Hai năm trở lại đây, cây cà-phê ở Mường Ảng (Ðiện Biên) phát triển chóng mặt. Từ gần 400 ha cà-phê kinh doanh năm 2009, đến nay toàn huyện đã có 2.360 ha của cả doanh nghiệp và tư nhân, trong đó hơn 900 ha cà-phê kinh doanh. Những ai quan tâm đều biết, vụ mùa năm 2010, huyện Mường Ảng có doanh thu 110 tỷ đồng cà-phê, tăng gấp ba lần cùng kỳ năm trước. Nhưng vẫn còn đó một nỗi lo…
Cán bộ, chiến sĩ Huyện đội Mường Ảng giúp nông dân xã Ảng Nưa thu hoạch cà-phê.
Ba năm liên tục (2007 – 2010), cây cà-phê Mường Ảng được nhận định là thắng lợi trên cả hai mặt, sản lượng và giá cả. Sang năm 2011 này, ngay từ khi chưa vào vụ, thương lái Sơn La đã lần vào từng hộ trả giá cà-phê trấu từ 98.000 đến 120.000 đồng/kg, khi không ai còn cà-phê để bán. Nhiều người mừng thầm, cứ giá này, mỗi ha cà-phê không chỉ có lãi trên dưới 100 triệu mà là 200 triệu đồng. Cả huyện không chỉ có doanh thu 100 tỷ mà là 200 tỷ đồng, hoặc hơn…
Tuy nhiên, đợt “mưa thuận gió hòa” hồi tháng ba đã vô tình làm bầm hoa giập nụ, và thế là lấy đi luôn 60 – 70% sản lượng vốn đạt hằng năm. Phần lớn diện tích cà-phê kinh doanh, bình quân cho thu từ 3 – 4 tấn cà-phê trấu/ha/vụ, thì năm nay thu được chừng một tấn. Ðã bị mất mùa rồi, lại lép, thay vì đạt trên dưới 20% trấu, tính đến thời điểm lứa ba, chỉ đạt 15 – 16%. Người nông dân đành an ủi nhau rằng, không được quả thì được cành, sang năm sai hoa lắm hạt, đâu lại vào đấy thôi.
Và cái nhẽ, không được mùa thì phải được giá, nhiều khi tưởng chừng đã thành hiện thực, giúp người nông dân có cơ phấn đấu tiếp những mùa sau. Giữa lúc hàng nghìn hộ đang lâng lâng với cái giá cà-phê quả đầu vụ, thương lái chốt 12.000 đồng/kg (tương đương với hơn 80.000 đồng/kg cà-phê trấu; tăng 30% so với năm trước), thì đùng một cái, giá cà-phê Mường Ảng tụt dốc như xe mất phanh. Số là, nghe đâu đó tận bên Nam Mỹ, nước sản xuất cà-phê lớn nhất thế giới là Bra-xin, cây cà-phê “đang bung hoa thuận lợi”, thế là cà-phê trấu đẹp đang có giá 82.000 đồng/kg, sau hai tuần chỉ còn 58.000 đồng/kg, mà vẫn không có người hỏi mua. Nghe nói, một vài công ty, cá nhân… nhanh chân mua vào khi cà-phê giá cao, nay chỉ vài chuyến xe đã lỗ cả tỷ bạc.
Niềm an ủi duy nhất là giá thì lại như một cú đòn lạnh lùng giáng đúng vào sức chịu đựng của người dân. Những tưởng phần nào đắp đổi được những phát sinh không mong muốn như: cũng bởi “mưa thuận gió hòa” mà tiền làm cỏ tốn gấp đôi; phải 9 – 10 đợt/năm thay vì 4 – 5 đợt/năm. Lại thêm giá cả: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng mấy chục phần trăm, giá nhân công tăng gần 30%; giá thu hái quả tăng 100% (do quả ít, hái lâu mới đạt công); cây không có quả thì lại nhiều cành, công tỉa chồi, chỉnh hình cũng tăng không kể xiết, khiến người trồng cà-phê ở Mường Ảng chỉ còn biết kêu trời.
Chúng tôi có chuyến đi dọc chiều dài cà-phê của xã Ẳng Tở (Mường Ảng). Vào kỳ này năm trước, khu vực cổng trường tiểu học Bản Bua, Trường THPT Ẳng Tở luôn thường trực 4 – 5 phản thịt lợn. Mấy bác ba-toa luôn tay luôn chân, đến nỗi khi được hỏi, họ cáu kỉnh rằng, chẳng rỗi hơi mà chuyện phiếm. Năm nay, duy nhất hàng thịt nhà anh Hòa Thúy (C8 – Bản Bua, xã Ẳng Tở) là tồn tại. Tưởng chừng ít người bán thì lãi thêm nhiều, ai ngờ bác hàng thịt ngồi vắt chân chữ ngũ, chẳng dòm dỏ đến phản thịt.
Anh Lò Văn Nơi, người dân Bản Bua, làm bảo vệ của một trang trại cà-phê cho biết, năm nay không riêng gì cà-phê, cả lúa nương cũng mất mùa. Nhà anh mọi năm được gần 30 bao, năm nay, vẫn diện tích ấy, chỉ còn 14 bao, mà nhẹ, vì lép. Anh Nơi bảo, nhà anh cũng như nhiều người dân, vào những tháng này năm trước, chẳng phải lo bán thóc đóng tiền học đầu năm cho con. Tiền chúng tự đi hái thuê cà-phê vào buổi nghỉ cũng đủ. Năm nay đã ít thóc thì chớ, thu về đến bản, thì tạt luôn vào nhà mấy bà hàng xáo, trả nợ tiền vay trước. Ði hái thuê thì trại nào trại nấy thừa cành thiếu quả. Nhiều chủ trang trại chán, bỏ cỏ chẳng muốn làm. Có chủ bãi ở Bản Tra, Ẳng Tở, thuê hái cà-phê xong, thấy tiền công hòm hòm tiền quả, bèn cho luôn người dân hái thuê tự đem đi bán mà lấy tiền… Anh Nơi nhìn bâng quơ vào vòm trời trắng rỗng: “Tháng ba ngày tám năm sau lại dài bằng ba bằng bốn rồi!”.
Ðau đáu nỗi cơ cực của những người tiên phong trong việc phát triển kinh tế trang trại ở Mường Ảng, định ngủ mà những khuôn mặt, những ánh mắt, nụ cười gượng gạo cứ ám ảnh tôi. Bèn vào giacaphe.com là trang web của Diễn đàn người nông dân cà-phê; trong Bản tin thị trường cà-phê hôm gần nhất thì, “giá cà-phê thế giới đồng loạt sụt mạnh trong phiên giao dịch ngày 11-10 do đồng USD mạnh và hoạt động bán kỹ thuật”.
Ðã vậy, trên mạng không tìm thấy một kênh thông tin nào nói về giá cà-phê chè Mường Ảng – loại cà-phê chất lượng rất cao vào thời điểm hiện tại. Thị trường cà-phê trong nước cũng chỉ có một vài chấm phá về giá trị thực của cà-phê chè arabica là luôn luôn cao gấp hai lần cà-phê vối. Như thế, với giá “giảm mạnh” của cà-phê vối ngày 12-10-2011 là 41 triệu đồng/tấn thì cà-phê chè arabica cũng vẫn giữ ở mức giá 82 triệu đồng/tấn mới phải.
Theo gợi mở của một nhà khoa học thuộc Trung tâm nghiên cứu cà-phê Ba Vì thì, chỉ cần sản phẩm cà-phê arabica Mường Ảng có thương hiệu, giá thành sẽ tăng gấp 2 – 3 lần, mà rất ổn định, vì như thế, mọi thông tin giá cả sẽ được niêm yết một cách danh chính ngôn thuận tại các sàn giao dịch cà-phê trong nước cũng như thế giới. Nhưng muốn vậy, Mường Ảng cần làm hai việc lớn, đó là tăng sản lượng (tăng diện tích) và tăng kiến thức kinh doanh cho bà con nông dân xây dựng thương hiệu, nhằm đáp ứng một loại hình sản phẩm ISO, sản phẩm “5 sao”. Ðiều này không phụ thuộc vào trời đất, mà phụ thuộc vào chính quyền và người dân sở tại. Có làm được như thế, người trồng cà-phê mới thoát được cảnh những mùa cà-phê không chín… ở trong lòng.
Phuong Uyên