Một số biện pháp để tránh sự hủy diệt của các vườn hồ tiêu do sâu bệnh

Hiện nay, có tới 80% diện tích hồ tiêu của Việt Nam đã xuất hiện bệnh rễ do tuyến trùng và nấm gây hại. Nếu vấn đề này không có những biện pháp để phòng trừ kịp thời thì trong vài năm nữa Việt Nam sẽ không còn giữ được vị trí hàng đầu về lượng hồ tiêu xuất khẩu trên thị trường thế giới.

Các địa phương như Đồng Nai, Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Phú Quốc trong những năm vừa qua cũng đã có không ít diện tích hồ tiêu bị sâu bệnh gây tác hại nghiêm trọng. Nhiều vườn tiêu bị tiêu hủy hoàn toàn mà nguyên nhân chính là do tác hại của sâu bệnh đã xâm nhập hủy hoại bộ rễ. Một số loại sâu bệnh hại nguy hiểm nhất cho cây tiêu gồm có tuyến trùng nốt sần (Meloidogyne); các nấm gây thối rễ (phytopthora palmivora, Fusarium spp, Pythium…); rệp sáp (Pseudococcus citri)…

Các sâu bệnh đó từng bước xâm nhập vào bộ rễ cây hồ tiêu từ ít đến nhiều, từ năm này sang năm khác, dần dần sinh sôi và phát triển với một khối lượng quần thể lớn đủ để làm hủy hoại cả bộ rễ của cây, hút các chất dinh dưỡng có ở trong các mô tế bào của bộ rễ. Do bị sâu bệnh nên cuối cùng, bộ rễ không còn khả năng hút nước, hút các chất dinh dưỡng để nuôi cây dẫn tới hậu quả là cây hồ tiêu bị vàng héo, khô chết.

ho-tieu

Hồ tiêu ở xã Thuận Hạnh (Đắk Song) – Đăk Nông.

Để hạn chế tối đa các loại sâu bệnh phá hoại, người nông dân cần phải thực hiện đồng bộ, liên hoàn các biện pháp canh tác nông học và hóa học trong cả quá trình chăm sóc cây tiêu.

Cụ thể, chọn vùng đất trồng phải là nơi dễ dàng thoát nước, không bị ngập úng trong mùa mưa để phòng tránh bệnh chết nhanh hay chết đột ngột. Tầng đất canh tác có độ dày trên 60 cm, phía dưới không có đá bàn. Chọn những giống tiêu có khả năng kháng được bệnh rễ như: Lada, belangtoeng, Vĩnh Linh…

Khi trồng mới, mọi người phải kiểm tra xem trên cây con có rệp sáp hay không. Nếu có thì phải phun phòng trừ bằng thuốc Supracid với nồng độ 0,2% (2ml thuốc trong 1 lít nước). Nếu để rệp sáp tấn công và phát triển thành bộ rễ thì chúng sẽ tạo thành các ổ sưng u lớn gọi là “tổ mang xông” thì không còn khả năng cứu chữa bằng thuốc hóa học nữa.

Nếu phát hiện có rệp ở giai đoạn cây còn nhỏ thì dùng thuốc Supracid pha 0,3% để tưới vào gốc. Trên mặt đất gần với gốc tiêu rải thuốc Basudin để diệt kiến nhằm tránh không cho kiến vận chuyển rệp lan sang cây khác trong vườn. Khi trồng mới phải có đủ phân hữu cơ có chất lượng tốt (phân trâu bò, vỏ cà phê đã được ủ chế biến…) cần có từ 0,5-1 kg phân lân nung chảy trộn với phân chuồng để giúp cho bộ rễ phát triển thuận lợi.

Khi trồng mới cần trộn 30-50 gam thuốc từ tuyến trùng như Mocap, Vimocap… vào phân chuồng để diệt tuyến trùng bảo vệ bộ rễ còn non yếu của cây con ngay từ đầu. Sau khi trồng mới phải dùng các tàn dư thực vật như rơm, rạ, vỏ đậu đỗ cây phân xanh tủ gốc dày để giữ ẩm, tăng lượng chất hữu cơ cho đất, chống cỏ dại vùng gốc hồ tiêu, tủ gốc còn có tác dụng làm tăng lượng lân và kali dễ tiêu trong đất.

Cần trồng cây bóng mát bằng cây keo đậu Cuba (Leucaena Leucocephala) để điều hòa tiểu khí hậu trong cả thời kỳ kinh doanh (nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng, gió, mưa) và điều hòa sự ra hoa đậu trái. Mật độ trồng là 6m x 6m khi cây lớn có thể tỉa bớt. Cây bóng mát còn kết hợp làm trụ sống. Trong vườn tiêu phải có cây trồng xen để che phủ, bảo vệ, cải tạo đất. Ngoài cây đậu đỗ, phân xanh còn có thể trồng cây cúc vạn thọ để lấy thân lá khi cây đã ra hoa dùng làm nguyên liệu ép xanh, tủ gốc. Trong thân lá, hoa, cây cúc vạn thọ có chứa chất có tác dụng như nematicid diệt được tuyến trùng.

Hàng năm hay cách năm phải có bón phân hữu cơ (tốt nhất là phân chuồng đã được ủ hoai) để bón cho vườn tiêu. Phân hữu cơ ngoài việc cung cấp chất dinh dưỡng, cải tạo lý hóa tính của đất, giữ ẩm nó còn có tác dụng quan trọng là ngôi nhà để cho các vi sinh vật có ích tồn tại phát triển để ngăn ngừa hoặc tiêu diệt các vi sinh vật gây hại.

Dùng các loại phân hữu cơ, hữu cơ sinh học, sinh hóa hữu cơ hoặc phân vi sinh có chứa nguồn xạ khuẩn (tricoderma) để ức chế hoặc tiêu diệt các vi sinh vật và sinh vật gây hại. Đây là biện pháp đấu tranh sinh học cần được coi trọng trong vườn tiêu.

Cần lựa chọn các loại phân bón sinh hóa hữu cơ chuyên dùng để bón cho cây hồ tiêu khi thiếu lượng phân chuồng (như phân sinh hóa hữu cơ chuyên dùng cho cây hồ tiêu khi bón lót và bón thúc có thương hiệu là Komix). Trong phân chuyên dùng này đã có phối trộn đạm, lân, kali và các nguyên tố trung lượng, vi lượng theo yêu cầu của cây hồ tiêu. Không được lạm dụng bón phân hóa học với liều lượng cao, liên tục trong nhiều năm làm thay đổi lý hóa tính theo chiều hướng xấu của đất, tạo điều kiện cho vi sinh vật gây hại phát triển tấn công vào bộ rễ hồ tiêu. Chủ động sử dụng cây choái sống (keo đậu Cuba, muồng đen, hồng nước, cà na…).

Tránh làm cỏ xáo xới vùng gốc tiêu trong mùa mưa. Khi rễ tiêu bị đứt trong mùa mưa thì lâu lành, “vết thương” tạo điều kiện rất thuận lợi cho các loại nấm bệnh xâm nhập vào để hủy hoại bộ rễ của cây hồ tiêu. Nếu trong mùa mưa vườn tiêu bị ngập úng, đây là điều kiện rất thuận lợi để cho nấm bệnh lan truyền gây bệnh chết nhanh vườn tiêu (do nấm phytopthora). Bón phân hóa học trong mùa mưa chỉ rải đều trên bề mặt vùng gốc tiêu tránh đào rãnh để không làm đứt rễ.

Bón phân hữu cơ vào đầu mùa khô được tiến hành khi đất không quá ẩm ướt để tránh tác hại của nấm bệnh xâm nhập vào vết thương. Chỉ đào rãnh ở xung quanh mép bộ tán của cây tiêu. Cần nhớ rằng, trong vùng bộ rễ cây tiêu đã có các loại nấm bệnh thường trực. Nếu khâu làm cỏ xáo xới bón phân, chăm sóc do con người vô tình hoặc thiếu hiểu biết mà tạo ra các vết thương ở bộ rễ thì đây là hiểm họa của các vườn tiêu dẫn tới con đường vườn tiêu bị hủy diệt. Nếu vườn cây bị bệnh tuyến trùng thì các nấm bệnh sẽ xâm nhập vào rễ theo con đường của tuyến trùng để cùng hủy diệt bộ rễ…

Theo: PGS.TS. Phan Quốc Sủng

Nguồn Giacaphe.com