Lao đao vì giá khoai lang giảm mạnh

Hàng chục héc-ta khoai lang của bà con nông dân ở huyện Krông Bông đang bước vào vụ thu hoạch. Thế nhưng, giá của loại nông sản này đang sụt giảm mạnh, khiến nhiều người trồng khoai lao đao vì thua lỗ.

Đứng trước ruộng khoai lang đang thuê hàng chục nhân công thu hoạch, ông Nguyễn Văn Minh ở thôn 3, xã Hòa Phong buồn rầu: “Gia đình tôi lần đầu trồng khoai lang Nhật Bản. Vụ này tôi thuê đất trồng 5 ha khoai lang. Hiện khoai đã đến kỳ thu hoạch nhưng giá giảm hơn 50% so với thời điểm gần 2 tháng trước. Vào giữa tháng 5 giá khoai được thương lái thu mua từ 12-15 nghìn đồng/kg thì nay xuống còn 6 nghìn đồng/kg”. Theo ước tính của ông Minh, vụ khoai này đạt năng suất khoảng 17 tấn/ha thì gia đình ông thua lỗ từ 40 -50 triệu đồng/ha.

dak-lak-lao-dao-vi-gia-khoai-lang-giam-manh

Người dân xã Hòa Lễ thu hoạch khoai lang.

Theo nhiều hộ dân trồng khoai lang ở xã Hòa Lễ, để trồng một vụ khoai, từ khi xuống giống đến lúc thu hoạch phải mất từ 5 – 6 tháng. Chị Trần Thị Minh Trang ở thôn 9 cho biết: Trồng khoai tốn rất nhiều nhân công và chi phí đầu tư, chăm sóc. Đến vụ thu hoạch, mỗi ngày gia đình chị phải thuê trên 10 người làm với chi phí 180-200 nghìn đồng/người, chưa kể phải thuê cả máy xới đất. Nhưng với giá khoai hiện tại thì gia đình chị phải bù lỗ không ít.

Nỗi buồn không chỉ với riêng người trồng khoai mà ngay cả những thương lái cũng không mấy vui. Anh Trần Thế Sơn, thương lái thu mua khoai lang đến từ Lâm Đồng cho hay, khoảng 1 tháng trở lại đây, do khoai lang ở các tỉnh khác cũng đang thu hoạch rộ, nguồn cung vượt cầu nên giá khoai lang sụt giảm. Hơn nữa, Tây Nguyên bước vào mùa mưa, chất lượng khoai lang cũng giảm đi, củ xấu hơn và hay bị sâu nên các đầu mối nhập khẩu khoai lang “chê”.

Trong vụ đông xuân vừa qua, toàn huyện Krông Bông có 124 ha khoai lang được trồng chủ yếu ở các xã: Yang Reh, Ea Trul, Hòa Sơn, Hòa Lễ… Trong đó có 68 ha của người dân ngoại tỉnh vào thuê đất trồng.

Theo ông Lê Thanh Chương, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện, những mặt hàng nông sản thông thường được giá thì mất mùa, được mùa thì mất giá. Cho nên bà con nông dân cần chủ động trong sản xuất, đồng thời gắn với quy hoạch của địa phương, không nên ồ ạt mở rộng diện tích trong khi giá cả nông sản không ổn định.