Lo cho thương hiệu nông sản

Gần đây, dư luận xôn xao trước thông tin HTX dịch vụ nông nghiệp Minh An (Đắk Nông) có ý định bán hai thương hiệu cà phê gắn liền với địa danh nổi tiếng Đức Lập cho đối tác Trung Quốc để có tiền trả nợ do kinh doanh cà phê thua lỗ.

cà phê đức lập

Dù đích thân chủ nhiệm HTX này đã lên truyền hình đính chính rằng thông tin bán thương hiệu cà phê Dakmil là không chính xác thì đây cũng là bài học quản lý những nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý trong tương lai. Vụ việc này lại một lần nữa cho thấy công tác quản lý những thương hiệu nông sản gắn với những địa danh nổi tiếng của VN đang có vấn đề.

Theo luật sư Lê Quang Vinh, Công ty luật Bross và cộng sự, HTX Minh An đã đăng ký nhãn hiệu “Coffee Đức Lập Dakmil” tại VN, Trung Quốc và Mỹ. Do đó, về nguyên tắc chung, người đang sở hữu nhãn hiệu (HTX Minh An) có quyền bán, chuyển nhượng tài sản của mình. Một tài sản nhãn hiệu như cà phê Dakmil có thể bán với giá hàng tỉ đồng, ai dám chắc không có những nhà đầu cơ đang tìm các kẽ hở trong quản lý tại VN để trục lợi với những thương hiệu khác trong tương lai?

Tên gọi Đức Lập gắn liền với vùng cà phê rất nổi tiếng của VN nên nó là tài sản chung, nếu bị rơi vào tay nước ngoài thì ảnh hưởng lớn đến uy tín và khả năng xuất khẩu của cà phê VN. Một đại diện của Cục Sở hữu trí tuệ cho biết nếu bán thương hiệu “Coffee Đức Lập Dakmil” và “Coffee Đức Lập Minh An” cho Trung Quốc sẽ rất nguy hiểm vì các sản phẩm cà phê của VN có thông tin Đức Lập, Dakmil vào Trung Quốc có nguy cơ bị chặn lại. Người mua thương hiệu từ Trung Quốc có thể bán những sản phẩm chất lượng kém làm mất uy tín cà phê Đức Lập và cà phê VN.

Tháng 9 năm ngoái, giới kinh doanh xuất khẩu cà phê VN cũng đã choáng váng khi thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột của tỉnh Đắk Lắk đã bị đăng ký bảo hộ độc quyền trong vòng 10 năm tại Trung Quốc. Hai nhãn hiệu “BUON MA THUOT & chữ Trung Quốc” và “BUON MA THUOT COFFEE 1896 & logo”, gắn liền với nhiều sản phẩm trong đó có cà phê, đã được Trung Quốc cấp chứng nhận bảo hộ độc quyền cho Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co.,Ltd.

Cho đến nay, vụ kiện này mới bắt đầu xúc tiến và việc có đòi lại được thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột từ doanh nghiệp Trung Quốc không phải một sớm một chiều. Do đó, dù bất cứ lý do gì, mình tự bán hay người ta “cướp” mất cũng đều dẫn đến những hậu quả khó lường, nếu không chủ động bảo vệ thương hiệu của mình đến khi bị mất thì cực kỳ khó lấy lại.

Từ vấn đề của cà phê Đức Lập cho thấy các cơ quan quản lý của VN vẫn đang lúng túng trong việc rà soát, quản lý và thay đổi trạng thái pháp lý của những thương hiệu là tài sản chung, đặc biệt là thương hiệu nông sản đã được đăng ký sở hữu dưới tên của một cá nhân hoặc một tổ chức. VN có nhiều địa danh nổi tiếng gắn liền với các sản phẩm độc đáo vùng miền, nếu rà soát đến tận cùng thì sẽ còn bao nhiêu trường hợp khác như vụ cà phê Đức Lập?

Nguồn Tuổi Trẻ