Chưa khi nào ngành cà phê lại chứng kiến nhiều biến cố như thời điểm này. Giá cà phê rớt mạnh khiến nhiều DN xuất khẩu lĩnh vực này lâm cảnh thua lỗ, thậm chí có DN đã rơi vào tình thế bị ngân hàng “bao vây” siết nợ.
Nguy cơ DN cà phê đổ vỡ hàng loạt
Không thể thờ ơ khi cà phê là lĩnh vực xuất khẩu đứng trong top đầu thế giới, được coi là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, lại đang lâm cảnh thua lỗ. Một sự kiện gây chú ý nhất tuần qua, đó là công ty Trường Ngân – một công ty xuất khẩu cà phê có tiếng ở Bình Dương bị 7 ngân hàng “bao vây” siết nợ. Con số nợ của DN này lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Với thực trạng giá cà phê nội địa và xuất khẩu giảm liên tiếp và ở mức sâu suốt 3 tháng qua, khiến người ta lo ngại một làn sóng vỡ nợ đối với các DN xuất khẩu cà phê. Nhiều DN kinh doanh xuất khẩu cà phê có nguy cơ thua lỗ vì trót thu gom cà phê lúc giá cao trước đó, nay hạn trả nợ ngân hàng đang đến gần khiến họ buộc phải xuất khẩu với giá thấp.
Trên thực tế, tình trạng DN cà phê vỡ nợ hầu như đã trở thành “quy luật” hàng năm, năm nào cũng xảy ra. Theo thống kê của Hiệp hội Cà phê Việt Nam (Vicofa), trong năm 2012 có tới hơn 100 DN, đại lý, hộ kinh doanh cà phê trên địa bàn Tây Nguyên vỡ nợ hàng nghìn tỷ đồng. Tại thủ phủ cà phê – tỉnh Đắc Lắc, năm 2012 có tới 43 DN, đại lý kinh doanh cà phê vỡ nợ.
Ở Gia Lai, tuy không nhiều DN lâm nguy đến mức bị truy nợ, song tình hình kinh doanh, xuất khẩu của các DN ở địa phương này cũng không mấy sáng sủa. Thống kê của Sở Công thương Gia Lai cho thấy, lượng xuất khẩu cà phê của tỉnh đã giảm trông thấy và sản lượng đạt được cũng không được như kỳ vọng. 5 tháng đầu năm 2013, cà phê xuất khẩu ước đạt hơn 31 ngàn tấn, con số này đã giảm tới 56,51% về lượng và 54,68% giá trị so với cùng kỳ 2012. Đặc biệt, nhiều DN đã bị giảm khối lượng xuất khẩu như Xí nghiệp tư doanh Hoa Trang giảm 49%, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp giảm 52%, Công ty TNHH Trung Hiếu giảm 55%…
Rất cần sự liên kết chặt chẽ “4 nhà”
Mới đây, để giảm nhẹ gánh nặng nợ ngân hàng cho các DN kinh doanh và xuất khẩu cà phê, Bộ NN&PTNT đã có ý kiến đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét việc giãn nợ cho vay tín dụng xuất khẩu đối với mặt hàng cà phê. Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/2013/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Trong đó, xem xét gia hạn thời gian vay vốn tối đa từ 12 tháng lên 36 tháng đối với khoản vay vốn tín dụng xuất khẩu của Nhà nước cho các nhóm hàng xuất khẩu rau quả, thủy sản, nhưng không quy định với mặt hàng cà phê. Nếu được gia hạn các khoản vay theo đề xuất này, kỳ vọng các DN ngành cà phê có thể đồng lòng giữ hàng chờ đến lúc giá cao sẽ xuất khẩu, tránh bị đối tác ép giá.
Tuy nhiên, có lẽ đó cũng chỉ là giải pháp cấp bách để cứu nguy cho các DN xuất khẩu cà phê nói riêng, ngành cà phê nói chung ở thời điểm hiện nay. Về lâu dài, theo các chuyên gia trong ngành, để ngành cà phê Việt Nam thật sự phát triển bền vững thì một lần nữa, yêu cầu của việc sắp xếp, tổ chức lại quy trình sản xuất, kinh doanh cà phê theo mô hình liên kết 4 nhà: nhà nông – nhà khoa học – nhà quản lý và doanh nghiệp – lại được đặt ra và đây là yêu cầu cấp thiết nhất hiện nay. “Chỉ khi có sự liên kết chặt chẽ thì bài toán chất lượng và bền vững của cà phê ở đây mới thật sự được giải quyết” – ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vifoca nhận định.
Còn theo ông Đặng Lê Nguyên Vũ – Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên, ngành cà phê Việt Nam sẽ phát triển bền vững đích thực và trọn vẹn khi chúng ta kiến tạo nên một hệ sinh thái cà phê bền vững. “Hệ sinh thái ngành cà phê có nghĩa là toàn bộ các tác nhân trong ngành được tổ chức với nhau theo quy luật hiệu quả và bền vững nhất, hỗ trợ và bổ sung tối ưu điểm mạnh chức năng cho nhau, phân phối lợi ích cho nhau một cách hợp lý và không loại trừ, tất cả cùng cộng sinh và phát triển lệ thuộc nhau trong một thể thống nhất” – ông Vũ khẳng định.