Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã ngang nhiên sử dụng tên gọi “Ea Kmát” của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, đưa ra thị trường các giống cây trồng kém chất lượng.
Do đó, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên vừa có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk và các ngành chức năng sớm làm rõ những vi phạm trên.
Theo Tiến sỹ Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, trong những năm qua, Viện đã nghiên cứu, chọn tạo nhiều giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt giúp người dân Đắk Lắk nói riêng các tỉnh Tây Nguyên nói chung chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, đem lại thu nhập đáng kể cho các nông hộ và doanh nghiệp.
Các cơ sở kinh doanh giống cây trồng xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột, mạo danh tên gọi “Ea Kmát”.
Ea Kmát là tên của Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và phát triển nông – lâm nghiệp Ea Kmát (thuộc Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên), trụ sở tại 53, Nguyễn Lương Bằng, xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Trung bình mỗi năm, Viện cung ứng cho các tỉnh Tây Nguyên khoảng 1 – 2 triệu cây cà phê các loại, 8 – 10 tấn hạt cà phê vối lai TRS1; 2 triệu cây ăn quả bơ, sầu riêng, chôm chôm, mắc ca…
Những năm gần đây, nhu cầu nguồn cây giống đảm bảo năng suất chất lượng ngày một lớn, vì vậy tên gọi Ea Kmát được nhiều người dân biết đến, nhiều cơ sở đã mạo danh tên gọi “Ea Kmát” để sản xuất, kinh doanh giống cây trồng cung ứng ra thị trường. Số lượng cây giống các cơ sở này bán ra hàng năm cao gấp 6 – 7 lần giống cây của Viện sản xuất ra.
Nghiêm trọng hơn nhiều cơ sở còn ngang nhiên mạo danh địa chỉ của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, lập nên đội ngũ “cò cây giống” lôi kéo lừa đảo người dân.
Theo khảo sát của phóng viên TTXVN, dọc tuyến đường Nguyễn Lương Bằng, xã Hoà Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột có hàng trăm cơ sở kinh doanh giống cây trồng, đa phần đều lấy lấy tên “Ea Kmát”. Ngoài trục đường chính, tại các vườn ươm cà phê, hồ tiêu của hộ gia đình tên gọi Ea Kmát cũng mọc lên như nấm.
Tiến sỹ Trần Vinh cho biết thêm, tình trạng các cơ sở kinh doanh giống cây trồng mạo danh tên gọi Ea Kmát không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên mà còn khiến người nông dân lạc vào “ma trận giống cây trồng”, nhiều người vì mua nhầm giống cây trồng kém chất lượng dẫn đến tiền mất tật mang.
Viện đã nhiều lần kiến nghị xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk có biện pháp quản lý các cơ sở kinh doanh giống cây trồng, không sử dụng tên gọi Ea Kmát để đánh lừa người dân.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị đã nhiều lần đi kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, ngoài các địa điểm uy tín hiện vẫn còn nhiều cơ sở bán giống cây trồng không rõ nguồn gốc.
Đối với các cơ sở sử dụng tên gọi Ea Kmát rất khó để kiểm tra, xử lý các cơ sở này vì đến thời điểm hiện tại Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên vẫn chưa đăng ký “thương hiệu” giống cây trồng Ea Kmát để được bảo hộ.