện Krông Pắk, năm 1998 phát hiện 1 trống thuộc loại Hêgơ I (niên đại khoảng 2 thiên niên kỷ); huyện Eakar, năm 1996 phát hiện 1 trống loại Hêgơ II (trên dưới 2.000 năm); huyện Krông Ana, năm 1985 phát hiện 1 trống thuộc loại Hêgơ III (thế kỷ 15). Ngoài ra, người ta còn phát hiện nhiều trống nằm rải rác ở Gia Lai: 2 trống, Kon Tum 2 trống và Lâm Đồng 3 trống (2 trống lưu giữ tại Tòa Giám mục và 1 trống tại Bảo tàng tỉnh)… Nâng số lượng trống phát hiện ở Tây Nguyên lên hơn 20 chiếc.

Như vậy, người Tây Nguyên đã sử dụng trống đồng Đông Sơn khoảng 2000 năm và xuyên suốt đến thời kỳ cận đại; thể hiện tinh thần ngưỡng mộ nhạc khí đồ đồng, mà trống đồng là tài sản có giá trị trong mỗi gia đình và dòng họ.

Việc phát hiện răng và xương người cùng với mảnh vỡ vòng tay, hạt chuỗi trong lòng trống đồng ở Đắk Lắk năm 1996, góp phần minh chứng cho giả thuyết trống đồng Đông Sơn đã được người Tây Nguyên đưa về làm của cải riêng. Khi thành viên trong gia đình qua đời, họ chôn trống cùng với người chết theo phong tục chia của trong mai táng của người bản địa.

Chỉnh chiêng của người thành chiêng của mình

Cồng chiêng trước khi được đưa về, các thang âm còn mang tính nguyên bản, chưa phù hợp với lối chơi và hưởng thụ âm nhạc của người Tây Nguyên. Vì vậy, họ chủ động chỉnh sửa âm thanh theo ý thích của mình; sáng tạo và định hình các giai điệu âm hưởng phù hợp với cuộc sống núi rừng, hòa quyện với thiên nhiên hoang dã.

Ở người M’nông, Mạ… thường dùng vật cứng cà lên mặt chiêng, một số dân tộc khác lại dùng búa nhỏ bằng kim loại tra vào các vị trí khác nhau trên mặt chiêng để chỉnh độ dày, mỏng rồi cho ra các thang âm cơ bản (âm gốc). Mỗi bộ cồng chiêng đều lấy thang bồi (âm ngọn) – nguồn âm tự nhiên để thiết lập thang âm cho dàn cồng chiềng đó.

Tuy nhiên, bản chất cồng chiêng vốn là nhạc khí đa âm, bên cạnh âm cơ bản có thể là thang 3 âm, 5 âm hay 6 âm còn kèm nhiều âm phụ, rồi từ âm phụ cho ra các sắc âm phù hợp với từng dân tộc. Như vậy, từ dàn cồng chiêng của cư dân các vùng khác, người Tây Nguyên đã tu chỉnh âm sắc theo ý thích và sở trường của dân tộc mình thành một hệ âm sắc khá hoàn hảo cả về tiết tấu lẫn giai điệu, có sức chuyển tải mạnh mẽ, hấp dẫn, thuyết phục lòng người.

Gìn giữ và bảo tồn cồng chiêng

Người Tây Nguyên xem cồng chiêng là vật linh của gia đình, dòng họ và buôn làng. Họ sử dụng và bảo lưu cồng chiềng theo phong tục tập quán huyết thống gia đình hoặc dòng họ, nhưng điển hình vẫn là cách thức cha truyền con nối như ở người Kinh và một số dân tộc khác. Khi sử dụng xong, chủ nhân cất cồng chiêng ở nơi trang trọng, như treo ở phòng khách, xếp dài trên ghế (Kpan). Một số dân tộc khác lại gác trên sàn bếp… Nhưng dù cách nào thì người Tây Nguyên cũng đều mong muốn cồng chiêng được an toàn, được thần chiêng (yang chinh) chứng kiến lòng thành phù hộ điều tốt lành cho gia đình, dòng họ và bon làng.

Những năm gần đây, đồng bào Tây Nguyên chú trọng lưu giữ, chỉnh sửa âm thanh của cồng chiêng. Nhiều nơi cồng chiêng được cất giữ trong nhà văn hóa cộng đồng thôn, bon như trong mái nhà rông của đồng bào bản địa ngày xưa. Địa phương nào cũng có nghệ nhân dạy đánh cồng chiêng, truyền đạt các bài chiêng truyền thống. Điều này thể hiện thêm niềm đam mê nhạc khí đồ đồng cũng như giá trị của cồng chiêng trong tâm hồn người Tây Nguyên bản địa.

Có thể bạn quan tâm:

Nguồn Baodaknong.org.vn