Miền trung – Tây nguyên: Sắn đồng loạt phá vỡ quy hoạch

Diện tích sắn bùng phát tại miền Trung – Tây Nguyên không theo quy hoạch để lại quá nhiều hậu quả, mất rừng, môi trường xáo trộn, hoang hoá đất… Đáng buồn nếu nói dân đừng trồng loại cây trồng này là điều không thể, bởi đầu tư ít, dễ trồng, chịu hạn tốt lại chủ động được khâu thu hoạch.

u128_d

Cây sắn đang “hoành hành” ở khu vực Tây nguyên

Không thể phủ nhận được việc đưa cây sắn vào trồng đã tận dụng được nhiều diện tích đất không trồng được các loại cây trồng khác do bạc màu và thiếu nước, giúp người nông dân tăng thu nhập, nhất là người dân miền núi. Thế nhưng những tác hại của cây sắn thì ai cũng nhìn thấy, đó là diện tích cây sắn ngày càng lớn thì diện tích cho cây trồng khác bị thu hẹp lại, rừng và đất rừng cũng bị mất đi. Bên cạnh rừng mất vì cây sắn thì nguy cơ sa mạc hoá, mất cân bằng sinh thái sẽ xảy ra trong những năm tới trên những diện tích trồng sắn là điều khó tránh khỏi. Ông Sinh cho biết: Biết là cây sắn mở rộng diện tích dẫn đến nhiều nguy cơ, là phá vỡ quy hoạch, phá vỡ cơ cấu cây trồng nhưng chúng tôi cũng chỉ có thể khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích chứ không thể cấm người dân trồng cây này, bắt trồng cây kia được. Thực tế ở Đăk Lăk, cây sắn đã phát triển ồ ạt ở nhiều nơi, nếu như năm 2003 diện tích sắn toàn tỉnh mới chỉ có 9.000ha thì đến năm 2007 đã tăng lên 20.112ha, và đến năm 2011 đã là trên 30.000ha, như vậy mỗi năm cây sắn “tịnh tiến” 3.000ha, chiếm tới 7% tổng diện tích cây gieo trồng hàng năm của tỉnh.

Không chỉ ở Đăk Lăk mà các địa phương khác cây sắn cũng đã phát triển mạnh khiến cho quy hoạch bị “vỡ”. Việc bỏ mía trồng sắn, chặt điều trồng sắn là việc làm đang diễn ra phổ biến ở Gia Lai. Một nông dân ở huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai cho biết: Trồng điều lâu cho thu hoạch, đến khi thu hoạch thì mỗi năm chỉ hái được một đợt, giá cả bấp bênh. Chi bằng trồng sắn chỉ mấy tháng đã cho thu hoạch, thích bán cho ai thì bán, không sợ cháy hoặc mất chữ đường như mía, không sợ bị ép giá hoặc ngã đổ vì lốc xoáy như điều… Vậy là huyện này từ 6.200 ha sắn năm trước, năm nay đã tăng lên 7.000 ha còn toàn tỉnh Gia Lai diện tích sắn đã đạt mốc 63.352 ha. Tai tỉnh Kon Tum sắn cũng phát triển với tốc độ chóng mặt với diện tích đã vượt mốc 40.000 ha trong năm 2011. Tại huyện Sa Thầy, sắn được trồng từ những bãi đất phù sa bằng phẳng “leo” lên tận sườn đồi, đỉnh đồi. Đồi trống rồi thì trồng sắn, đồi chưa trống thì… chặt cây để trồng sắn.

Trên địa bàn Tây Nguyên đã vậy, còn tại các tỉnh miền Trung, chuyện “bùng phát” cây sắn trong những năm qua dữ dội không kém. Đơn cử tại huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi, cây sắn xuất hiện ở đâu là rừng “hô biến” đến đó. Ví như Dự án lâm trường huyện Sơn Hà quản lý 7.000 ha rừng tập trung tại các xã Sơn Thành: 452 ha, thị trấn Di Lăng 531 ha… chủ yếu là keo lá tràm. Thế nhưng khi Nhà máy chế biến sắn Sơn Hải được xây dựng thì nhiều diện tích rừng nói trên liền bị người dân “cạo trọc” để lấy đất trồng sắn. Theo quy hoạch, diện tích trồng sắn tại Quảng Ngãi trong giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2010 sẽ có 13.500 ha. Thế nhưng mới đến đầu năm 2011, diện tích cây sắn ở tỉnh này đã “đạt” gần gấp đôi diện tích theo quy hoạch, lên tới 22.000 ha.
Chỉ một điều không ai lường được là: giá cả.

Cũng như các địa phương khác của tỉnh Đăk Lăk, trong năm 2011 do giá sắn tăng cao nên người nông dân huyện Ea Kar đã đổ xô vào trồng loại cây này. Nếu như diện tích sắn năm 2010 chỉ có 4.300ha thì đến năm 2011 diện tích đã tăng lên 6.400ha. Sắn được trồng từ vùng đồng bằng ngược lên gò đồi, ngay cả núi cao chỉ để trồng rừng cũng được người dân tận dụng trồng sắn. Ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ea Kar cho biết: Huyện đã có quy hoạch cho loại cây này từ nhiều năm trước và hằng năm chỉ duy trì tối đa 4.000ha tại các vùng đất thiếu nước, chất đất xấu… Tuy nhiên do giá sắn cao nên người dân đã đổ xô vào trồng loại cây này khiến cho quy hoạch cơ cấu cây trồng của huyện bị phá vỡ, nhiều diện tích ngô, đậu đỗ bị thu hẹp, nhường chỗ cho cây sắn. Đặc biệt trong năm 2011 kế hoạch toàn huyện trồng 1.000ha rừng nhưng do người dân đổ xô trồng sắn nên chỉ thực hiện được 50%.

Theo số liệu của Sở NN-PTNT Đăk Lăk, trong niên vụ sắn 2011 – 2012 diện tích sắn trên địa bàn toàn tỉnh đã lên tới trên 30.000ha, tăng gần 30% so với niên vụ trước. Trong khi đó chủ trương của tỉnh này cũng chỉ duy trì diện tích cây sắn hàng năm khoảng 15.000 ha. Ông Nguyễn Văn Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đăk Lăk cho biết: Do trồng sắn dẫn đến nhiều nguy cơ thoái hoá đất, xói mòn và phá rừng nên tỉnh đang ra sức vận động người dân không tăng thêm diện tích sắn. Các địa phương, ban, ngành chức năng trong tỉnh phối hợp ngăn chặn triệt để nạn phá rừng trồng sắn của nông dân, thế nhưng vận động là một chuyện còn thực hiện hay không lại là chuyện của nông dân, theo đó diện tích sắn ngày một nổ tung vỡ hết quy hoạch.

 u128_d1

Thi nhau trồng sắn rồi không biết bán đi đâu ?

Tương tự, ở Phú Yên, cây sắn cũng “lấn lướt” không kém. Không chỉ cung cấp cho các nhà máy chế biến tinh bột, sắn tươi còn phục vụ đắc lực cho các nhà máy chế biến cồn thực phẩm trong nước và một lượng lớn sắn lát khô xuất khẩu qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Do đó giá sắn tăng cao ngất trong những năm trước đây, cho người trồng sắn thu lợi lớn, bình quân 1ha sắn có thể cho lãi từ 12 – 20 triệu đồng. Sắn lại dễ trồng, đầu tư thấp, tiêu thụ dễ dàng là những yếu tố kích hoạt người nông dân phát triển trồng loại cây này bất chấp quy hoạch của chính quyền địa phương. Theo quy hoạch phát triển cây sắn của tỉnh Phú Yên, đến năm 2015 chỉ ổn định diện tích trong khoảng 14.000ha. Tuy nhiên mới đến năm 2011, diện tích sắn của tỉnh đã tăng nhanh lên đến 18.000 – 20.000ha. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, nạn phá rừng trồng sắn diễn ra phổ biến. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên cung cấp cho chúng tôi những số liệu cụ thể: Tổng diện tích rừng bị phá để lấy đất trồng sắn tại huyện Sơn Hòa là 4.102 ha, trong đó đất có rừng là 2.515 ha, đất không có rừng là 1.586,1 ha. Tình trạng ồ ạt trồng sắn không theo quy hoạch đang phổ biến ở Phú Yên mà chính quyền chưa cách gì ngăn được.

* Tiến sỹ Trương Hồng, Phó Viện trưởng Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên: Trồng sắn không hợp lý là một cách “bóc lột đất” bởi chỉ sau hai mùa trồng sắn, đất sẽ bạc màu, đặc biệt đối với vùng đồi, đất sẽ nhanh chóng bị rửa trôi, lớp đất bề mặt sẽ bị xói mòn. Khi ấy, có muốn trồng rừng lại cũng vô cùng khó.

* Ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng phòng NN huyện Ea Kar: Chúng tôi đã có quy hoạch cho 6 loại cây trồng chính, tuy nhiên để người dân thực hiện theo quy hoạch là chuyện rất khó bởi đất là của người dân không thể bắt người dân trồng cây này, bỏ cây khác mà nó chỉ có tính chất định hướng bằng cơ chế chính sách, khuyến khích bằng vốn vay, công nghệ, bảo hiểm…

Nguồn Báo NNVN