Lớp học trên đỉnh Ea Lang

Nhiều năm qua, các thầy cô giáo ở Trường Tiểu học Cư Pui 2 (xã Cư Pui, huyện Krông Bông, Đắk Lắk) đã không quản khó khăn, lặn lội đến điểm trường thôn Ea Rớt xa xôi để “gieo chữ” với hy vọng những “mầm chữ” sẽ mang lại sự đổi thay ở bản nghèo.

Trường Tiểu học Cư Pui 2 ở thôn Ea Rớt nằm trên đỉnh Ea Lang có tổng cộng 170 học sinh do 7 thầy cô trực tiếp giảng dạy. Để đến được đây, từ trung tâm xã, chúng tôi phải đánh vật hơn 2 giờ, băng qua 30km đường rừng với dốc đựng đứng, có đoạn vắt vẻo qua những ngọn đồi. Điểm trường hiện ra trước mắt là 4 căn phòng được dựng bằng phên gỗ cũ kỹ, nhiều chỗ bị mối mọt làm hư hỏng. Buổi sáng có 4 lớp học. Vào lớp 1C2 khi cô Mông Thị Hằng đang dạy học sinh tập đọc. Tiếng đánh vần ê a vang cả núi đồi. Xong phần tập đọc, cô Hằng lại cho các em tập viết, rồi đi quanh lớp để kiểm tra, hướng dẫn từng em. Còn ở phòng học lớp 5, cô Võ Thị Lệ Quyên cùng học trò đang say sưa làm toán, quên cả sự có mặt của người lạ.

images594279_lop-hoc
Cô giáo Lệ Quyên trong giờ lên lớp

Trong 7 giáo viên đứng giảng nơi đây, người nhỏ nhất 23 tuổi, lớn nhất 34 tuổi. Người ở gần nhất cũng cách điểm trường 20km; có người ở xa, đi xe mất cả ngày đường. Do địa hình cách trở nên cứ sáng thứ hai, họ lại đem theo gạo, thực phẩm đến điểm trường rồi ở lại nhà tập thể đến chiều thứ sáu mới về với tổ ấm của mình. Khu nhà tập thể dựng bằng phên gỗ, mái lợp tôn có diện tích khoảng 50m2. Mùa nắng gây nóng bức, còn mùa mưa, gió sương lùa vào các khe hở lạnh thấu xương. Cô Nguyễn Thị Trang chia sẻ: “Đường xấu quá, lại dốc nên chúng tôi té ngã liên tục, xe máy thường xuyên hỏng hóc. Mùa mưa còn thảm hơn, đường lầy lội, cuối tuần chúng tôi không về nhà được phải ở lại trường. Đồ ăn tích trữ hết sạch, chỉ biết ăn cơm trắng với muối”.

Khó khăn bủa vây nhưng vì tình yêu nghề, yêu trẻ; những thầy giáo, cô giáo nơi đây đã động viên nhau bám bản, bám trường. Cô Mông Thị Hằng kể: “Chúng tôi cứ động viên nhau số phận có duyên với bản nghèo, có sứ mệnh gieo chữ ở vùng sâu nên phải cố gắng. Đến khi thấy các em học tốt, học giỏi, giáo viên ai cũng vui. Vừa rồi, khi thầy cô đang ăn cơm thì các em kéo đến. Chưa kịp hiểu chuyện gì thì các em đã đồng thanh hát vang chúc mừng thầy cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam. Hỏi ra mới hay, ngày 20-11 sắp đến, các em sợ thầy cô về nhà nên hát tặng trước. Nghe thế chúng tôi vui lắm, thêm động lực để vượt khó cùng các em”.

Ông Lò Tiến Dũng, Trưởng thôn Ea Rớt, vui mừng nói: “Nhiều em học sinh từ chỗ tiếng Kinh không biết, bây giờ đọc – viết thông thạo, nhiều em học rất giỏi. Quan trọng hơn là ý thức của phụ huynh đã thay đổi, từ chỗ không cho con em đi học vì nghĩ có học cũng chẳng no cái bụng, nay chuyển sang động viên, ủng hộ. Điều này có công rất lớn của các thầy cô giáo”.

Nguồn Sggp.org.vn