Chỉ với 3 nhát cuốc, ông Lần đã hạ gục con hổ nặng hơn 1,5 tạ để cứu sống một cô gái trẻ đang ở trong tình thế ‘ngàn cân treo sợi tóc’.
Bất ngờ “rơi” vào miệng hổ
Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, người dân xung quanh lâm trường Ia Lốp, lâm trường Ea H’Mơ (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) luôn sống trong nỗi sợ hãi bởi vì sự xuất hiện của một con hổ hung tợn, chuyên ăn thịt người. Chỉ trong vòng 3 năm, có ít nhất 5 người trong vùng đã bị con hổ này ăn thịt.
Vậy nhưng, khi con hổ tác oai tác quái ghê gớm nhất cũng là lúc bất ngờ xuất hiện một “Võ Tòng” cầm cuốc giết hổ. Đó là ngày 26/3/1987, ngày mà mỗi lần nhớ tới, bà Bùi Thị Hướng (SN 1967, ngụ xã Ea Rốk, huyện Ea Súp) vẫn không khỏi rùng mình run sợ.
Theo lời bà Hướng, khi ấy bà còn là cô gái 20 tuổi, làm công nhân trong lâm trường Ia Lốp. Khoảng 16h chiều ngày 23/6/1987, khi bà đi kiểm tra rừng về thì hẹn thêm vài đồng nghiệp nữ ra suối Ea H’Leo (đoạn qua xã Ea Rốk) tắm.
Không hiểu sao, hôm đó bà Hướng lại ra suối trước để tắm một mình. Khi bà vừa đặt chậu áo quần lên tảng đá và chuẩn bị xuống tắm thì cảm giác sau lưng mình có gì đó không ổn.
Vội quay lại, bà Hướng như chết đứng khi thấy con hổ lớn đang nhìn chằm chằm về phía mình. Biết không thể nào thoát, người phụ nữ này đành nhảy ùm xuống suối và la hét với hy vọng mong manh có ai đó nghe thấy, giúp mình vượt qua kiếp nạn.
Bà Hướng kể: “Vừa thấy hổ, tôi giật thót mình rồi nhảy xuống nước thì nó cũng chồm tới. Khi bị nó tấn công, tôi chỉ biết cố gắng lấy hết sức bình sinh để hét thật to và chống chọi lại với con thú khát máu”.
Sau khoảng 15 phút vật lộn với con hổ lớn giữa suối, bà Hướng bị vồ rách toác một mảng da đầu, máu chảy be bét. Đến khi bà bị hổ tha sang bên kia bờ suối, chuẩn bị ăn thịt thì điều kỳ diệu đã xuất hiện.
Vết sẹo trên đầu bà Hướng do hổ vồ
Thoát chết nhờ “Võ Tòng” giải cứu
Trong lúc bà Hướng bị hổ tấn công giữa suối, có một cậu bé đi tìm mật ong đã phát hiện ra sự việc và về báo cho cha mình là ông Phương Văn Lần (SN 1947, ngụ xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp). Thời điểm đó, ông Lần đang ở nhà, cách hiện trường khoảng 300m.
Khi nghe con trai báo tin, ông Lần vớ vội chiếc cuốc (cán dài khoảng 1,5m, lưỡi bản to) chạy vội ra suối. Đến nơi, ông thấy bà Hướng đã bị con hổ khống chế hoàn toàn, lôi đi xềnh xệch. Tưởng mình đã chậm chân, ông căm giận hét lên thì bà Hướng cũng cất lên những tiếng kêu cứu yếu ớt. Lúc này, con hổ cũng quay lại, chằm chằm nhìn ông Lần.
Biết bà Hướng còn sống và tính mạng đang ở tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, ông Lần vác cuốc xông thẳng tới, phang liên tiếp 3 nhát vào phần đầu con hổ lớn.
Ông Lần kể lại: “Nhát đầu tôi đánh thẳng vào mặt nó, nhát thứ hai tôi đánh trượt vì nó lắc đầu. Nhát thứ 3 tôi xoay người đánh trúng gáy nó và con hổ đổ gục xuống. Để chắc ăn, tôi bồi thêm vài nhát cuốc cho con hổ chết hẳn rồi đưa cô Hướng về nhà cầm máu, sơ cứu và chuyển đi bệnh viện”.
Ông Lần diễn tả lại động tác lúc đánh hổ cứu người
Sau khi nghe tin con hổ hung tợn bị ông Lần đánh chết bên suối, người dân trong làng đã ra đưa xác hổ về nhà ông Lần làm thịt.
Khi ông Lần quay về nhà thì thấy dân làng để lại cho khoảng 8kg thịt và bộ da hổ. Toàn bộ số thịt, ông Lần phơi khô, bỏ vào ông nứa cất trên gác bếp. Còn bộ da hổ, sau này đại diện của lâm trường Ia Lốp xin về để trưng bày nên ông cũng cho nốt.
Sau lần đánh chết hổ cứu người, tên tuổi ông Lần nổi lên khắp nơi. Bà con xa gần cứ gọi ông là “Võ Tòng”. Có người ở xa, nghe được chuyện cũng dò hỏi tới nhà ông để xem mặt chỉ vì… “quá ngưỡng mộ”.
Bộ da hổ được cất giữ, bảo vệ tại trụ sở lâm trường Ia Lốp (hiện là Công ty lâm nghiệp và cao su Phước Hòa)
Lúc đó, ai cũng tưởng rằng, anh hùng đánh hổ kia là một thanh niên cao lớn, lực lưỡng. Thế nhưng, thực tế ông Lần lúc đó đã 40 tuổi, người ốm nhách, lều khều. “Thời đó khổ, cơm bữa đói bữa no thì lấy đâu ra mà cao lớn với lực lưỡng! Cái bữa đánh hổ cũng là bữa tôi làm đồng về, đang ngồi nghỉ vì mệt. Tôi cũng chẳng có võ vẽ gì. Chỉ là lúc đó nguy cấp, tôi chỉ nghĩ phải đánh được con hổ để cứu người mà quên đi hết sợ hãi thôi”, ông Lần chia sẻ.
Trao đổi với PV, ông Phạm Thanh Long-Chủ tịch UBND xã Ia Jlơi cho biết, ông Lần là một lão thành cách mạng hiện đang sống ở địa phương. Chuyện ông đánh hổ cứu người được người dân truyền miệng bấy lâu nay là có thật, địa phương cũng rất ghi nhận về hành động dũng cảm, cao đẹp của ông Lần.