Lời khẩn cầu gửi từ Tây Nguyên

Trong khi ngăn chặn một băng nhóm côn đồ gây thương tích cho người dân, đồng chí Nguyễn Đình Long, Công an viên xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) đã anh dũng hy sinh. Mặc dù chính quyền địa phương, lực lượng Công an đề nghị nhiều lần, nhưng đã gần 4 năm qua, anh vẫn chưa được công nhận liệt sỹ khiến cha già, mẹ yếu, con thơ của đồng chí Long chịu nhiều thiệt thòi và cán bộ, nhân dân địa phương bức xúc.
Quên mình vì nhiệm vụ

Do có mâu thuẫn với anh Nguyễn Công Thống (trú thôn 6, xã Vụ Bổn) nên vào đêm 26/5/2008, tên Nguyễn Duy Tuấn (SN 1985), trú thôn 6, xã Vụ Bổn) đã lôi kéo 35 đối tượng khác ở xã Ea KLy mang theo dao, mã tấu, tuýp sắt đi trả thù. Khi đến bàn bida của chị Nguyễn Thị Huệ thì không thấy anh Thống, nhưng gặp bất cứ ai chúng cũng đánh, chém, đập phá… Hậu quả, chúng đã gây thương tích nặng cho 4 người đang có mặt tại đây.

Thấy có đánh nhau, đồng chí Nguyễn Đình Long – Công an viên xã Vụ Bổn phụ trách thôn 6 đã đến ngay hiện trường hô to: “Công an đây, Công an đây…” và yêu cầu tất cả dừng lại. Nhưng do nhóm côn đồ quá đông, có nhiều hung khí nguy hiểm nên anh Long lấy điện thoại di động gọi về Công an xã xin lực lượng hỗ trợ.

7_dong2436-450

Đồng chí Nguyễn Đình Long hi sinh để lại bố mẹ già, người vợ thường xuyên đau ốm và 2 con nhỏ không người chăm sóc.

Trong lúc anh Long đang gọi điện thoại thì tên Lê Viết Hùng (SN 1989), trú thôn 10, xã Ea KLy đã dùng một con dao thái chuối chém liên tiếp 4 nhát vào đầu, mặt, ngực, lưng khiến anh Long gục xuống chết tại chỗ.

Anh Long hy sinh để lại người cha là ông Nguyễn Trọng Quỳnh năm nay đã 70 tuổi, người mẹ là bà Nguyễn Thị Linh đã 69 tuổi, vợ anh là chị Nguyễn Thị Liên thì thường xuyên đau ốm. Ngoài việc canh tác trên 1 sào lúa nước, chị Liên phải đi làm thuê mới đủ nuôi cả gia đình, những lúc không có việc thì càng khó khăn hơn. Con gái của anh Long là Nguyễn Thị Phương Thảo năm nay mới vào lớp 1, còn cháu trai là Nguyễn Đình Hiệp thì mới học mầm non và bị bệnh tim bẩm sinh.

Sau khi đồng chí Nguyễn Đình Long anh dũng hy sinh, Huyện ủy Krông Pắk đã giao cho Công an huyện tổ chức hội nghị tuyên dương, học tập tấm gương dũng cảm hy sinh của đồng chí Long trong toàn huyện. Tại giấy báo tử số 01/UBND ngày 6/8/2008, UBND huyện đã thông báo nguyên nhân cái chết của anh Long là “trong lúc thi hành nhiệm vụ đã dũng cảm trấn áp bọn tội phạm, côn đồ có hung khí gây rối trật tự trị an tại khu dân cư, bảo vệ tài sản cho nhân dân”.

Tiếp đó, đồng chí Long đã được Bộ trưởng Bộ Công an tặng bằng khen vì “Đã dũng cảm hy sinh trong đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ tính mạng cho nhân dân”. Ngày 2/12/2009, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã ký tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sỹ Nguyễn Đình Long với lý do được nêu rõ là “đã anh dũng hy sinh trong trường hợp thi hành nhiệm vụ trấn áp tội phạm”.

Chưa xem xét toàn diện

Tuy nhiên, đã gần 4 năm kể từ ngày hy sinh, đồng chí Nguyễn Đình Long vẫn chưa được công nhận là liệt sỹ. Ngày 21/3/2011, Cục Người có công (Cục NCC) thuộc Bộ LĐ-TB&XH mới có Công văn số 181/NCC thông báo trường hợp của anh Long chưa đủ điều kiện xác nhận liệt sỹ theo quy định tại Nghị định 54/2006/NĐ-CP.

Theo Cục NCC, tại Bản án số 85/2009/HSST của TAND tỉnh Đắk Lắk chỉ thể hiện: “Anh Nguyễn Đình Long (là Công an viên thôn 6, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk) đang ngồi chơi ở nhà anh Nguyễn Thanh Dũng nghe ồn ào thì chạy sang chỗ bàn bida, thấy đánh nhau, anh Long vừa đi ra đường vừa lấy điện thoại ra gọi. Khi anh Long đến chỗ cây trứng cá ở trước quán bida thì bị Lê Viết Hùng từ ngoài vào dùng dao chém 4 nhát vào ngực, lưng, đầu và mặt anh Long làm anh Long gục chết tại chỗ”. Vì vậy, Cục NCC cho rằng anh Long chết không phải do thi hành công vụ.

Theo chúng tôi, không những thiếu động từ “ngăn chặn” mà bản án trên còn chưa thể hiện rõ động cơ anh Long chạy sang bàn bida để làm gì, lấy điện thoại ra gọi cho ai? Nhưng tại bản Kết luận điều tra số 196/PC14 ngày 28/11/2008 của cơ quan CSĐT Công an Đắk Lắk thì khi thấy có đánh nhau, anh Long đã “chạy sang can ngăn và vừa đi ra đường vừa lấy điện thoại gọi cho Công an xã Vụ Bổn…”.

Ngoài ra, trong báo cáo gửi cấp trên, Đại tá Trần Thanh Chương, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk cũng khẳng định anh Long có mặt tại hiện trường để giải quyết can ngăn. Bên cạnh đó, chị Nguyễn Thị Huệ, chủ quán bida nơi xảy ra vụ án đã có bản tường trình khẳng định trước khi hy sinh, anh Long đã hô to “Công an đây, Công an đây…” và có một đối tượng nói “Công an cũng chém…”.

Mặt khác, khi xảy ra vụ án có rất nhiều người chứng kiến nhưng không ai dám đến gần, còn đồng chí Long biết nguy hiểm nhưng vẫn đến ngăn chặn. Hành động này chỉ có thể được giải thích là vì đồng chí Long là một Công an viên, không thể đứng ngoài cuộc khi tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân bị đe dọa.

Người dân và cơ quan chức năng nói gì?

Ông Nguyễn Duy Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Vụ Bổn, cho biết: “Sau khi sự việc xảy ra, đã có hơn 20 người dân viết đơn gửi đến các cơ quan chức năng đề nghị công nhận liệt sỹ cho đồng chí Long. Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên cũng có tờ trình gửi đến nhiều cơ quan chức năng với mong muốn đồng chí Long sớm được công nhận liệt sỹ để bố mẹ, vợ con đồng chí đỡ khổ”.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Văn Quang, Trưởng phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ Công an Đắk Lắk, khẳng định: “Căn cứ kết luận của cơ quan CSĐT Công an tỉnh, cáo trạng của Viện KSND tỉnh, bản án của TAND tỉnh thì hành động của đồng chí Nguyễn Đình Long là thực sự dũng cảm. Đồng chí Long đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của một Công an viên, còn đối tượng chém chết đồng chí Long là nhằm vào người thi hành công vụ”.

Mới đây, Đại tá Trần Kỳ Rơi, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk đã ký tờ trình đề nghị Cục V28 (Bộ Công an), Cục NCC (Bộ LĐ-TB&XH) xem xét lại toàn diện các tài liệu có trong hồ sơ của đồng chí Long. Chúng tôi tin rằng, Cục NCC sẽ xem xét, sớm trình Thủ tướng Chính phủ công nhận liệt sỹ cho đồng chí Nguyễn Đình Long.

Đại tá Nguyễn Văn Quang – Trưởng phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, Công an Đắk Lắk: Ngoài Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Nghị định 54/2006/NĐ-CP thì Nghị định 40/1999/NĐ-CP cũng quy định rất rõ: “…Công an viên khi làm nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm hoặc dũng cảm làm công tác cấp bách, phục vụ quốc phòng, an ninh, dũng cảm cứu người và tài sản của Nhà nước, của nhân dân mà bị hy sinh thì được xem xét công nhận là liệt sỹ”.

Nguồn CAND