Người đàn ông “dời non san núi” trên đỉnh Đắk Pét

Đó là một người đàn ông Giẻ Triêng đã dám làm cái việc dời non san núi chỉ bằng đôi bàn tay trần của mình. Chẳng mấy người được biết đến chuyện Ngu Công (chuyện Ngu Công dời núi – PV) trong thần thoại, nhưng có một “Ngu Công” thật thời hiện đại đã dám làm cái việc ấy. Bây giờ, cả núi rừng Tây Nguyên người ta vẫn thường nhắc đến tên ông như một sự phi thường.

1511df369e8a38.img_

Ông thầy giáo đào đất

Nhiều người dân dưới chân núi Đắk Pét cứ thì thào bảo nhau về cái việc động trời của A Nhái ở làng Đak Dền (xã Đắk Pét, huyện Đắk Glei, Kon Tum) khi cứ hì hụi đào đất, phá đá lấy đó làm vui. Niềm vui của A Nhái không phải “dở người” như cái cách ban đầu người Giẻ Triêng ở đây vẫn thường truyền tai nhau. Niềm vui ấy nằm ở những quả đồi được A Nhái canh tác, là những ao cá trên lưng chừng núi được A Nhái dẫn nước vào…

Đắk Pét hồi mới giải phóng, cán bộ đã xuống vận động làm lúa nước rồi, thế nhưng trầy trật mãi mấy mùa cũng không nên việc. Người ta nói đủ lý do nhưng thực ra là ai cũng sợ lời ông bà, sợ Yang nên không dám làm. A Nhái được đi học, được làm thầy giáo, thấy cái nghèo, cái khổ cứ đeo mãi người làng mình thì buồn lòng lắm. A Nhái thầm nghĩ:

“Làm cây lúa mà còn không nên thì chẳng còn ai dám mơ tới làm giàu nữa. Mình được đi học, mình phải giúp mình và giúp người dân làng Dền này hết nghèo, hết đói mới được”. Nghĩ thế, A Nhái bắt cái tay phải làm, cái chân phải đi…

Hồi mới bắt đầu, ai cũng bảo A Nhái bị “điên”, bởi núi rừng Đắk Pét này đâu thiếu gì đất, đâu thiếu gì cây mà phải làm cái việc tốn công nhọc sức ấy. Nhiều người làng đã trợn mắt ngạc nhiên khi thấy A Nhái sau mỗi buổi lên lớp lại vác cuốc ra bên núi hì hụi đào, cuốc đến lúc trời tối mịt mới trở về.

Sáng sớm tinh sương khi con gà trên đầu buôn chưa kịp gáy đã nghe tiếng cuốc của A Nhái rồi. Con mắt của người làng đã quen quá rồi, vậy mà mỗi lần thấy A Nhái vác cuốc đễn chỗ “công trình” của mình, người làng Dền vẫn không dừng được cái chép miệng.

Người Giẻ làng Dền nghĩ thế, nhưng ai cũng háo hức chờ đợi xem cái “công trình” mà A Nhái làm cặm cụi năm này qua năm khác nó ra làm sao. Còn A Nhái thì kệ người làng Dền nói. Nói qua nói lại cũng vậy thôi. Ý A Nhái đã quyết, lòng A Nhái đã định, tay A Nhái đã làm.

Trong đầu A Nhái đã tính phải đắp một con đập đầu khe rồi đào hai con mương thoát nước. Con bên phải 500 mét, con bên trái 200 mét rồi kéo đất hai đồi xuống lấp bằng con khe. Đếm hết cây trên núi Đắk Dền chưa khó bằng nhưng đầu A Nhái như đã có lõi cây xà nu cắm chắc:

“Đừng kể tháng kể năm, cứ khi nào nên việc thì thôi. Không có ruộng nước, cứ làm lúa nương nhờ vào cái đất, cái nước như ông bà mình thì cái đói còn đeo bám mãi. Kệ người làng nói, mình cứ làm thôi!”…

Vợ A Nhái thấy chồng làm cái việc ngược đời, ban đầu cũng giãy nảy lên. Nhưng rồi khi thấy chồng cực khổ quá, lại được chồng “vận động” nên vợ Nhái cũng xuôi. Thế là ngày ngày công việc bắt đầu từ lúc con gà xuống đất đi ăn đến khi con gà ăn no lên chuồng đi ngủ, hai vợ chồng A Nhái mới về.

Những ngày A Nhái phải lên lớp dạy cái chữ cho con em trong buôn thì làm từ trưa cho đến lúc nhọ mặt người mới về. Mà cái ngọn Đắk Pét này đất đồi lắm đá, gốc cây dày như cắm chông, lại xen lẫn những tảng đá to hơn người.

Ngày qua ngày A Nhái một mình, lúc thì cùng vợ hì hụi vần đá, chặt rễ. Có những tảng đá to quá, Nhái phải dùng búa đập bớt mới vần nổi. Gốc cây thì toàn gỗ chắc trơ lại, búa chặt vào bật ra như chém đá… Chỉ dám dừng lại hút điếu thuốc rê rồi lại làm việc ngay, thế mà ngày được việc nhất đo lại cũng chỉ vuông được hai sải tay. Ngày gặp đá to, gốc lớn thì chỉ bằng chỗ con trâu đằm. Những ngày ấy A Nhái như bị ai rút hết xương rồi dìm xuống bùn mà lôi lên, người mỏi nhừ, nhấc chân nhấc tay không nổi.

Vợ A Nhái thấy chồng cực khổ quá bèn lén đi thuê người. Chẳng ai chịu làm thì chớ, người ta lại còn gièm pha: “Thằng Nhái bảo nước chảy đá cũng phải mòn thì cứ để nó “chảy” thôi. Giúp làm gì cho thừa cái sức của nó đi!”.

Người ngoài không thương thì nhắm người họ hàng vậy. Vợ Nhái làm thịt một con bò mời bà con đến. Cơm no rượu say rồi họ mới đồng ý giúp. Nhưng chỉ làm được dăm ba buổi cơm, mở được một đoạn con mương bên trái, người kêu bận việc nhà, người nói việc nặng quá không làm nổi. Vợ Nhái không làm sao được, thương chồng chỉ còn biết ôm mặt khóc giữa rẫy.

Từ đấy chẳng còn ai giúp, A Nhái cũng chẳng nản lòng, ngược lại chỉ làm ruột nóng thêm, cái tay cái chân càng mạnh thêm, làm ngày được nhiều hơn. Ngày nọ nối ngày kia, hết con trăng này lại tới con trăng khác, mùa rẫy năm này qua, mùa rẫy sang năm lại tới. Mảnh rẫy cứ ngày một rộng dần như lửa ăn theo khúc củi trong bếp.

Hì hục, cặm cụi, lầm lũi một mình mãi, đến đúng con trăng mùa rẫy thứ 17, A Nhái mới ngửa mặt lên nhìn trời, nhìn đất, nhìn lại cái “công trình của mình” rồi đi một vòng xem lại. Bây giờ nhìn lại, mới thấy hơn 10 bờ đập xếp đá cao quá đầu, tảng nào tảng nấy to như con heo mẹ, heo con. Có tảng to gần bằng con trâu mộng của làng. Còn mặt ruộng ngày trước đổ nghiêng theo núi bây giờ đã như tấm lá chuối để bằng, bước chân lên không sợ nghiêng nữa.

Hai con mương thẳng tắp tuôn nước ào ào vào ao cá… A Nhái sướng cái bụng quá, cứ lâng lâng như lúc uống rượu say mà bước về làng. Bước vào làng, A Nhái hét như muốn vỡ cả lồng ngực để thông báo cho người làng Dền biết cái công trình của mình đã hoàn thành.

Thành quả của “Ngu Công”

Mừng cho thành quả của mình đã thành hiện thực, A Nhái làm thịt một con trâu ăn mừng mời làng đến không sót ai. 17 năm ròng rã, A Nhái đã kiên trì san bằng 2 quả đồi, lấp 2 con khe để có thể canh tác những 14 ha đất gồm 4 ha mì, 4 ha lúa nếp rẫy, 13.700 cây bời lời, 4 ao cá…

Nghe chuyện A Nhái bạt đồi làm lúa nước, huyện cử cán bộ xuống chỉ đạo kỹ thuật, lại cấp cả phân hóa học cho bón. A Nhái bảo: “Thực ra A Nhái chỉ hơn mọi người ở nhận thức chứ kỹ thuật thì cũng lơ mơ. Cứ nghĩ có nước, cắm cây lúa xuống là được ăn, nào ngờ ba vụ đầu thua cả người ta làm rẫy chỗ xấu nhất. May mà có cán bộ khuyến nông xuống chỉ dẫn chứ mình cũng chẳng làm được nhiều đến thế đâu!”.

Không nén được tò mò, cả làng cùng ra xem thử. Người làng Dền lại được một phen thầm thì với nhau: “Việc A Nhái làm thế mà động đến cả tai cán bộ tỉnh rồi. Chắc Yang cũng thuận lòng cho A Nhái làm cái việc này rồi. Mình cũng phải làm theo A Nhái thì mới hết cái nghèo cái khổ được!”. Đến mùa thu hoạch, tay Nhái cầm liềm cắt lúa mà cứ run như đi ăn trộm lúa nhà ai… Cắt thử 10 m2 đập rồi cân lên, tính ra nếu cắt cả hecta, quy ra lúa khô thì được những 5,5 tấn, gấp hơn 5 lần chỗ rẫy tốt nhất của làng!

Bây giờ, A Nhái không chỉ dạy bà con biết dùng bò cày ruộng, làm nên “cuộc cách mạng” khởi đầu trong nếp nghĩ, mà A Nhái còn mang đến vùng đất hẻo lánh này bao cái mới: Dùng phân trâu bò bón ruộng, đào ao nuôi cá, làm thủy điện nhỏ đưa “Yang điện” vào nhà.

Về phần mình, sau những chuỗi ngày lao động cần mẫn, A Nhái đã có một cơ ngơi vào hàng nhất xã: đàn bò 13 con, ruộng nước hai vụ mỗi năm thu trên 10 tấn thóc… Rồi ao cá, vườn cây ăn quả. Trừ chi phí, mỗi năm vợ chồng thu lãi ròng hơn 70 triệu đồng.

Tôi đứng trên đỉnh Đắk Pét nhìn xuống công trình của “Ngu Công” A Nhái mà tưởng tượng công sức đổ ra để hoàn thành được nó từ cái sức mạnh tiềm ẩn trong con người nhỏ bé, gầy như một đốt le hong lửa kia.

Bây giờ thì bà con tin A Nhái quá rồi. Không những thấy A Nhái làm gì cũng theo, bà con còn “bắt” Nhái là Trưởng thôn kiêm Tập đoàn trưởng nữa đấy. Từ ngày được bà con người làng tin tưởng giao cho đảm nhiệm hai chức ấy, A Nhái lại cùng dân làng mở con đường gần 10 km lên đỉnh Đắk Dền.

Nguồn Xaluan.com