Làm rõ đường dây mua bán công cụ hỗ trợ trái phép qua Facebook và COD

Ngày 27-3, Phòng Bảo vệ An ninh Kinh tế CA tỉnh cho biết: qua nắm tình hình, Phòng phát hiện trên địa bàn diễn ra tình trạng mua bán trái phép công cụ hỗ trợ với số lượng lớn.

Thủ đoạn của các đối tượng là sử dụng trang mạng xã hội facebook và dịch vụ chuyển phát COD (dịch vụ giao hàng kết hợp thu tiền hộ người gửi hàng) để giao dịch. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, ngày 20-3 Phòng đã gọi hỏi, đấu tranh với đối tượng Lý Ngọc Tân (1993, trú P.Tự An, TP Buôn Ma Thuột).

1459156174-3793-1-57105

Phòng Bảo vệ An ninh Kinh tế CA tỉnh Đắk Lắk xử lý 3 đối tượng mua bán công cụ hỗ trợ trái phép cùng các tang vật.

Tân thừa nhận: từ tháng 6- 2015 đến tháng 3-2016, Tân lập ra 2 tài khoản facebook, sử dụng các tên giả, sim điện thoại rác (không đăng ký thông tin cá nhân ) và lợi dụng dịch vụ chuyển phát COD của Bưu điện tỉnh Đắk Lắk để mua công cụ hỗ trợ rồi đem về cất giấu tại nơi ở. Sau đó, y đem bán lại với giá gấp 2 – 2,5 lần cho nhiều người ở trong, ngoài tỉnh và thu lợi lớn. Tân đã giao nộp cho cơ quan CA 151 công cụ hỗ trợ gồm gậy, đèn pin phóng điện, bình xịt hơi cay, găng tay bắt dao, đèn pin siêu sáng kiêm dùi cui, dùi cui kim loại, roi điện, pin súng phóng điện.

Từ lời khai của Tân, Phòng Bảo vệ An ninh Kinh tế đã gọi lên đấu tranh với Đinh Công Minh (1995) và Cao Thị Por (1995, cùng quê Gia Lai và thuê trọ tại số 03- Nguyễn Duy Trinh, TP Buôn Ma Thuột. Minh khai nhận: cũng với phương thức như Lý Ngọc Tân, từ tháng 12-2015 đến nay, y đã mua công cụ hỗ trợ trái phép từ Tân rồi bán lại cho người khác kiếm lời. Trong đó, Minh nhiều lần được Por giúp đem công cụ hỗ trợ ra Bưu điện tỉnh Đắ Lắk để gửi cho khách hàng. Minh cũng đã giao nộp cho cơ quan CA 17 công cụ hỗ trợ gồm: bình xịt hơi cay, roi, dùi cui, đèn pin phóng điện, gậy kim loại và kiếm Nhật.

Nguồn Cadn.com.vn