Làm giàu từ cây hồ tiêu

Từ tỉnh Thừa Thiên – Huế đến huyện Cư M’gar lập nghiệp, như nhiều hộ dân khác ở địa phương, ông Nguyễn Ngọc Thành cũng chọn cây cà phê là cây chủ lực để phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, do giá cà phê trên thị trường lên xuống bấp bênh, có thời điểm chỉ còn vài nghìn đồng/kg nên hiệu quả không cao khiến cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó khăn.

Thấy cây tiêu có hiệu quả cao, từ năm 2003, ông Thành đã dành nhiều thời gian tìm hiểu về kỹ thuật trồng và chăm sóc loại cây này. Vốn tính cẩn thận và ham học hỏi, ngoài tham gia các lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật do địa phương tổ chức, tìm hiểu qua sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng, ông Thành còn cất công đến tận huyện Chư Suê, thủ phủ về cây hồ tiêu của tỉnh Gia Lai để trực tiếp tham quan, học tập kinh nghiệm. Được tận mắt chứng kiến những vườn tiêu xanh tốt, cho thu nhập cao, có thêm động lực, ông Thành trở về bàn bạc với vợ quyết định trồng tiêu.

Thời điểm đó, do thiếu vốn nên mỗi năm ông Thành chỉ trồng được 100 – 300 trụ tiêu, cho đến nay 1,8 ha cà phê của gia đình mới được phủ xanh cây tiêu, với hơn 2.800 trụ. Với những kinh nghiệm tích lũy được, lại chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên vườn tiêu của gia đình ông luôn phát triển xanh tốt, hạn chế được sâu bệnh và cho hiệu quả cao.

dak-lak-lam-giau-tu-cay-ho-tieu

Ông Nguyễn Ngọc Thành trong vườn tiêu của gia đình.

Hiện nay, với 1.800 trụ tiêu đang trong giai đoạn kinh doanh, trung bình mỗi năm gia đình ông thu được từ 8 – 9 tấn tiêu. Với giá cả thị trường như hiện nay, sau khi đã trừ hết các chi phí đầu tư phân bón, nhân công…, mỗi năm gia đình ông có lãi 700 triệu đồng. Dự kiến thu nhập của gia đình ông sẽ còn cao hơn trong thời gian tới khi những trụ tiêu còn lại đồng loạt cho thu hoạch. Ông Thành chia sẻ: “1 ha cà phê mỗi năm chỉ thu được khoảng 3 tấn, với giá 40.000 đồng như hiện nay thì thu được 120 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư phân bón, chăm sóc… còn khoảng 60 triệu đồng. Chuyển đổi sang trồng cây hồ tiêu, tôi thấy thu nhập cao hơn rất nhiều”.

Có vốn, ông Thành tiếp tục đầu tư kinh doanh thức ăn gia súc và việc kinh doanh này cũng mang đến cho gia đình ông nguồn thu nhập đáng kể. Nhờ làm ăn hiệu quả, gia đình ông đã xây dựng nhà cửa kiên cố, khang trang, mua sắm được xe máy và các phương tiện sinh hoạt đắt tiền, con cái có điều kiện học hành… Gia đình ông được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện.

Những kinh nghiệm có được sau nhiều năm gắn bó với cây hồ tiêu, ông luôn sẵn sàng chia sẻ với bà con nông dân để cùng nhau phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, vươn lên xoá đói giảm nghèo. Ông còn hỗ trợ nhiều hộ nghèo bằng cách cho mua chịu thức ăn gia súc không tính lãi, trị giá hơn 200 triệu đồng; cho 5 hộ vay 100 triệu đồng không tính lãi để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi. Nhờ sự giúp đỡ đó, nhiều hộ đã bớt khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế hiệu quả.